Bao nhiêu người dắt chó không rọ mõm bị phạt?

Quy định dắt chó ra đường bắt buộc phải đeo rọ mõm còn không được chấp hành thì bổ sung cấm nuôi chó dữ có khả thi?

Mấy ngày gần đây, nhiều bài viết về việc chó cắn chết người, nuôi chó dữ với rất nhiều ý kiến. Tôi đọc mà cảm thấy băn khoăn khi nhiều người nói nên có quy định cấm nuôi chó dữ, phạt chủ nhà không rọ mõm chó khi ra đường…

Tôi xin được đưa ra vài ý:

– Luật Thú y và nhiều văn bản dưới luật đã có quy định cụ thể. Chó không rọ mõm khi ra đường thì chủ nuôi sẽ bị phạt tiền. Thế nhưng, khi đi ngoài đường thì chó được chủ đắt bộ hay chở trên xe không rọ mõm rất nhiều, hiếm thấy người chấp hành quy định.

Người dân thì không thể phạt. Chỉ có chính quyền địa phương hay những người được giao nhiệm vụ mới có quyền phạt chủ nuôi vi phạm quy định. Các địa phương trên cả nước thử thống kê xem đã phạt bao nhiêu trường hợp chó không rọ mõm khi ra đường?

– Rất nhiều ý kiến cho rằng phải ra luật có nội dung cấm nuôi chó dữ: chó loại A, loại B. Giả sử luật có bổ sung thêm cấm nuôi chó dữ, nhưng thiên hạ vẫn nuôi thì có chấm dứt tình trạng chó cắn chết người không?

Bài viết Thất bại nhà nước của tác giả Vũ Ngọc Bảo, có nội dung: “Quy định về nuôi chó, mèo đã có trong Luật Thú y và nhiều văn bản dưới luật. Tuy vậy, khó tìm một ví dụ xung quanh chúng ta về việc thực thi các quy định này. Tình trạng chó không rọ mõm, chưa được chích ngừa, hoặc chích ngừa không đầy đủ, thả rông ngoài đường phố, ngõ xóm, vệ sinh vừa bãi, tấn công người, vật khác… rất phổ biến ở bất cứ đâu. Chúng ta thường xuyên đọc thấy những tin tức, như một người đàn ông bị chó cắn vào cổ và tử vong khi đi cấp cứu ở Hà Nội, em bé 8 tháng tuổi bị chó ngao cắn chết, em bé 9 tháng tuổi ở Yên Bái bị cả đàn chó tấn công làm cụt dương vật, bại não. Thương tâm nhất, em bé 7 tuổi ở Hưng Yên bị đàn chó cướp đi cuộc sống tuần trước. Đó là một thất bại của chính sách chưa đầy đủ, thất bại của các chính sách đã ban hành không được thực thi và thất bại của việc giám sát thực thi chính sách. Hậu quả là nhiều người dân bị thương vong…”

Khi tôi đảm nhận vị trí quản lý nhà máy sản xuất của một công ty nước ngoài, tôi phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về mọi vấn đề. Quan điểm của chủ công ty là: Người quản lý phải giám sát chặt chẽ khu vực mình quản lý, phải biết ngăn ngừa nguy cơ có thể xảy ra và phải báo cáo, đưa ra đề xuất để giải quyết. Quan trọng là phải thực hiện nghiêm túc những quy định đặt ra.

Nếu để xảy ra sự việc nghiêm trọng, người quản lý sẽ bị sa thải đầu tiên, không đỗ lỗi cho ai cả với một nguyên tắc: “Không có nhân viên kém, chỉ có quản lý tồi mà thôi”.

Tổng giám đốc của một ty nước ngoài đặt nhà máy tại Khu công nghiệp Biên Hòa đã từ chức và xin lỗi toàn thể công khai khi một công nhân bị máy cắt đứt ngón tay. Mặc dù ông này không trực tiếp quản lý công nhân kia nhưng vẫn bị khiển trách và yêu cầu quay về nước.

Tôi và chúng ta có khi nào tự hỏi: Người dân đi xe máy trước đây không đội mũ bảo hiểm. Khi có quy định buộc phải đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông, ban đầu gây tranh cãi nhưng hiện nay mọi người chấp hành tốt. Vì sao vậy?

Tại sao đến ngày hôm nay vẫn có người chết thương tâm vì bị chó cắn? Nếu chó dữ kia được rọ mõm chắc chắn thì sẽ không xảy ra những việc thương tâm. Nếu quy định xử phạt chó không rọ mõm khi ra đường được thực thi nghiêm túc, có xảy ra chuyện đau lòng như vậy không?

Nếu quy định chủ nuôi chó để chó cắn người vô cớ (làm bị thương hoặc chết) chắc chắn bị xử phạt nặng thì liệu ai dám vi phạm? Và quan trọng hơn hết, trách nhiệm của địa phương thế nào khi có chó thả rong không rọ mõm trên đường phố, để xảy ra chó cắn người xảy ra trên địa bàn mình quản lý?

Thanh Hùng

>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.

Bình luận

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *