Đám đông bắt lỗi nghệ sĩ

Một bộ phận công chúng ngày nay cứ ‘gió chiều nào xoay theo chiều ấy’, thấy nghệ sĩ có sơ hở là hùa theo đám đông bắt lỗi, lăng mạ.

Thời gian qua, xuất hiện hàng loạt lùm xùm xung quanh chuyện mấy nghệ sĩ nói xấu nhau trên mạng, gây khó dễ cho nhau bằng cách mua hết tác quyền sản phẩm vĩnh viễn, giữ tiền từ thiện 6 tháng… Rồi kéo theo đó là một loạt những vụ bóc mẽ, nói xấu nhau trên mạng xã hội. Công chúng thì chẳng biết ai đúng ai sai, cứ vin vào cái cớ đó mà chửi bới cho hả dạ. Nói không ngoa, showbiz Việt giờ chẳng khác gì cái chợ. Trong khi một bộ phận công chúng cứ “gió chiều nào xoay theo chiều ấy”, thấy ai có sơ hở là bắt lỗi, lăng mạ, hùa theo đám đông.

Tôi cho rằng, sau những vụ việc này, các nghệ sĩ sẽ dè dặt hơn khi làm từ thiện. Nếu có thì họ cũng tự làm một mình, chẳng dám kêu gọi ai. Vốn dĩ làm từ thiện để cảm thấy thanh thản và nhẹ lòng, là sự cho đi không cần nhận lại, nhưng giờ đây sự thật lại hoàn toàn trái ngược. Tôi hay nói vui rằng, làm từ thiện ở Việt Nam bây giờ luôn trong trạng thái lo sợ không biết mình có làm đúng không, có thiếu sót gì không, có ai đang soi mói, theo dõi mình không?

Từ thiện chẳng phải nghĩa vụ của bất cứ ai cả, mà là từ tâm, từ lòng trắc ẩn của mỗi người. Hãy nhìn khía cạnh tích cực là ít ra cái “tâm” của họ cũng là đi làm việc thiện, giúp đỡ người khác, thay vì những người chỉ ngồi ở nhà, lo đi bới móc, tìm ra lỗi của người khác để nói.

>> Khi nghệ sĩ kêu gọi từ thiện một đằng, làm một nẻo

Tôi cho rằng, ai đó sai ở đâu thì lương tâm họ sẽ phải tự chất vấn, hơn thế nữa còn có luật nhân quả và pháp luật xử lý, đâu đến lượt mỗi người chúng ta tự cho mình cái quyền phán xét, định tội người khác. Nhiều người chỉ đang chửi để hả cơn giận, để hùa theo đám đông, để thỏa mãn cái tôi và vô vàn những lý do tương tự khác.

Mặt trái của hành động này là sẽ gây tâm lý tiêu cực về lâu dài. Sau này, liệu mỗi khi người dân miền Trung gặp bão lũ, những vùng núi phía Bắc gặp thiên tai, người dân khó khăn, ai sẽ đứng lên kêu gọi giúp đỡ, ủng hộ từ thiện nữa, rồi ai dám đi làm từ thiện nữa? Cuối cùng người khổ ở đây nhất vẫn là những người dân nghèo mà thôi.

Ngay cả khi nghệ sĩ có lỗi, tại sao chúng ta không suy nghĩ tích cực bởi dù gì họ cũng đang làm việc thiện, có ý tốt là giúp đỡ những người khó khăn? Giữa lúc toàn dân đang cùng với Nhà nước gồng mình để chống chọi với dịch Covid-19 tái bùng phát, tại sao chúng ta không tập trung, chung tay đẩy lùi dịch bệnh? Hoặc chí ít cũng bắt đầu từ những suy nghĩ tích cực hơn thay vì để những suy nghĩ tiêu cực cứ thành một vòng luẩn quẩn.

Người ta làm tốt chín, làm sai một nhưng nhiều người đã coi họ là kẻ dối trá. Vậy những cái tốt họ làm trước đây, ta có thể phủ nhận hết sạch sao? Ai cũng là con người, vậy nên họ cũng đều cần được tôn trọng như cách chúng ta đối đãi với nhau.

>> Công bằng với nghệ sĩ làm từ thiện

Nhìn lại những câu chuyện này, tôi lại liên tưởng đến những trận bóng đá. Trên thế giới, có rất nhiều cầu thủ huyền thoại (nhất là các thủ môn), họ đã giúp đưa các CLB, đội tuyển quốc gia giành những vinh quang. Nhưng chỉ vì một phút bất cẩn, mắc một lỗi ngớ ngẩn, họ lập tức bị khán giả nhà coi là kẻ tội đồ. Như trường hợp của Oliver Kahn – thủ môn huyền thoại của ĐT Đức – đã đóng góp rất lớn trong hành trình đưa đội bóng quê hương đến chung kết World Cup 2002 khi chỉ để thủng lưới một bàn.

Tuy nhiên, ngay thời điểm quan trọng ấy, danh thủ Bayern Munich lại mắc phải sai lầm đáng trách dẫn đến trận thua 0-2 trước Brazil. Kahn và đồng đội chết lặng trước ngưỡng cửa thiên đường và nhìn đối thủ bước lên ngôi vô địch. Bản thân ông cũng trở thành tâm điểm của mọi sự chỉ trích.

Rồi còn trường hợp của Petr Cech. Là một trong những “người gác đền” xuất sắc nhất thế giới, nhưng không đồng nghĩa với việc thủ môn này không phạm phải sai lầm. Tại Euro 2008, cựu sao Chelsea đã có pha cứu bóng vô cùng tệ hại dẫn đến trận thua của CH Czech trước Thổ Nhĩ Kỳ, trực tiếp tiễn đội nhà khỏi giải đấu. Thế mới nói, đến thánh nhân hay thiên tài cũng còn có lúc sai huống hồ là người phàm. Quan trọng là cách chúng ta nhìn nhận và hành xử thế nào đối với những người chẳng may mắc lỗi hay sai lầm như thế nào mà thôi.

Tôi viết những điều này không có ý chê trách hay phán xét bất cứ ai. Nhưng tôi cho rằng, đã đến lúc mỗi người trong số chúng ta, dù ở phương trời nào, cũng hãy học cách sống vị tha, biết yêu thương quan tâm mọi người xung quanh, bớt sân si và luôn suy nghĩ tích cực trong mọi vấn đề.

Mai Sơn Tùng

>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.

Bình luận

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *