‘Công chúng không nuôi nghệ sĩ’

Nghệ sĩ cũng phải bỏ công sức làm việc vất vả mới có sản phẩm để đem tới công chúng, chẳng ai nợ ai thứ gì.

Thời gian gần đây, mạng xã hội liên tiếp ‘dậy sóng’ những câu chuyện liên quan tới nghệ sĩ, bắt đầu từ chuyện lên án làm từ thiện gian dối, đấu tố người phản bác… thu hút số đông người theo dõi, tranh luận. Tôi cố gắng đi “ngược dòng”, tìm hiểu câu chuyện và thấy hơi lạ khi một bộ phận người trẻ đồng lòng hay cổ xúy cho tư tưởng hạ thấp giá trị nghề nghiệp người nghệ sĩ qua câu nói “công chúng nuôi nghệ sĩ”.

“Xướng ca vô loài” là câu nói ở thời quá khứ, mang hơi hướng phong kiến, bảo thủ khi mà người ta chỉ muốn hiểu và công nhận cái gì có thể sờ nắm để ngã giá mới là sản phẩm. Chúng ta đang ở thời nào?

Nếu bạn chịu bỏ tiền để nghe, xem bài hát, bộ phim mình yêu thích trên các nền tảng kỹ thuật số, hay đi xem người nghệ sĩ mình yêu thích biểu diễn… nghĩa là bạn thừa nhận bài hát, bộ phim, buổi biểu diễn đó phù hợp với nhu cầu cá nhân của mình và nó đáng để bạn xuất hầu bao. Còn ngược lại, nếu bạn không bỏ tiền ra, không mua các sản phẩm nghệ thuật, nghĩa là nó không phù hợp về mặt chất lượng, gu thẫm mỹ, giá cả… với bạn.

Vậy thì, rõ ràng đây là quan hệ ngang nhau giữa người mua và người bán. Tốt thì mua, xấu, không hợp thì không mua. Tôi nhớ cách đây trên dưới 15 năm, một nữ ca sĩ nổi tiếng trong nước có tổ chức buổi biểu diễn rất hoành tráng ở Sài Gòn. Lúc đó, các chị đồng nghiệp rủ tôi đi xem. Khi biết giá vé thấp nhất khoảng 200 – 250 nghìn, chỗ đẹp khoảng 400 nghìn đồng, tôi đã xin lỗi các chị và không đi cùng. Đơn giản vì tôi đã sắp xếp chi tiêu hết trong khoản tiền lương của mình rồi. Các chị đi xem về đã bàn luận sôi nổi rằng “show diễn quá hay, quá đáng đồng tiền bát gạo”.

Kể lại câu chuyện này để thấy rằng, khi người khách hàng bỏ tiền cho một sản phầm hay dịch vụ, nếu họ thấy đáng tiền, nghĩa là giao dịch mua bán thành công. Còn tôi không đủ tiền mua nên không dùng sản phẩm của họ. Không ai nợ ai cái gì. Nếu khách hàng vỗ tay hay tặng một bó hoa cho nghệ sĩ sau buổi diễn (trừ trường hợp tự “mua” fan), thì cũng là mang ý nghĩa yêu quý, trân trọng người cung cấp sản phẩm. Ở chiều ngược lại, người nghệ sĩ sẽ xem là món quà đó là nguồn động viên tinh thần để họ tiếp tục cho ra những sản phẩm chất lượng tiếp theo.

>> Công bằng với nghệ sĩ làm từ thiện

Nếu nói là “khán giản nuôi nghệ sĩ” thì chẳng phải cả xã hội này đang nuôi nhau đấy sao? Thực khách nuôi chủ hàng quán; chủ hàng quán nuôi người bán thịt, bán rau; người đổ xăng nuôi người kinh doanh cây xăng; người kinh doanh cây xăng nuôi người khai thác xăng dầu; du khách nuôi người làm dịch vụ du lịch và các điểm tham quan du lịch; khách hàng nuôi công ty… Nhưng thực tế, ai cũng phải bỏ công sức làm thì mới có sản phẩm để đem bán, trao đổi, có lý do mà “nuôi” nhau.

Ví dụ thêm vấn đề này, khi bạn mê mệt với nhãn hàng công nghệ nào đó, bạn sẵn sàng đội mưa, đội nắng hoặc chi tiền bay sang nước ngoài để trở thành người đầu tiên sở hữu sản phẩm đó. Điều đó cũng không khác mấy khi bạn thần tượng một nghệ sĩ, bạn sẽ không ngại tốn thêm tiền để đi xem họ diễn, theo dõi tài khoản các nhân họ… hay nhiều hoạt động khác nữa. Ở đây, khởi đầu là sự tự nguyện của bạn – nhân danh “công chúng” – cho nên hãy công tâm với lời nhận xét, mà mới nghe qua tưởng chừng vô thưởng vô phạt, nhưng thật ra là hạ thấp người khác.

Thậm chí, với một quan hệ không trao đổi mua – bán như bạn cho người ăn mày một đồng, thì đó là đồng tiền tự nguyện của bạn. Bạn cho họ, họ cảm ơn, nhưng không có nghĩa là phải gánh cái ơn của bạn suốt đời.

Còn một ý nữa tôi muốn chia sẻ, là ai cũng có quá khứ. Người may mắn thì có quá khứ không gợn sóng, người kém may mắn thì quá khứ đa đoan. Chúng ta bới móc, xỉ vả quá khứ người khác chỉ để thỏa mãn cơn giận cá nhân và thỏa mãn tính tò mò của một bộ phận cá nhân thôi sao? Tôi chưa bàn tính xác thực của quá khứ ai bị đào lại, cũng như tính pháp lý của việc làm này, nhưng nếu như ai đó có quyền nhân danh cái gì đó để làm như vậy, thì tôi tự hỏi công chúng Việt dễ bị thao túng đến vậy sao?

>> Khi nghệ sĩ kêu gọi từ thiện một đằng, làm một nẻo

Về phần nam nghệ sĩ Hoài Linh, mỗi ngày trên mạng xã hội phủ đầy các thuyết âm mưu, phán xét, chỉ trích, kết tội, thậm nguyền rủa vì câu chuyện 14 tỷ đồng tiền cứu trợ đồng bào miền Trung. Rồi tiếp theo là những dòng bình luận nghi hoặc ngờ vực lan sang người khác cùng trong giới. Như thể giới nghệ sĩ đang rơi vào tình cảnh bị xé toạc trong đấu tố, xúc phạm, xâu xé đạo đức lẫn nhau.

Dưới cái nhìn khách quan, tôi thấy tình cảnh này giống như kết quả đã đoán trước của việc bị thao túng thông tin vậy. Khi còn chưa đầy đủ thông tin chính thống và chính thức từ các bên liên quan, như bên đại diện pháp luật… việc chúng ta cho mình có quyền phán xét, nguyền rủa người khác liệu có chấp nhận được không?

Tôi là người không đứng về bên nào trong cuộc chiến này, cũng sẽ không tham gia vào cuộc đấu tố này, tôi chỉ đặt niềm tin vào pháp luật, cho dù một số ý kiến nêu ra có đi ‘ngược dòng’ với số đông hiện giờ. Tôi cũng mong đại diện pháp luật nhanh chóng vào cuộc và sớm có phản hồi để câu chuyệnlùm xùm này sớm kết thúc.

Hanna Nguyen

>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.

Bình luận

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *