Vấn nạn từ chó dữ – chẳng lẽ bó tay?

Bốn chục năm đi xe máy chưa va chạm với ai nhưng vợ chồng tôi gặp nạn do chó đuổi nhau trên phố.

Chó là vật nuôi có ích và gần gũi, thân thiết nhất với con người. Không chỉ ở nông thôn mà ở các thành phố, chó vẫn được nuôi rất nhiều. Vào lúc sáng sớm, ta dễ thấy có nhiều người dắt chó đi dạo, kết hợp để chó giải quyết các nhu cầu của bộ máy tiêu hóa.

Tôi để ý thấy phần lớn người nuôi chó là những người đã có tuổi, chắc con vật sẽ giúp họ vui hơn, thậm chí là bớt cô đơn. Tuy nhiên, nuôi chó cũng có nhiều bất cập. Trên nhiều con đường cũng như mọi con hẻm của TP HCM, người ta rất dễ gặp các bãi phân chó hoặc gặp chó lang thang, nhất là vào buổi sáng sớm.

Việc phóng uế bừa bãi gây mất vệ sinh và thẩm mỹ là chuyện không cần bàn cãi. Không chỉ vậy, chó đã gây nên nhiều vụ tai nạn giao thông mà hậu quả là không lường hết được.

>> Sai lầm của nhiều người nuôi chó ở Việt Nam

Cách đây ít lâu, vợ chồng tôi từng bị tai nạn do chó đuổi nhau trên đường phố, dù đã có trên bốn chục năm lái xe mà chưa hề một lần va chạm với ai. Một thực tế khác là chẳng ai chịu trách nhiệm khi người đi đường bị chó cắn hay vì chó mà bị tai nạn giao thông.

Nếu không may bị chó cắn, ai dám đảm bảo các vết thương đó sẽ không gây chết người khi gặp phải chó dại? Vì vậy, không nhốt mà thả rông chó hoặc không rọ mõm chó khi dắt đi dạo, đi chơi, là hành vi tiềm ẩn rất nhiều hiểm họa, nhất là với các giống chó dữ như Pitbull, Bergie, Ngao Tây Tạng…

Đã có nhiều vụ chó dữ cắn chết người hoặc làm trọng thương nhiều người, nhất là trẻ em. Mới nhất là vào khuya 20/05, con chó Pitbull nặng gần 60 kg cắn chết người tại chỗ ở tỉnh Long An.

Vì vậy cần có giải pháp thích hợp và kịp thời cho tình trạng nuôi chó hiện nay. Đã có những quy định cho việc nuôi chó và dắt chó đi dạo, đi chơi, thậm chí đã có phong trào rầm rộ bắt chó thả rông và chó hoang ở các thành phố lớn. Tình hình có tốt lên ít nhiều, nhưng rồi đâu lại vẫn vào đó.

Vậy giải pháp nào để có hiệu quả thiết thực và lâu dài? Rõ ràng là mỗi con đường, mỗi con hẻm đều thuộc phạm vi quản lý hành chính của một hoặc hai xã phường cụ thể nào đó và nó thuộc trách nhiệm đảm bảo vệ sinh của một đơn vị môi trường nhất định.

>> Nuôi chó văn minh

Vì thế, hoàn toàn có các đầu mối cụ thể để quy trách nhiệm cho người đứng đầu các đơn vị này. Hiện nay, hầu như ai cũng có điện thoại di động để quay phim, chụp ảnh, thậm chí nhiều con hẻm, con đường đã có camera an ninh. Vì thế, việc phát hiện, bắt giữ hoặc bắn hạ chó thả rông, hoặc phát hiện người dắt chó đi dạo nhưng không rọ mõm, hoặc cho phóng uế bừa bãi là việc hoàn toàn nằm trong tầm tay của người dân và các phường xã.

Bác Hồ đã dạy: “Dễ trăm lần, không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Đó là một chân lý mà thực tế bao năm qua đã chứng minh một cách hết sức hùng hồn. Vậy tại sao không dựa vào dân để hạn chế, đi đến chấm dứt tình trạng chó thả rông hoặc không rọ mõm khi dắt chó ra đường?

Cần có một văn bản quy định cụ thể cùng một chế tài tương xứng cho các cá nhân và đơn vị xã phường liên quan. Cụ thể, nếu có bằng chứng trực tiếp hoặc bằng hình ảnh do người dân hoặc các tổ vệ sinh đường phố cung cấp, thì chủ tịch các phường xã liên quan phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước quận, huyện. Khi đó, chủ nuôi chó phải nộp phạt một khoản tiền tối thiểu là hai triệu đồng, sau khi công an phường, xã đã xác minh, làm rõ.

Số tiền trên sẽ nộp vào ngân sách an ninh của phường, xã và dùng để chi vào các khoản: Chi 10% cho tổ vệ sinh môi trường của khu vực, 30% cho người cung cấp hình ảnh hoặc người tìm ra hình ảnh dựa vào các camera an ninh, 20% cho tổ dân phòng của phường xã, khuyến khích họ tuần tra, kiểm soát. Nhập 40% còn lại vào quỹ địa phương để chi trong trường hợp có người bị chó cắn cần đi tiêm phòng, người bị tai nạn giao thông do chó gây ra trên địa bàn phường xã đó mà cần điều trị.

>> ‘Muốn chó không bị trộm thì đừng thả rông’

Dĩ nhiên, số tiền phạt, tỉ lệ chi cần bàn tính sao cho thích hợp, nhưng nhất thiết phải phạt tiền, số tiền không được dưới 02 triệu và 4 khoản chi trên là rất cần thiết. Nếu các quận, huyện cương quyết và đều tay, không coi đây là việc nhỏ, thiết nghĩ, những việc thương tâm do chó gây ra cho người dân sẽ sớm được chấm dứt. Cũng phải khẳng định rằng, không chỉ với vấn nạn chó, nhiều vấn nạn khác cũng sẽ sớm chấm dứt nếu chính quyền các địa phương dám tin ở dân và dám dựa vào dân để tìm ra giải pháp.

Nguyễn Hoàng

>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.

Bình luận

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *