Cứu trợ quán cơm tấm

Quán cơm tấm mới mở kế bên nhà tôi mới bán được mấy hôm đã đóng cửa vì ế ẩm mùa dịch.

Dịch Covid-19 ngoài lấy đi sức khoẻ, thậm chí tính mạng của người mắc phải, nó còn gián tiếp lấy đi nhiều cơ hội, dự định mà nhiều người ấp ủ, đồng thời kế sinh nhai và cuộc sống thường ngày của nhiều người khác bị đảo lộn hoàn toàn.

Quán cơm tấm mới mở kế bên nhà tôi vừa bán được mấy hôm, khách đến ăn chưa nhiều và chưa kịp nhớ tên quán thì phải mua đem về. Được vài ngày thì quán tạm đóng cửa do giãn cách phòng dịch Covid-19. Tôi thấy vợ chồng người hàng xóm mới dọn đến buồn so.

Tôi hỏi họ sao không cố bán online, bán đem về thì họ trả lời nói nghỉ luôn cho khoẻ. Bày ra nấu nướng mùa này một ngày bán chẳng đủ thu hồi vốn. “Dịch vầy, nghỉ ở không riết chắc ăn âm vô tiền vốn”.

Vợ chồng người bạn của tôi tạm dừng hoạt động quán cà phê nhưng hàng loạt câu hỏi nhảy múa trong đầu: Tiền sinh hoạt lấy đâu ra? Nên trả mặt bằng luôn hay cố cầm cự? Cầm cự đến bao giờ? Quán vốn nằm ở khu đông sinh viên, ngày thường chẳng lo vắng khách. Nhưng dịch xuống, sinh viên nghỉ học thì lượng khách giảm 90%, có giãn cách thì phải đóng cửa. Tiền tiết kiệm, dành dụm đã bung ra xài hết sau những đợt dịch trước để duy trì kinh doanh. Nay dịch bồi thêm một cú, chắc phải dẹp tiệm.

Có thể thấy, rất nhiều người kinh doanh đang hụt hơi trước làn sóng thứ tư của Covid-19 ở TP HCM. Các cụm từ “ngắc ngoải”, “gồng mình”, “cắt lỗ”…được lặp đi lặp lại và đi kèm trong những lời than vãn. Dân kinh doanh nhà hàng, quán ăn, shop quần áo, cà phê, trà sữa…đều méo mặt. Bán online có thể xem là một kênh tiếp cận với khách hàng trong mùa dịch, song chi phí để trả cho các nền tảng giao gọi thức ăn là không nhỏ, nên người kinh doanh cũng mang trong mình lắm tâm tư.

Không riêng người kinh doanh hàng quán lớn, những người buôn bán hàng rong, công nhân, lao động thời vụ chắc hẳn là những người chịu ảnh hưởng nhiều nhất và cũng là những người hụt hơi nhiều nhất. Những người này tay làm hàm nhai, ráo mồ hôi thì hết tiền.

TP HCM vừa gia hạn giãn cách thêm 15 ngày. Tôi nghĩ thời gian tới, lượng người hụt hơi, khó khăn còn tăng lên thêm nữa. Và ai đang khó khăn sẽ càng khó khăn hơn. Nhưng tinh thần chống dịch cần đặt lên cao hơn hết. Giãn cách để kiểm soát, khoanh vùng và tiêu diệt dịch bệnh, đảm bảo an toàn, sức khoẻ cho người dân.

Tuy nhiên, các nhà chức trách cũng nên có ngay những biện pháp hỗ trợ người dân. Tôi nghĩ các công ty điện, nước, xăng dầu cần giảm giá, ngân hàng giảm lãi suất, giãn nợ. Chủ mặt bằng, chủ nhà trọ giảm tiền thuê. Mỗi người san sẻ một phần để tất cả giảm bớt áp lực khó khăn.

Trần Long

>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.

Bình luận

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *