Ba lần mang tiếng vì cho vay tiền

Quá hẹn hai tháng không thấy bạn trả tiền, tôi ngỏ ý xin mượn lại số tiền bạn vay lúc trước nhưng lập tức bị đáp trả nặng nề.

Tôi rất ngại mỗi khi có người hỏi mượn tiền, ngay cả với người yêu hay đồng nghiệp. Bởi nếu không cho vay thì mất bạn, mà cho mượn thì đôi khi mất cả bạn lẫn mất tiền.

Cách đây một thời gian, người yêu cũ của tôi gọi điện hỏi mượn tôi năm triệu đồng, với lý do “thiếu tiền chữa bệnh cho bố”. Thế nhưng, tôi từ chối vì ngại liên quan đến chuyện tiền bạc. Sau lần ấy, anh đã giận và cắt liên lạc với tôi ngay lập tức.

Lần thứ hai là một cô bạn gặp khó khăn hỏi mượn tiền. Tôi suy nghĩ mất một đêm, và quyết định cho bạn mượn số tiền bằng ba tháng lương của mình. Lúc mượn, bạn hẹn tôi sau bốn tháng sẽ trả đầy đủ. Thế nhưng, tôi đợi quá sáu tháng vẫn không thấy bạn đả động gì tới chuyện trả tiền, dù tôi biết bạn mới có tiền thưởng, dư khả năng trả nợ.

Tôi gợi ý xin mượn lại bạn số tiền lúc trước, thì cô lập tức giận hờn, nói rằng “số tiền là tiền để dành phòng lúc bệnh tật, ốm đau”. Sau một thời gian lời qua tiếng lại, cuối cùng người bạn đó cũng trả tiền cho tôi. Nhưng để lấy lại được tiền, tôi cũng phải nhận không ít lời nói nặng nề.

Lần thứ ba là với một người tôi yêu qua trang hẹn hò online. Tôi quen anh được sáu tháng thì anh ngỏ lời yêu. Và sau khi là người yêu được nửa tháng, anh mượn tiền tôi, số tiền bằng gần một tháng lương lúc bấy giờ. Tôi khá bất ngờ, nhưng vẫn cho mượn. Nhưng đến khi phải trả tiền cho tôi, thái độ của anh bắt đầu lạnh nhạt, rất ít khi hỏi thăm, khiến tôi khá bất ngờ, và hơi buồn.

Sau ngần ấy chuyện rắc rối liên quan đến vay mượn tiền bạc, giờ chỉ ngoại trừ người thân trong gia đình, có lẽ tôi sẽ suy xét thật kỹ trước khi cho vay. Còn với người ngoài, kể là là người yêu, bạn bè, tôi cũng sẽ từ chối thẳng thừng với những lời hỏi vay mượn.

>> Thành con nợ sau khi cho bạn bè, người thân vay tiền

Người Do Thái có câu: “Cho một người mượn tiền cũng đồng nghĩa với việc bớt đi một người bạn”. Có nhiều người vì chuyện mượn tiền, đòi nợ mà gây mâu thuẫn, xích mích, thậm chí còn không muốn nhìn mặt nhau, cắt đứt hoàn toàn quan hệ. Bạn bè mượn tiền, bạn liền gật đầu hỏi luôn “mượn bao nhiêu?”, như vậy thì bạn đã thất bại rồi. Những người khôn ngoan họ sẽ tìm cách từ chối thật khéo.

Có ba nguyên tắc trong việc cho vay mượn tiền bạc thế này:

– Thứ nhất, nếu như người vay tiền bạn không phải với mục đích thật sự cấp bách, thì tốt nhất không nên cho mượn.

– Thứ hai, trước khi cho mượn tiền, bạn cần phải xem xét tới độ tin cậy của đối phương; lường trước những tổn thất bạn có thể gánh chịu được nhiều nhất là bao nhiêu nếu chẳng may không đòi lại được tiền, từ đó quyết định số tiền có thể cho mượn.

– Thứ ba, học cách từ chối khéo léo với những lời đề nghị rủi ro cao, đừng lo lắng tới việc sẽ ảnh hưởng tới tình cảm mà cả nể, nhắm mắt cho mượn và nhận về trái đắng.

Từ chối cho vay tiền vốn là một chuyện tương đối nhạy cảm. Nếu xử lý khéo léo, bạn vừa có thể bảo vệ được tài sản của mình, vừa không làm mất lòng người khác. Tuy nhiên, nếu không khéo léo, bạn rất dễ đánh mất tình cảm, thậm chí bị ghét bỏ, tẩy chay. Bởi vậy, hãy đặt ra nguyên tắc nhất định cho bản thân và kiên định với các nguyên tắc đó. Một mối quan hệ tốt, đáng giữ gìn, chắc chắn sẽ không đẩy bạn vào tình cảnh phải lựa chọn “tình hay tiền?”.

Trang

>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.

Bình luận

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *