Sách giáo khoa 600 nghìn đồng đem bán giấy vụn

Bộ sách giáo khoa 600 nghìn đồng với tôi không thành vấn đề, nhưng cứ sau mỗi năm học lại đem bán giấy vụn thì quá lãng phí.

Tôi là một người mẹ, có một cậu con trai tám tuổi. Hai vợ chồng tôi đều đi làm, kinh tế khá thoải mái. Thế nên, mỗi đầu năm học, việc chuẩn bị sách vở, đồ dùng học tập cho con với tôi là một chuyện khá nhẹ nhàng. Nhưng tôi vẫn thấy khá buồn khi sau mỗi năm học, tập sách của các con lại bị bỏ phung phí. Nhất là trong hai năm nay, khi dịch Covid-19 hoành hành.

Trong thời kỳ đời sống, kinh tế của một số gia đình gặp nhiều khó khăn. Vậy mà chưa thi học kỳ xong, trường của con tôi đã thông báo về việc đăng ký mua sách đầu năm sau cho các con. Bộ sách của con tôi chưa đến 600 nghìn đồng. Đối với tôi cái giá đó cũng không thành vấn đề. Nhưng những gia đình khó khăn có hai, ba người con thì sao?

Tôi góp ý với đại diện Hội phụ huynh học sinh trường con mình rằng nên đề xuất với Ban Giám hiệu cho các em khóa trên tặng sách đã học lại cho các em khóa dưới học tiếp, việc làm đo vừa tiết kiệm vừa mang tính nhân văn. Nhưng người này lại nói “không khả thi vì sách các con đã học rồi, viết vào hết rồi, nên các bé sau không học được nữa”. Nghe xong tôi lại càng thấy buồn.

Thật ra, đất nước ta đang khó khăn. Đâu ai có tiền lại muốn con mình thua thiệt con người ta. Nhưng có những gia đình không còn việc làm, thu nhập bấp bênh, thì nhận những cuốn sách cũ đó, chịu khó xóa đi những chữ viết của người học trước, đôi khi ại thành cứu cánh cho con em mình. Vì các cháu lớp một viết chữ bằng mực xóa được, chỉ là sẽ tốn thời gian một chút mà thôi, nhưng bù lại sẽ tiết kiệm một ít chi phí cho các cha, mẹ.

>> ‘Bón thúc’ trẻ lớp 1 bằng những cuốn sách giáo khoa khô khan

Lúc mua sách là mua nguyên bộ, nhưng thật ra trẻ có xài hết đâu, cuối năm nào cũng còn hai, ba cuốn mới tinh vì ít đụng tới hoặc thậm chí là không đụng tới. Tôi biết nhiều gia đình có điều kiện, con đi học tập vở để ở nhà không xài hết; giày dép đi học cũng 3-4 đôi, nhưng chúng chỉ thích một đôi nên mang hoài đôi đó, còn các đôi khác mang được vài lần nên nhìn còn mới nguyên. Đừng nói đâu xa, gia đình tôi và các bạn đồng nghiệp của tôi đều vậy. Vở viết, đồ dùng học tập hết ba mẹ mua, ông bà mua, rồi trường lớp lại tặng thưởng…

Nếu tôi là hiệu trưởng thì việc tôi làm lúc này là tổ chức một phong trào chia sẻ, giúp đỡ nhau cùng qua một năm ảm đạm này. Các bé có thể chia sẻ đồ dùng học tập, sách, vở, quần áo, giày dép… Không chỉ năm nay mà các năm sau cũng vậy. Chúng ta có thể dặn các con cố gắng xài giữ gìn đồ dùng, sách vở, để cuối năm tặng lại cho các bạn khác, vừa tập cho các con tính cẩn thận, vừa dạy con tình yêu thương, chia sẻ… Đó mới gọi là giáo dục, là nhân văn.

Lúc trước, trường con tôi cho học sinh tặng sách vào thư viện, các em nhà khó khăn có thể lên thư viện mượn sách học, sau đó trả lại. Hình ảnh đó quá đẹp phải không? Chứ con học xong sách rồi cứ đem bán giấy vụn thì quá lãng phí, mà để lại nhà thì lại chật chội. Tôi nhớ thời tôi đi học, một cuốn sách học xong rồi đến các em họ tôi học, người sau thấy mấy dòng chú thích người trước ghi, thấy cũng hay hay… Nhưng kể từ khi nhà trường bán sách cho các em học sinh thì hình ảnh cho mượn sách ấy cũng không còn nữa.

Đời thay đổi khi chúng ta thay đổi. Chúng ta không thể bắt mấy Nhà xuất bản sách in sách xài một lần trong 5-10 năm được. Trong khi những nhà quản lý chưa có biện pháp thì chúng ta có thể hành động ngay từ bây giờ với những hành động đơn giản và thiết thực.

Le Quyen

>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.

Bình luận

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *