Khi con cái lầm tưởng ‘tình yêu không lành mạnh’

Những di chứng tâm lý khi bị ngược đãi, bạo hành lúc nhỏ có thể khiến nhiều người chịu đựng một mối quan hệ không lành mạnh.

Cách đây nhiều năm, xem bộ phim Forest Gump tôi đã ấn tượng và thắc mắc vì sao nhân vật Jenny không yêu Forest mà cứ yêu những người bạo hành cô giống như cha cô ngày xưa. Sau này tôi mới hiểu vì sao.

Mẹ của Jenny mất khi cô 5 tuổi. Cha cô bạo hành vũ lực và lạm dụng tình dục hai chị em. Jenny và Forest lớn lên tuổi thơ cùng nhau. Forest yêu thương, chăm sóc Jenny một tình yêu ấm áp, trong sáng. Sau này Jenny nhiều lần lặp đi lặp lại mối quan hệ với những người yêu cũng bạo hành cô như cách cha cô đánh đập cô ngày xưa. Trong suốt cả bộ phim, cô thường quay trở lại với Forest chỉ những khi cô suy sụp và cần nhất. Rồi cô lại rơi vào vòng xoáy của những mối quan hệ không lành mạnh đó.

Tại sao cô không đến với Forest khi mà anh luôn dành cho cô tình yêu thương bình an như vậy?

Đó là bởi vì cô chưa bao giờ trải nghiệm tình yêu thương bình an trong gia đình của mình. Và cô cũng chưa bao giờ có một gia đình.

>> Cảm xúc con trẻ khi cha mẹ ly dị

Một số cha mẹ vì có bi kịch tâm lý bên trong và thiếu kiến thức, trải nghiệm (do vấn đề của thời đại gia đình và xã hội tại thế hệ của họ) nên đã dành cho con tình yêu thương không lành mạnh khiến cho con bị tổn thương tâm lý.

Tâm hồn trong sáng của đứa trẻ hiểu yêu thương là bao dung, vỗ về, khích lệ nhưng sao cha mẹ yêu thương mình mà lại thường xuyên đòn roi, mắng chửi, bỏ mặc, phủ nhận những nỗ lực của mình? Một cách bản năng, đứa trẻ muốn tin là cha mẹ yêu mình và cha mẹ yêu nhau, nhưng sao lại làm như vậy với mình? Sao họ lại đánh chửi nhau?

Đứa trẻ bị hoang mang về tình yêu, rối từ suy nghĩ đến rối cảm xúc, luôn có nhiều luồng suy nghĩ thắc mắc, mâu thuẫn bên trong. Liệu tình yêu có phải là như vậy? Liệu có phải cha mẹ làm vậy chắc là vì mình sai, mình không tốt? Đứa trẻ có thể tin rằng mình xứng đáng bị phạt, bị chửi mắng, đánh đập vì đó là cha mẹ yêu mình, dạy mình.

Nhưng sâu thẳm trong bản năng nó vẫn khao khát được yêu thương, được có một mái nhà ấm áp, vui vẻ, bình an. Nó trở nên co cụm, thu mình để tránh khỏi tổn thương, hoặc thậm chí tự tạo ra một nơi trú ẩn (mà nó cho là an toàn) trong tâm trí để tránh né thực tại. Nhưng khát vọng mong được yêu thương vẫn âm ỉ tồn tại dẫn đến bên trong ngày càng trở nên bế tắc. Thậm chí nó tức giận đập phá, gây thương tích thể chất, tinh thần cho bản thân hay người khác, hoặc tuyệt vọng, vô cảm muốn kết thúc.

>> Cãi nhau suốt ngày nhưng không chịu ly hôn – chỉ làm khổ con cái

Một cách vô thức, một số người tiếp tục để mình lặp lại vào những mối quan hệ không lành mạnh hoặc chính họ yêu thương người khác một cách không lành mạnh vì tin một cách nhầm tưởng rằng thế mới là tình yêu. Có lẽ vô thức cứ kéo vào mối quan hệ giống như trước đây mình có với cha mẹ mà không thoát ra được vì vô thức muốn đi tìm lời giải cho thắc mắc này.

“Khi ta đã từng luôn bị đối xử tệ, thì không còn biết thế nào là tốt và có thể nghi ngờ về điều tốt”.

Bởi vô thức đứa trẻ bên trong của họ chưa nhận ra rằng đó không phải là một cách yêu thương lành mạnh và họ có quyền được yêu thương, chăm sóc bình an.

Đứa trẻ cảm thấy bế tắc vì em quá bé nhỏ không có khả năng chăm sóc bản thân, phải phụ thuộc hoàn toàn vào cha mẹ, những người lớn xung quanh. Nhưng đến một ngày bạn lớn hơn rồi, bạn nhận ra rằng bạn có đủ khả năng thay đổi cuộc sống của mình. Bạn đủ khả năng chăm sóc em bé của mình ngày xưa và bản thân bạn ở hiện tại.

Giang Kate

>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.

Bình luận

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *