‘Cam chịu sếp tồi là lỗi của bạn’

Sếp tồi mà không dám bỏ việc vì sợ ‘nghỉ thì cạp đất mà ăn’, hay tiếc vì ‘được trả lương cao hơn chỗ khác’… thì đó là do bạn.

Khi bạn làm trong một công ty mà ở đó, sếp ky bo, tìm đủ lý do để không thưởng cho bạn đủ dù chỉ một nửa tháng lương vào dịp cuối năm. Quà Tết có khi là thùng bia, có khi là cặp nước mắm và cuốn lịch trong khi bạn thấy mình “cày” cả năm không khác gì một con trâu. Sếp lại thích họp hành, nào họp đầu tuần, cuối tuần, họp tháng, quý, năm… để giải quyết đủ thể loại vấn đề kể cả việc thảo luận xem có nên mua cái lò vi sóng cho nhân viên không?

Bạn cảm thấy bị tra tấn tinh thần thật sự khi ngay cả cuối tuần, lễ, Tết, ngày nào cũng có thể bị réo gọi làm việc online bất cứ lúc nào với bất kỳ lý do nào (mà hầu hết là do sếp cảm thấy cấp bách chứ thực tế không phải vậy). Bạn ức chế khi “người ấy” chỉ ngồi trên cái ghế giám đốc xem thời sự và hay bực bội chửi sảng vì nghĩ nhân viên rảnh rỗi, trong khi bạn đang cắm mặt làm việc. Bạn cảm thấy khôi hài khi xin nghỉ phép năm theo luật và đã báo cáo, bàn giao công việc cho người khác rõ ràng, nhưng vẫn phải trình bày cụ thể, chính xác lý do thì mới tính tới chuyện có được duyệt phép không?

Dễ tức mà ức nhất là khi sếp vừa nghe đối tác phàn nàn nhẹ là lôi nhân viên ra chửi mắng như con mà không thèm xác minh sự việc đúng ai thế nào? Tới khi mọi chuyện rõ ràng là do đối tác khó ở, không phải do lỗi của công ty mình thì sếp chỉ im lặng và “lặn mất tăm”, không một lời xin lỗi.

Sếp luôn miệng khen lấy khen để bạn giỏi thế nào, bạn tháo vát ra sao cốt cũng chỉ để giao thêm hàng tá công việc vốn không có trong hợp đồng ký kết ban đầu, cũng không có thêm trợ cấp hay tăng lương, thưởng. Và nếu bạn từ chối việc đó thì sẽ thành “tội đồ” vì không biết thông cảm cho công ty và không hết lòng vì công việc. Mấy người sếp cũng hay so sánh “nhân viên người ta” lăn xả vì công việc ra sao, sống chết vì công ty thế nào, y như ba má bạn ở nhà hay so sánh “con nhà người ta”.

>> Tôi phản kháng sếp vì bị đối xử như ban ơn

Sếp cũng là một gã dẻo miệng khi không dám góp ý thẳng thắn với nhân viên mà chỉ thích nói xấu với những nhân viên khác. Khi bạn thẳng thắn kể công và đề nghị tăng lương thì lập tức bị sếp bác bỏ phũ phàng với lý do “em đóng góp không nhiều như em nghĩ đâu”, hoặc là “công ty đang khó khăn, em phải thông cảm và hỗ trợ cho công ty chứ không phải đòi hỏi như thế này”… kèm theo tiếng thởi dài thườn thượt để tăng thêm hiệu ứng. Và hàng chục trường hợp ức chế khác mà bạn hay tôi sẽ gặp phải trong suốt quãng thời gian đi làm.

Và nếu bạn thuộc những hoàn cảnh trên thì đó là do bạn. Còn tôi đã thoát khỏi cảnh đó rồi. Sếp tồi tệ thì tốt nhất là bạn hãy ra đi chứ ở lại làm gì để rồi thấy khổ sở, tủi nhục, bất công? Còn nếu bạn nói không thể nghỉ được vì “nghỉ thì cạp đất mà ăn”, hay “nghỉ rồi không biết làm gì”, hay “sếp vậy nhưng được cái trả lương cao, chỗ khác không bằng”… thì đó là lựa chọn của bạn rồi còn gì?

Mà có khi với những lý do trên thì đáng lẽ ngày nào còn làm ở công ty đó, bạn còn phải biết ơn người sếp của bạn là khác. Vì người ta đang cho bạn làm việc để có thu nhập hàng tháng, giúp bạn có cái chức danh nào đó trong công ty, để còn khoe với bạn bè hay gia đình, giúp phụ huynh bạn yên tâm vì con cái mình có chỗ làm ổn định, giúp bạn có tiền cà phê cà pháo để… nói xấu sếp…

Còn nếu bạn vẫn không cam lòng thì hãy tự xét lại bản thân xem vì sao mình không dám nghỉ việc chỗ này để xin việc chỗ khác. Do bạn không đủ tự tin hay không đủ năng lực? Đã đi làm rồi thì các bạn cũng nên nhìn nhận một thực tế là ở đâu cũng có những sếp khó ưa, những chuyện khó chịu như vậy cả, chỉ là số lượng ít hay nhiều, mức độ lớn hay nhỏ mà thôi. Vấn đề là bạn có chịu được cái thực tế ấy không mà thôi?

Vuong Ngoc

>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.

Bình luận

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *