Phim Việt bội thực hình ảnh người mẹ tàn độc

Thay vì gây ấn tượng nhờ một kịch bản hay, nhiều bộ phim truyền hình Việt lại cố khắc họa hình ảnh người mẹ tàn nhẫn đến mức phi lý.

Đề tài gia đình với những mâu thuẫn, rắc rối tình cảm đang trở thành một sự lựa chọn hang đầu của các đạo diễn phim truyền hình Việt Nam thời gian gần đây. Những bộ phim khai thác đề tài này nhanh chóng nhận được sự quan tâm, chú ý, theo dõi của khán giả. Có thể kể đến một vài tác phẩm như “Hãy nói lời yêu”, “Hương vị tình thân”, “Cây táo nở hoa”… Thế nhưng, thay vì gây ấn tượng cho người xem về một kịch bản hay, phần lớn những bộ phim này lại tìm cách tạo dấu ấn bằng việc khắc họa các nhân vật một cách thái quá. Cụ thể là hình ảnh người mẹ hiện lên vô cùng đáng sợ, tàn nhẫn đến mức phi lý.

Trong phim “Hãy nói lời yêu”, hình ảnh bà Hoài (thủ vai bởi diễn viên Nguyệt Hằng) khiến nhiều người cảm thấy sợ hãi. Là một ngươi phụ nữ bị ám ảnh bởi hình mẫu một gia đình hoàn hảo, bà Hoài luôn tạo áp lực lên chồng và các con. Với tính cách ngày càng trở nên điên loạn, mất kiểm soát (tìm đến tận nhà nhân tình của chồng để đánh ghen, thuê người đạp ngã Trâm khi cô này đang mang thai, ép con học đến mức hoảng sợ, giả vờ cắt tay tự tử để con gái phải nghe lời…), nhân vật này thực sự khiến người xem phải rùng mình.

Những bà mẹ khác khiến khán giả cũng phải sợ hãi là nhân vật Bích (Tú Oanh) và Sa (Thu Hạnh) trong phim “Hương vị tình thân”. Là mẹ nuôi của Nam nhưng bà Bích luôn ác cảm, chưa bao giờ đối xử tốt với con, đổ lỗi rằng cô mang vận xui đến nhà. Trong khi đó, bà Sa lại xuất hiện với thói quen đối xử khắc nghiệt với con gái Khánh Thy, ép con phải tìm mọi cách để làm dâu nhà giàu, dạy con bất chấp cả đạo đức hay liêm sỉ…

>> ‘Thà hy sinh nghệ thuật còn hơn đánh mất văn hóa’

Còn trong “Cây táo nở hoa”, những câu chuyện xoay quanh nhân vật bà Ích (NSƯT Mỹ Duyên) – mẹ của anh em Ngọc cũng liên tục bị phản ứng dữ dội. Bà thường bỏ nhà đi theo trai; không chăm sóc các con; trộm tiền đóng học phí; bán con vào quán karaoke để tiếp khách; lấy trộm thùng tiền mừng cưới của con gái; thậm chí lấy tiền bồi thường do tai nạn khiến con trai không thể phẫu thuật, từ bỏ giấc mơ bóng đá…

Và còn rất nhiều các nhân vật người mẹ tương tự từng xuất hiện trên truyền hình thời gian trước, có thể kể đến như bà Phương trong “Sống chung với mẹ chồng”, hay bà Mai trong “Gạo nếp gạo tẻ”… Không thể phủ nhận, việc phác họa hình ảnh mới về người mẹ đã góp phần mang đến cho phim Việt sự đa dạng, mới mẻ thay vì khuôn mẫu người mẹ truyền thống luôn hy sinh, nhẫn nhịn thường thấy trong thời gian trước. Những người mẹ phản diện được xây dựng đậm nét nhanh chóng tạo ấn tượng khó phai trong lòng người xem, khiến khán giả phải cặm giận, bức xúc, phẫn uất với từng hành động, lời nói của họ.

Tôi biết đâu đó trong xã hội cũng có những người mẹ không được tốt lắm, nhất là những người mẹ chồng. Nhưng đó chỉ là số ít, cá biệt mà thôi. Một, hai phim xây dựng hình ảnh người mẹ xấu xí thì có thể chấp nhận được. Nhưng nếu phim nào cũng đua nhau chạy theo “mốt” này, phim sau tạo nhân vật người mẹ quái đản, ác hơn phim trước, vô tình sẽ tạo nên những tư tưởng lệch lạc trong đời thường. Cuộc sống thực tế đâu có xám ngoét như trên phim như vậy? Chính sự phi lý trong việc xây dựng nhân vật phản cảm như vậy lại gây phản ứng ngược, khiến người xem rất khó chịu, đi ngược lại văn hóa của người Việt.

>> ‘Nhiều khán giả Việt dễ dãi vì lười suy nghĩ, không biết cách phê bình’

Tất nhiên, đã là phim thì phải có kịch tính, đẩy lên cao trào thì mới hấp dẫn, nhưng không thể vì điều đó mà bất chấp tất cả để tạo nên những nhân vật người mẹ xấu xa tột độ như hiện nay. Những nhân vật như vậy chỉ đem lại cảm giác tức tối, giận dữ, tiêu cực cho người xem, chứ chẳng để lại chút giá trị nhân văn nào. Một tác phẩm nghệ thuật mà chỉ mang lại cho khán giả thấy một màu u tối, bi quan về cuộc sống gia đình thì quả thức rất đáng quan ngại.

Việc các bộ phim truyền hình Việt lên sóng cùng thời điểm, cùng khắc họa những hình ảnh người mẹ “quái thai” thực sự khiến tôi cảm thấy khó chịu, ngộp thở, bội thực. Mỗi bà mẹ đều yêu con theo cách riêng của họ, chứ chẳng có ai xấu xa hay cực đoan toàn diện như trên phim vậy cả. Tôi không nghĩ là chúng ta thiếu đề tài đến mức phải nhai đi nhai lại một mô típ người mẹ tàn độc như vậy. Mong rằng phim Việt sẽ tìm ra những kịch bản hay, nhân văn, độc đáo thực sự chứ không chỉ chăm chăm tô vẽ quá đá cho nhân vật để đánh bóng tác phẩm của mình.

Hồng Mai

>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.

Bình luận

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *