Làm việc giỏi nhất thay vì chạy theo đam mê

Cố chạy theo những ngành nghề không phù hợp với xu hướng phát triển của xã hội, thì dù bạn có đam mê cũng sẽ bị đào thải.

Khi bạn có đam mê một loại nghề nghiệp nào đó cũng giống như việc bạn tự cho rằng mình có những phẩm chất phù hợp với nghề nghiệp đó. Điều đó sẽ tạo lợi thế để bạn cân nhắc chọn lựa, nhưng không phải là yếu tốt duy nhất mà bạn bám lấy bất kể kết quả ra sao.

Bạn không thể trồng lúa nước ở trên đá, trên núi, nơi không có nước, không có phân… Cũng như bạn không thể chọn nghề nghiệp chỉ vì sở thích, đam mê nhất thời, hay ngộ nhận mà phải do xu hướng phát triển của xã hội. Chỉ những ngành nghề phù hợp và có ích cho xã hội mới có giá trị cao, còn những ngành nghề không phù hợp dù bạn có đam mê thì cũng sẽ bị đào thải.

Việt Nam là đất nước nông nghiệp lúa nước hàng ngàn năm và để truyền lại tri thức cho con cháu đời sau tổ tiên người Việt ta đã tạo ra không biết bao nhiêu ca dao, tục ngữ, thành ngữ về cách đối nhân xử thế, cách nhận thức thế giới, cách sản xuất nông nghiệp. Trong kho tàng ấy, có một câu vô cùng nổi tiếng và có thể hiểu theo đúng cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng: “Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống”.

Theo đó, tổ tiên người Việt ta đã biết sắp xếp các yếu tố môi trường, nền tảng lên hàng đầu “nhất nước, nhì phân”, ở đây không chỉ là các điều kiện “thiên thời, địa lợi” cho phát triển nông nghiệp mà bất kỳ loại công việc, tài năng nào cũng phải đặt nền tảng cho sản xuất, cho việc phát triển sinh cơ, nghề nghiệp lên hàng đầu. Bạn không thể làm nông nghiệp trên khu vực không có nước, cũng không thể tạo ra việc phát triển nông nghiệp thịnh vượng lâu dài mà thiếu yếu tố phân bón.

Do đó, để một loại nghề nghiệp phát triển thì nó phải có các yếu tố “thiên thời, địa lợi” kiểu nền tảng của xã hội có thể tạo ra thị trường đủ tốt để bạn có thể sống bằng nghề, cũng như phải xét tới yếu tố nền tảng giáo dục của bạn có phù hợp cho việc phát triển nghề nghiệp đó bao gồm cả các điều kiện tài chính từ gia đình.

>> Vỡ mộng kiếm tiền bằng đam mê

Yếu tố tiếp theo để đảm bảo cho sự thành công mà ông bà ta luôn nhấn mạnh đó chính là sự cần cù, chăm chỉ, siêng năng trong lao động mà ông bà ta nói là “tam cần”. Bạn không thể thành công trong bất kì nghề nghiệp nào mà thiếu đi sự chăm chỉ để bỏ nhiều công sức hơn các đối thủ cạnh tranh để có thể trở thành ngôi sao trong lĩnh vực bạn đang làm.

Dù bạn có bao nhiêu điều kiện thuận lợi đi nữa mà thiếu sự cần cù, chăm chỉ, nỗ lực cần thiết thì vốn không thể thành công dù nghề đó bạn có đam mê hay không đam mê, có đủ nền tảng gia đình, xã hội cho sự phát triển nghề nghiệp đó. Bạn có thể thấy các doanh nghiệp thường áp dụng mô hình KPI (làm theo năng suất, kết quả công việc) để đánh giá con người. Do đó, sự chăm chỉ, cần cù phải mang lại kết quả mới thực sự có ý nghĩa.

Yếu tố cuối cùng được đề cập là yếu tố “giống”, ở đây chỉ phẩm chất đối tượng bạn dùng làm để tạo ra kết quả mà bạn mong muốn. Nếu trong nông nghiệp phẩm chất đó là nói tới phẩm chất của các loại cây bạn mang ra sản xuất, thì trong nghề nghiệp hiện tại mà bạn chọn chính là yếu tố phẩm chất của bản thân bạn. Bạn có những phẩm chất nào? Phẩm chất đó là điểm mạnh trong những nghề nghiệp nào? Nó có là sở đoản hay sở trường mà quyết định theo hướng nghề nghiệp của bạn?

Do đó, thay vì nhấn mạnh vào đam mê, tôi khuyên các bạn hãy tập trung vào việc bạn giỏi nhất. Vì yếu tố giỏi nhất chính là yếu tố đề cao kết quả, năng suất lao động của bạn, có ý nghĩa cho xã hội, cho chính bạn và những người hưởng thụ từ bạn. Bạn không thể giỏi trong việc mà không tạo ra kết quả hay có thu nhập xứng đáng. Khi nghề nghiệp nào đó hội tụ đủ các yếu tố đã đề cập trên sẽ cho năng suất cao nhất chính là nghề bạn giỏi nhất, chính là nghề bạn nên lựa chọn.

Điều này không có nghĩa là các bạn phải chạy đua vào những ngành nghề ở đỉnh thị trường, ở đỉnh của ngành công nghiệp… Vì có thể bạn tham gia được vào ngành đó, nhưng khi yếu tố “cần” của bạn không bằng người khác, hay yếu tố “giống” của bạn không phù hợp để giúp bạn trở thành ngôi sao trong lĩnh vực đó, thì chọn những nghề ở vị trí thứ hai, thứ ba… nhưng có thể giúp bạn trở thành ngôi sao trong nghề của mình, vẫn hơn là chạy đua để trở thành người bình thường trong công việc top đầu.

Hãy nhớ: “Làm ếch lớn trong ao nhỏ vẫn hơn làm ếch nhỏ trong ao lớn”.

Tuệ

>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.

Bình luận

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *