‘Bỏ yêu cầu chứng chỉ ngoại ngữ, tin học với công chức’

‘Tốt nghiệp đại học Bách khoa, khoa điện tử viễn thông, nhưng tôi vẫn bị cơ quan yêu cầu phải bổ sung chứng chỉ tin học mới được lên chức’.

“Nên bỏ quy định bắt buộc về chứng chỉ ngoại ngữ, tin học trong tuyển dụng, bổ nhiệm, nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức, nhằm tránh các hình thức luồn lách, nạn mua bằng, thi hộ… Vì thực tế, nếu có đạt chứng chỉ B, C, tốt nghiệp ngoại ngữ cũng chưa chắc khẳng định bạn nói tốt, viết tốt và nghe tốt.

Về tin học, có mấy ai tìm hiểu được hết các tài nguyên mà ứng dụng tin học văn phòng mang lại đâu? Sử dụng máy tính đến gần ba năm rồi mà tôi vẫn chưa thể khám phá hết tính tiện ích nó mang lại. Nếu xét bậc C như ngày xưa là gần như 80% phải biết hết. Vậy thử hỏi có quý vị nào có chứng chỉ B đã hiểu hết được chứng chỉ A văn phòng không? Chúng ta là nền kế thừa ứng dụng và không thể chuẩn hóa được. Vậy đưa ra điều kiện đó để làm gì?”.

Đó là quan điểm của độc giả Scania xung quanh đề nghị bỏ quy định bắt buộc về chứng chỉ ngoại ngữ, tin học trong tuyển dụng, bổ nhiệm, nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức của Bộ Nội vụ. Lý do là bởi, việc quy định yêu cầu chứng chỉ ngoại ngữ, tin học không còn phù hợp vì hiện nay các cơ sở đào tạo đã có quy định chuẩn đầu ra phải đạt được trình độ ngoại ngữ, tin học theo các cấp độ tương ứng…

Đồng tình với quan điểm của Bộ Nội vụ, bạn đọc Sullimylove lấy ví dụ từ chính bản thân: “Tôi là một công chức nhà nước. Cơ quan đang yêu cầu tôi bổ sung thêm chứng chỉ tin học để bổ nhiệm chức vụ mới. Tuy nhiên, tôi lại không có chứng chỉ tin học, trong khi tôi tốt nghiệp đại học Bách khoa Hà Nội, khoa điện tử viễn thông. Bản thân tôi có thể làm rất nhiều thứ hơn so với các yêu cầu trong cuộc thi lấy chứng chỉ tin học. Chẳng có vấn đề nào về lĩnh vực tin học liên quan đến công việc mà tôi chưa thể đáp ứng trong thời gian công tác”.

Nhấn mạnh ‘chất lượng hơn số lượng bằng cấp, chứng chỉ’, độc giả Mai Chánh Trực khẳng định: “Anh văn và tin học căn bản, khi học Trung cấp, Cao đẳng, Đại học là vừa đủ để phục vụ công việc, không cần tới chuyên môn về ngoại ngữ và công nghệ thông tin. Vì thế, khi tuyển dụng công chức, viên chức, các vị trí không cần các chuyên môn này thì không cần phải chứng minh trình độ Anh văn và tin học căn bản nữa là phù hợp.

Các ý kiến về việc trong thời kỳ hội nhập, cần nâng cao thay vì bỏ bớt tin học, ngoại ngữ trong trường hợp này là không phù hợp. Việc nâng trình độ về ngoại ngữ và tin học cần đúng đối tượng và đúng tình độ cần thiết mới hiệu quả còn hơn là ‘quăng lưới, rải chài’ như hiện nay. Nhất là tư tưởng ‘có còn hơn không’. Quan điểm của tôi là ‘chất lượng hơn số lượng'”.

>> ‘Sinh viên không cần học word, excel’

Theo dự thảo Thông tư mới, những trường hợp có bằng tốt nghiệp chuyên môn tại các cơ sở đào tạo đạt chuẩn đầu ra về ngoại ngữ, tin học (ví dụ tốt nghiệp đại học phải đạt năng lực ngoại ngữ bậc 3), tương ứng với yêu cầu tuyển dụng, nâng ngạch, thăng hạng thì công chức được sử dụng bằng tốt nghiệp đó thay thế chứng chỉ ngoại ngữ, tin học.

Tuy nhiên, bạn đọc Đoan Thế Hùng lại bày tỏ hoài nghi về tính hiệu của của dự thảo này:

– “Trong thời buổi hiện nay là hội nhập quốc tế, và công nghệ 4.0 mà công chức, viên chức không biết ngoại ngữ ở một trình độ nhất định thì làm sao lĩnh hội công nghệ?

– Không biết công nghệ thông tin thì làm sao cập nhật các phần mềm công nghệ mới?

Tóm lại, cả hai môn này đều quan trọng và hỗ trợ cho nhau, nên chăng phải có một kỳ thi tuyển sinh với một trình độ nhất định thay vì bỏ. Như hiện nay, trình độ tốt nghiệp đại học hai môn này thật sự chưa đạt như yêu cầu”.

“Học đâu phải một lần rồi thôi? Sau một thời gian, chắc gì họ còn nhớ những thứ đã học? Thời buổi này phải biết chút ít ngoại ngữ, tin học, chứ cớ sao lại bỏ? Một người anh thân thiết của tôi đang làm cán bộ ở quê, anh có trình độ đại học nên tin học khá thành thạo, còn ngoại ngữ biết chút đỉnh. Thế là cả cơ quan toàn nhờ vả anh, ngay cả đánh văn bản. Thế thì bảo sao cán bộ không đáp ứng được yêu cầu thời đại?”, độc giả Chip cô đơn bổ sung thêm.

Trong khi đó, cho rằng cần tăng cường kiểm tra, sát hạch trình độ tin học, ngoại ngữ của công chức, viên chức thay vì chỉ sử dụng kết quả tốt nghiệp đại học, cao đẳng, độc giả Valak nhận định: “Thực ra không phải cái chứng chỉ ngoại ngữ, tin học không cần thiết mà vấn đề chất lượng thức tế có đúng với chứng chỉ hay không? Chuyện mua bằng, mua chứng chỉ trước giờ không hiếm, chưa kể học hộ, thi hộ để lấy chứng chỉ cho có. Tất cả những điều đó dẫn đến chất lượng công chức còn nhiều vấn đề.

Nếu chúng ta bỏ yêu cầu chứng chỉ ngoại ngữ, tin học với công chức, viên chức, chỉ sử dụng bằng tốt nghiệp đại học thì sẽ nảy sinh nhiều bất cập khác. Điều tiên là vấn đề chạy điểm, chạy bằng trong các cơ sở đào tạo chính quy. Thứ hai là chất lượng dạy và học ngoại ngữ, tin học ở nhiều đại học, cao đẳng vẫn rất thấp, chương trình cũ, máy móc, nặng về hình thức, thiếu tính thực tiễn… Vậy thử hỏi trình độ ngoại ngữ và tin học của công chức, viên chức có đảm bảo chỉ nhờ tấm bằng tốt nghiệp?

Và một điều quan trọng nữa, đó là ngoại ngữ và tin học là những kỹ năng cần trau dồi thường xuyên chứ không phải thi một lần, dùng cả đời như hiện nay. Thế nên, thay vì nghĩ đến chuyện bỏ chứng chỉ tin học, ngoại ngữ, tôi cho rằng cần thường xuyên tổ chức kiểm tra, sát hạch định kỳ (hai năm một lần) cho đội ngũ công chức, viên chức để đảm bảo chất lượng thực tế”.

Thành Lê tổng hợp

>> Các ý kiến không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.

Bình luận

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *