Vá lỗ hổng hàng không phòng dịch Covid-19

Đeo khẩu trang suốt chuyến bay, giảm lượng khách trên xe trung chuyển, hạn chế ăn uống… là những biện pháp để đảm bảo an toàn đợt dịch thứ tư.

Những ngày này, lượng khách qua hai cảng hàng không lớn nhất Việt Nam là Tân Sơn Nhất (TP HCM) và Nội Bài (Hà Nội) đều giảm do tâm lý người dân đề phòng trước tình hình dịch COVID-19.

Cụ thể, lượng khách qua cảng hàng không quốc tế Nội Bài ngày 14/5 chỉ đạt 8.726 lượt khách, ngày 15/5 là 6.945 lượt khách, ngày 16/5 dự kiến là 10.500 lượt khách và ngày 17/5 dự kiến 9.007 lượt khách.

Còn Tân Sơn Nhất đón 18.367 lượt khách trong ngày 13/5, 18.051 lượt trong ngày 14/5, 17.791 lượt trong ngày 15/5 và 19.650 lượt trong ngày 16/5, thấp hơn nhiều so với mức 108.451 khách của ngày 29/4.

Lượng khách sụt giảm tác động tiêu cực đến phát triển dịch vụ hàng không nói riêng và thị trường hàng không Việt Nam nói chung. Tuy nhiên, nhìn ở góc độ phòng chống dịch thì điều này tạo điều kiện giảm thiểu các yếu tố nguy cơ lây nhiễm SARS-CoV-2 (gây bệnh COVID-19). Nhưng các cảng hàng không, hãng hàng không cần cải tiến một số quy trình để đảm bảo phòng dịch.

Nhắc nhở hành khách duy trì đeo khẩu trang toàn chuyến bay

Một số hãng hàng không hiện tại triển khai trở lại dịch vụ ăn uống trên không gian tàu bay. Dẫu hệ thống lọc khí trên tàu đạt tiêu chuẩn HEPA (lọc khí tương đương phòng phẫu thuật) nhưng các giọt bắn từ người lành mang bệnh hoàn toàn có thể lây nhiễm sang người khác.

Hồi đầu tháng này, Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát Bệnh tật Mỹ (CDC) đã ban hành hướng dẫn mới về khả năng lây nhiễm SARS-CoV-2 thông qua không khí. Theo đó, người lành hít phải không khí chứa virus này có thể mắc bệnh. Đồng thời, nhiều hành khách ý thức còn kém khi hắt hơi trên tàu bay lại mở khẩu trang. Việc này cực kỳ nguy hiểm nên cần phải tuyên truyền kỹ lưỡng hơn. Đặc biệt, phòng vệ sinh của tàu bay cũng cần được lau chùi bằng các dung dịch sát khuẩn chuyên dụng. Hành khách nên trang bị cồn sát khuẩn cá nhân để sử dụng mỗi khi tiếp xúc với các điểm chạm nguy cơ cao như tay cầm, vịn cầu thang, nắp hộp hành lý…

Hạn chế lượng khách trên xe trung chuyển

Đa số các cảng hàng không tại Việt Nam đều yêu cầu hành khách phải lên xe trung chuyển từ nhà ga ra xe thang lên tàu bay. Việc này đảm bảo sức khỏe hành khách trong điều kiện nắng mưa cũng như an toàn, an ninh hàng không. Tuy nhiên, trong tình hình dịch bệnh như hiện nay, lượng khách quá lớn cùng đứng chen chúc trên xe như vậy vô hình trung tạo điều kiện cho virus phát tán. Cần nhớ rằng, các biến chủng Anh, Ấn Độ có khả năng bám dính, tồn tại trên bề mặt và lây nhiễm cao hơn rất nhiều. Hiện tại, nước ta đã ghi nhận nhiều ca trong cộng đồng mang những biến chủng này.

Vì vậy, đối với những cảng hàng không có ống lồng nên ưu tiên hình thức di chuyển ra tàu bay bằng ống lồng (có đảm bảo khoảng cách trước sau giữa hai người, tránh ùn ứ xếp hàng). Đối với các cảng từ bãi đáp tàu bay đến nhà ga đến không quá xa, không có ảnh hưởng đến an toàn, an ninh hàng không (như cảng Thọ Xuân, Côn Đảo…) có thể cho hành khách đi bộ từ xe thang vào nhà ga. Nếu bắt buộc phải sử dụng xe trung chuyển thì cần giảm thiểu lượng khách trên cùng một chuyến đi.

Nhắc nhở đeo khẩu trang

Người Indonesia có câu “Sedia payung sebelum hujan” (tạm dịch: Sẵn sàng ô trước khi trời mưa) để chỉ tinh thần luôn sẵn sàng trước mọi tình huống trong cuộc sống. Ở đây là đại dịch COVID-19. Bất kỳ lơ là, chủ quan của một cá nhân nào cũng đều gây hại rất lớn cho sức khỏe cộng đồng, nền kinh tế của cả đất nước.

Dy Khoa

>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.

Bình luận

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *