‘Không ai nuôi nghệ sĩ’

Nghệ sĩ ở nước ngoài cũng tạo ra sản phẩm, đưa đến công chúng, nhưng có ai nói ‘công chúng nuôi nghệ sĩ’ đâu.

Thời gian qua, rất nhiều ý kiến và quan điểm trái chiều xũng quanh câu chuyện “Ai nuôi nghệ sĩ?” trong quan hệ xã hội ngày nay. Tôi cũng xin góp một vài ý kiến cá nhân về chủ đề này. Trước tiên, tôi xin khẳng định mình không phải nghệ sĩ hay doanh nhân, tôi chỉ là một ông giáo già về hưu.

Nói về chữ “nuôi”, đầu tiên, hãy hình dung anh công chức làm việc trong cơ quan nhà nước sẽ được chính phủ trả lương, nhưng nhà nước lấy tiền đâu để trả? Xin thưa đó là tiền thuế của nhân dân đóng cho nhà nước. Vậy các bạn sẽ nói dân “nuôi” công chức phải không? Thực tế, các công chức cũng phải làm việc cật lực để hoàn thành công việc cấp trên giao cho, chứ không đơn giản ngồi đó nhận lương.

Người công chức sau khi nhận lương cũng phải chi tiêu, mua sắm cho cuộc sống gia đình. Họ mua sản phẩm của các doanh nghiệp, vậy là họ “nuôi” doanh nghiệp phải không? Xin thưa, doanh nghiệp phải bán sản phẩm và giá cả như thế nào thì mới được người tiêu dùng chấp nhận. Khi doanh nghiệp có lợi nhuận mới có thể chi trả lương nhân công, đóng thuế cho nhà nước… Vậy doanh nghiệp “nuôi” người lao động?

Người lao động cũng phải làm việc hết sức mình đem lại hiệu quả cho công ty, doanh nghiệp, từ đó mới có lợi nhuận để trả lương cho người lao động. Chứ nếu doanh nghiệp, công ty mà thua lỗ, còn bạn làm việc không hiệu quả thì họ chẳng có tiền đâu mà nuôi người lao động. Và rồi người lao động lại chi tiêu cho những nhu cầu thiết yếu của cuộc sống. Vậy rốt cuộc, ai nuôi ai?

>> Nghệ sĩ ngộ nhận ‘không cần công chúng nuôi’

Trong rổ chi tiêu của mỗi gia đình, thông thường sẽ theo thứ tự từ căn bản như: Nhu yếu phẩm hàng ngày, điện nước sinh hoạt, chi phí nhà cửa (nhà thuê), chi phí học hành giáo dục, an sinh xã hội y tế, phương tiện di chuyển đi lại… cho đến những nhu cầu cao hơn như:ư tiền tích lũy tiết kiệm, du lịch, thưởng thức nghệ thuật… Chúng ta có thể thấy chí phí cho du lịch và nghệ thuật sẽ xếp cuối cùng trong kế hoạch chi tiêu, vì không ai nhịn đói hay bỏ học, bỏ qua sức khỏe để thưởng thức nghệ thuật.

Vậy là những người làm nghệ thuật sẽ làm ra sản phẩm mà chỉ trông chờ người tiêu dùng nhìn đến cuối cùng trong rổ chi tiêu của họ. Khi xã hội phồn vinh, kinh tế phát triển thì những người làm nghệ thuật sẽ dễ dàng bán được sản phẩm, nhưng khi nền kinh tế bất ổn thì mấy ai quan tâm đến nghệ thuật (khi cái ăn còn lo chưa xong). Vậy người nghệ sĩ khi ấy sống bằng gì? Ai sẽ nuôi họ trong những giai đoạn như thế này?

Nhiều người nói nghệ sĩ không biết ơn công chúng – những người đã “nuôi” họ. Nhưng nghệ sĩ vẫn đi làm thiện nguyện, đóng góp cho xã hội để tri ân những gì mà công chúng mang đến cho họ đấy thôi. Cũng như các bạn khi nhận lương của giới chủ, cũng đâu mở miệng “cảm ơn”, nhưng vẫn tri ân công ty bằng cách làm việc hiệu quả hơn.

Đôi khi, không phải cứ trả tiền cho một sản phẩm hay dịch vụ nào đó mà chúng ta muốn họ phải cảm ơn mình, thậm chí ta còn phải cảm ơn lại người bán nữa. Chẳng hạn, các bạn đi khám bệnh, các bạn phải trả chi phí, khi bác sĩ chữa lành bệnh, bạn phải cảm ơn bác sĩ đó thôi. Hay như khi cần luật sư, các bạn cũng phải trả phí và cảm ơn khi thắng kiện. Hoặc các bạn đi học phài đóng học phí cho nhà trường, nhưng vẫn phải cảm ơn thầy cô đã dạy dỗ các bạn nên người…

Quan hệ xã hội ngày nay là quan hệ tương hỗ qua lại, đan xen lẫn nhau. Mọi người đều phải cố gắng lao động để kiếm sống, tạo ra của cải vật chất để sinh tồn. Bạn có quyền mua hoặc từ chối nếu thấy sản phẩm đó có phù hợp với nhu cầu hay không, chất lượng có đúng như giá bán hay không? Chẳng ai có quyền ép buộc bạn phải mua một sản phẩm mà bạn không có nhu cấu hay sản phẩm đó không tốt, bị tai tiếng…

Và nghệ thuật cũng vậy, nghệ sĩ đưa ra sản phẩm để chúng ta lựa chọn. Chúng ta có quyền mua hay không, không ai ép được cả. Sản phẩm nghệ thuật tồi thì người nghệ sĩ đó không có người mua, người nghệ sĩ đó không tốt thì không ai ủng hộ. Tất cả đều là sự trao đổi sòng phẳng. Không ai cho ai cái gì.

>> ‘Công chúng không nuôi nghệ sĩ’

Xã hội có sự phân công lao động nhất định, mỗi người một việc và mọi công việc đều có giá trị nhất định của nó. Từ anh nông phu đến chị lao công, từ anh bác sĩ đến chị kỹ sư… mỗi người đều có vai trò nhất định trong xã hội. Chúng ta cần tôn trọng những đóng góp của họ. Ta không có quyền, cũng như không có tư cách gì để dè bỉu, coi thường họ, nên hãy tránh dùng những ngôn từ gây tổn thương đến người khác.

Chúng ta chẳng nuôi ai (ngoài việc nuôi con cái, cha mẹ mình) và cũng chẳng ai nuôi chúng ta ngoài cha mẹ cả. Đừng nói từ “nuôi” nghĩa bóng hay nghĩa đen để mang tính miệt thị, xúc phạm, thể hiện bề trên, kẻ cả đến người khác. Một xã hội văn minh là một xã hội thượng tôn pháp luật, thể hiện sự tôn trọng lẫn nhau, dùng những ngôn từ, lời lẽ chuẩn mực để nói với nhau thì sẽ tạo được sự đồng thuận.

Trong mọi ngành nghề sẽ không tránh khỏi có người này người khác, có lúc này lúc khác. Nhưng nếu ai làm gì sai trái hay có thái độ không đúng thì chúng ta nên nói thẳng với bằng chứng cụ thể, thông qua báo chí để lên án mạnh mẽ, thậm chí tẩy chay thương hiệu sản phẩm của người đó, chứ chúng ta không thể “vơ đũa cả nắm” bằng cách gọi: “Đám này, bọn nọ” vì như vậy sẽ vô tình xúc phạm đến những người làm nghề chân chính khác.

Tóm lại, trong thời đai ngày nay, chúng ta không nên dùng từ “nuôi” để ám chỉ những sự việc như thế này, nó chẳng giải quyết việc gì ngoài việc gây đau lòng và xúc phạm người khác. Nghệ sĩ ở nước ngoài cũng tạo ra sản phẩm, đưa đến công chúng, nhưng công chúng cũng không có nói là nuôi nghệ sĩ đâu. Ngay cả khi chúng ta nuôi con từ nhỏ đến lớn nhưng có bao giờ kể công “nuôi” con đâu.

Tiến Thoại

>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.

Bình luận

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *