Hai lần bị trả đũa vì đỗ xe trước cửa nhà

Dù cố gắng đỗ xe ở khoảng giữa hai nhà để hạn chế gây cản trở, nhưng tôi bị vẽ bẩn và bị phá ôtô.

Đọc bài viết “Bất lực với ôtô đỗ chắn cửa nhà“, tôi rất đồng cảm với nỗi bức xúc của tác giả Thanh Hùng. Đúng là hiện nay vẫn có tình trạng ôtô đậu trước nhà dân hoặc các cửa hàng kinh doanh mặt phố, gây ảnh hưởng tới việc buôn bán và đi lại của người dân. Tuy nhiên, thực tế, lực lượng chứ năng thường chỉ xử lý trên cơ sở quy định của pháp luật, chỉ các trường hợp đậu xe trên tuyến đường có biển báo cấm đậu mới bị xử phạt.

Là một người thường xuyên di chuyển bằng ôtô, tôi lại có một góc nhìn khác về câu chuyện vốn gây rất nhiều xung đột này. Thông thường, phần lớn chúng ta chỉ nhìn từ phía người có nhà mặt phố mà quay ra chỉ trích cánh tài xế mỗi khi họ đỗ xe trước cửa nhà dân. Trong khi, nếu xét trên góc độ luật pháp, đó chưa chắc đã là hành vi vi phạm.

Luật giao thông Việt Nam hiện nay không hề cấm việc đỗ xe trước nhà người khác, trong trường hợp đoạn đường đó không có biển báo cấm đỗ. Thế nên việc tài xế đỗ xe trước cửa nhà bạn rõ ràng không sai về lý. Vậy nên, việc nhiều người vội vàng đổ lỗi tài xế đỗ xe trước cửa nhà chưa chắc đã là đúng.

Hơn nữa, ngay cả khi tài xế ôtô sai (đỗ xe trên đoạn đường cấm dừng đỗ), việc xử lý sai phạm cũng là trách nhiệm của cơ quan chức năng, người dân hoàn toàn không có quyền can thiệp, tự ý trừng phạt. Bạn chỉ có quyền báo cáo sự việc cho các cơ quan chức năng giải quyết mà thôi.

Nếu bạn tự ý làm bất cứ việc gì gây thiệt hại đến chiếc xe hay tài xế đó, khả năng cao bạn sẽ còn phải phải bồi thường, thậm chí còn phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Người ta đỗ xe không sai về lý, thì bạn chỉ có thể giải quyết bằng tình cảm với tài xế. Còn nếu bạn không muốn có ai đỗ xe trước cửa nhà mình thì phải xin phép để bên giao thông công chính kẻ vạch chéo cấm đố xe (nếu bạn có đủ khả năng làm được điều đó).

Bản thân tôi cũng từng không dưới hai lần gặp rắc rối với chủ nhà khi bắt buộc phải đỗ xe trước cửa nhà họ. Đường không có biển báo cấm đỗ, không có vạch kẻ chéo nên tôi cho xe đỗ sát lề đường theo quy định. Biết việc đỗ xe của mình có thể gây phiền cho người khác nên tôi đã cố ý đỗ xe ở khoảng giữa hai nhà, tạo khoảng hở cần thiết để họ ra vào, buôn bán. Tôi cũng để lại số điện thoại trên kính xe để người ta tiện liên lạc khi cần và nhanh chóng rời đi để hoàn tất vài việc một cách nhanh nhất có thể.

Cứ nghĩ mình làm vậy là sẽ yên ổn, nhưng thực tế những gì tôi phải gánh chịu là ngoài sức tưởng tưởng. Lần thứ nhất, khi tôi quay trở lại xe (sau khoảng 10-15 phút), điều đập ngay vào mắt tôi là hàng loạt chữ viết nham nhở trên kính xe với những lời lẽ tục tĩu, rất vô văn hóa. Người chủ nhà lớn tuổi thậm chí còn ngồi chờ sẵn, thấy tôi ra là nhao vào chửi bới, đe dọa dùng vũ lực. Bức xúc trước hành vi côn đồ của người này, nhưng tôi đành xin lỗi cho qua chuyện rồi rời đi vì không muốn phiền phức.

>> Siêu sang Bentley bị dán giấy ‘không có văn hóa đỗ xe’ giữa Hà Nội

Lần thứ hai đỗ xe như vậy, tôi thậm chí còn bất ngờ hơn khi thấy một vết xước dài chạy dọc thân xe, kèm theo vô số rác thải sinh hoạt được chất đống trước nắp capô như một lời thách thức rõ ràng hơn cho việc tôi đỗ xe trước của nhà họ mà không được phép. Trong lòng tôi xen lẫn nỗi bức xúc và sự thắc mắc: tại sao tôi phải xin phép họ để được đỗ xe ở nơi mà pháp luật không hề cấm? Chẳng lẽ vỉa hè và phần đường trước nhà là của riêng của người dân sống ở mặt phố hay sao?

Hiện nay, tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, không hề quy định về việc xử phạt đối với hành vi đỗ xe chắn trước cửa nhà người khác. Người điều khiển phương tiện chỉ cần đảm bảo các quy định về đỗ xe trên đường tại Điều 18 và Điều 19 Luật Giao thông đường bộ 2008:

– Phải đảm bảo an toàn trước khi rời khỏi xe như: Có tín hiệu báo; cho xe dừng, đỗ ở nơi có lề đường rộng; xe đỗ chiếm một phần đường xe chạy phải đặt ngay biển báo hiệu nguy hiểm; xe đỗ trên đoạn đường dốc phải được chèn bánh,

– Không được đỗ xe tại các vị trí sau: Bên trái đường một chiều; trước cổng trong phạm vi 5 mét hai bên cổng trụ sở cơ quan, tổ chức; tại nơi phần đường có bề rộng chỉ đủ cho một làn xe; trên miệng cống thoát nước, miệng hầm của đường điện thoại, điện cao thế; không được để phương tiện ở lòng đường, hè phố trái quy định;

– Đỗ xe trên đường phố phải đỗ sát theo lề đường, hè phố phía bên phải theo chiều đi; bánh xe gần nhất không được cách xa lề đường, hè phố quá 0,25 mét và không gây cản trở, nguy hiểm cho giao thông. Trường hợp đường phố hẹp, phải đỗ xe ở vị trí cách xe ô tô đang đỗ bên kia đường tối thiểu 20 mét.

>> ‘Cấm đậu ôtô, đường sẽ hết tắc’

Như vậy, nếu tài xế đã đỗ xe đúng quy định thì đương nhiên họ không thể bị xử phạt, kể cả khi đỗ xe chắn trước cửa nhà người khác. Trong khi đó, nhiều người nhà mặt tiền, có lề đường, mặc dù không kinh doanh gì vẫn không cho người khác đậu xe trước cửa (ngay cả khi không có biển cấm dừng đỗ). Họ coi đó là đất riêng của mình và tỏ thái độ hống hách với người khác. Đây chính là một trong những nguyên nhân dẫn tới những vụ xô xát, ẩu đả liên quan đến việc đỗ xe chắn cửa nhà thời gian qua.

Thực tế, tư duy nhà mặt phố đã ăn khá sâu vào tiền thức của một bộ phận người Việt. Khi xây nhà, nhiều người cố gắng lấn ra sát mép đường nhiều nhất có thể. Không những thế, họ còn trưng dụng cả vỉa hè trước cửa làm nơi để xe, kinh doanh buôn bán. Lâu dầu, hình thành tư tưởng độc chiếm không gian công cộng thành của riêng. Nhiều người không hiểu rằng, khi họ đã chấp nhận nếu xây hết đất được phép, mà con đường trước nhà không có vỉa hè, thì họ sẽ gặp rủi ro. Nói cách khác, bạn đã chọn sự rủi ro này, để đổi lấy diện tích xây nhà lớn nhất có thể.

Cánh tài xế chúng tôi thông thường rất ngại, hoặc không hề muốn đỗ xe trước cửa nhà người khác. Nhưng nói đi cũng phải nói lại, không phải tự nhiên người ta lại đỗ xe trước nhà để làm khó người khác. Đó chẳng qua là trường hợp bất đắc dĩ (tôi không bàn tới những người vô ý thức). Khi có ôtô, các bạn sẽ hiểu và thông cảm cho điều này.

Điều cuối cùng tôi muốn nhấn mạnh, đó là trong mọi trường hợp, hãy là người hiểu biết pháp luật và hành xử một cách văn minh nhất có thể. Đừng để những tư duy lệch lạc và hành động bột phát khiến bạn vướng vào những rắc rối không đáng có chỉ vì những sự việc rất nhỏ nhặt.

Hào Anh

>> Bài viếtkhông nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.

Bình luận

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *