Lương 24 triệu đồng vẫn túng thiếu

Hàng tháng sau khi lương về, tôi rơi vào trạng thái hầu như rỗng túi sau khi trả hết các khoản góp qua thẻ tín dụng.

Về cách chị tiêu tiền bạc, tôi thấy có hai kiểu người. Kiểu thứ nhất là: lương không cao nhưng sống vô cùng tằn tiện. Kiểu thứ hai là: lương nhỉnh hơn kiểu thứ nhất nhưng vẫn không có dư, thậm chí luôn túng thiếu vì ham mua sắm.

Cụ thể hơn, những người ở kiểu thứ hai đã rơi vào vòng xoáy của Hiệu ứng thích nghi với khoái lạc. Nếu bản thân bạn hoặc một người bạn làm việc lương tốt nhưng vẫn không dư được nhiều thì rất có thể đã dính bẫy của hiệu ứng này.

Thay vì cảm thấy thoả mãn với những gì đang có, chúng ta lại có xu hướng buồn chán. Để giải quyết nỗi buồn chán này, chúng ta lại đi tìm niềm vui mới bằng cách mua sắm. Các nhà tâm lý học Shane Frederick và Geogre Loewenstein đã nghiên cứu hiện tượng này và đặt tên như trên.

Có một ví dụ đó là hàng năm, sau khi Apple giới thiệu mẫu iPhone mới vào tháng 9, hàng triệu người theo dõi sự kiện đó. Một số ít hào hứng đặt hàng trước, phấn khích như đến cửa tiệm đập hộp, sau đó sung sướng vì mình cầm trên tay mẫu điện thoại đời mới nhất của Apple. Nhưng niềm vui này không kéo dài lâu. Chúng ta rồi sẽ chán cái thứ cầm lên đặt xuống hàng chục lần mỗi ngà. Rồi chúng ta đi tìm niềm vui mới bằng cách mua sắm những vật dụng khác. Đó là lối sống tiêu biểu của kiểu người tiêu tiền để mua những cái bản thân muốn chứ không phải tiêu tiền để mua những cái thực sự bản thân cần.

Vài năm trước, khi tôi có mức lương 24 triệu đồng, được xem là khá hơn nhiều so với bạn bè đồng trang lứa. Nhưng tôi vẫn luôn trong trạng thái cháy túi sau ngày ngân hàng chốt sao kê thẻ tín dụng. Lương của tôi hầu như đổ vào mua sắm và chi trả các khoản trả góp qua thẻ tín dụng. Điện thoại, laptop luôn là mẫu mới nhất. Giày dép, quần áo, váy, mỹ phẩm luôn trong trại thái dư thừa. Thậm chí có cái tôi mua về khui hộp ra rồi quên không dùng tới. Tôi lại không kiểm soát chi tiêu, hễ hết tiền là ra trụ ATM rút mà không suy nghĩ. Tôi không lên kế hoạch và phân chia mỗi ngày phải xài bao nhiêu tiền để chi tiêu hợp lý hơn.

Rồi có một chuyện khiến tôi vô cùng áy náy và khó xử là chị gái hỏi mượn một số tiền để mua hàng nhưng trong tài khoản của tôi không đủ tiền. Tôi nói thật sự thì chị gái dỗi và không tin vì “đi làm lương cao thế mà không có đồng nào lận lưng à?”.

Tôi vô cùng xấu hổ và biết rằng mình đã có vài năm tiêu pha vô lối theo kiểu thích mua gì thì mua, không suy tính, không nghĩ kỹ.

Bây giờ, tôi sống và tiêu tiền vào những thứ mà tôi cần. Nếu món đồ đó thực sự cần thiết và hữu dụng, tôi mới mua. Còn nếu cái có sẵn có thể làm thay chức năng một cách tương đương thì tôi sẽ không mua. Hơi thực dụng một tý nhưng cái gì có lợi cho bản thân thì tôi sẽ làm, kể cả gặp mặt, ăn uống. Như điện thoại hiện tại, tôi đã mua 4 năm, kể từ khi ý thức được mình tiêu hoang, giờ vẫn dùng tốt chức năng nghe gọi, nhắn tin, lướt mạng. Quần áo giày dép của tôi hiện giờ rất ít, nhưng mua của những brand hàng hiệu. Tuy đắt hơn nhưng dùng được lâu mà không sợ lỗi thời, không phải chạy theo trào lưu. Nếu mua hàng giá rẻ hơn nhưng mỗi tháng lại mua mẫu mới thì số tiền cộng lại vẫn bằng đồ hiệu mà dùng lại mau chán, rồi lại mua mới.

Nguyễn Nga

>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.

Bình luận

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *