Chân chống xe máy lỏng lẻo của công nghiệp Việt

Vừa mua chiếc chân chống ‘Made in Vietnam’ được giới thiệu là tốt nhất hiện nay, tôi đã liên tục gặp rắc rối vì xe dễ đổ, khó thao tác.

Lâu nay chúng ta thường phàn nàn các liên doanh ôtô, xe máy có tỷ lệ nôi địa hóa thấp và lộ trình để nâng tỷ lệ này lên cũng không thật sự rõ ràng, mặc dù Nhà nước đã có nhiều chính sách khuyến khích, ưu đãi. Vậy nguyên nhân do đâu? Để phân tích thấu đáo vấn đề này, chúng ta cần có cái nhìn toàn diện, cụ thể từ rất nhiều khía cạnh từ vĩ mô đến vi mô. Tôi chỉ đưa ra một góc nhìn nhỏ từ một chi tiết, vật dụng rất đỗi bình thường, quen thuộc, đó là cái chân chống xe máy.

Cách đây gần 20 năm, tôi mua được một chiếc xe gắn máy thuộc dòng bình dân của một hãng xe Nhật Bản được sản xuất tại Việt Nam. Có lẽ cũng như nhiều người đi xe máy khác, cái chân chống nghiêng được tôi tiếp xúc nhiều và có những cảm nhận dễ dàng nhất về công năng, hiệu quả của nó. Tôi không biết cái chân chống đó được sản xuất trong nước hay nhập khẩu, nhưng rõ ràng, dù là dòng xe bình dân nhưng hãng cũng tính toán và lựa chọn khá kỹ càng để tối ưu tác dụng của chân chống. Việc thao tác gạt lên, xuống rất nhẹ nhàng, góc chống vừa vặn khiến khi dựng xe có cảm giác rất chắc chắn.

Thế nhưng, do thời gian sử dụng lâu, cộng thêm hậu quả của một lần va quệt nên cách đây vài năm, chiếc chân chống còn “zin” đó đã bị hư hỏng, buộc tôi phải thay thế. Do xe cũng đã cũ nên tôi ngại vào hãng để thay mà ra ngay ở một tiêm sửa xe quen, có uy tín. Sau khi chủ tiệm tư vấn, tôi đã chọn chiếc chân chống được giới thiệu là tốt nhất hiện có, dù giá cả có nhích hơn những loại kia. Đó là một thương hiệu “made in Việt Nam”.

Thế nhưng, sau đó, tôi hoàn toàn thất vọng. Mới đầu, do góc chống quá nhỏ nên chiếc xe gần như đứng thẳng, khiến xe có cảm giác rất dễ ngã về bên phải. Sau đó, tôi phải xuống tiệm để khắc phục lại. Giải pháp mà anh chủ tiệm đưa ra là lấy một ống tuýp để bẻ cho chiếc chân chống ngả ra một chút để có góc chống vừa vặn. Thế là chiếc chân chống không còn được ngay thẳng như ban đầu mà nó bị bẻ cong một chút. “Thôi thế cũng tạm chấp nhận được”, tôi nghĩ bụng.

Vậy nhưng, cái điều phiền toái và khó chịu nhất chính là chiếc chân chống rất khó gạt lên, xuống, nó cứng kinh khủng. Mỗi lần gạt xuống, chân chống kêu cạch cạch rất to; còn khi gạt lên, tôi phải dùng lực thật mạnh nó mới chịu nhúc nhích vì lò xo rất cứng. Điều này cũng thật nguy hiểm nếu không may tôi quên gạt chân chống khi xe đang chạy. Vì nếu chân chống nhẹ, khi ta quên gạt mà gặp phải chướng ngại vật thì nó vẫn sẽ dễ dàng tự động bật lên, còn với chiếc chân chống này, do rất cứng, khó bật lên lên nên rất dễ gây ra tai nạn té ngã.

>> Vì sao công nghiệp ôtô Việt vẫn mãi quanh quẩn làm săm, lốp?

Không chỉ chiếc chân chống xe máy mua lẻ về thay, ngay cả chiếc chân chống “zin” của chiếc xe đạp điện (có cấu hình gần giống với chân chống xe máy) của một thương hiệu thuần Việt mà tôi mua cho con gái đi học cũng gặp tình trạng tương tự. Mới được có vài năm mà chân chống đã hai lần gãy lò xo, ốc định vị lỏng, gạt lên, gạt xuống cũng rất khó khăn.

Trong khi đó, tôi mua một chiếc xe đạp “bãi” của Nhật từ một người bạn với giá chưa đến hai triệu đồng để đi tập thể dục, dù xe đã cũ (chắc phải trên 10 năm) nhưng tất cả các phụ tùng, linh kiện đều vẫn rất ổn định. Đặc biệt, cái chân chống khiến tôi rất mê. Nó gọn nhẹ, chống vừa tầm, chắc chắn, mà thao tác sử dụng hết sức nhẹ nhàng.

Trong toàn bộ chiếc xe máy, có lẽ chiếc chân chống là một trong những linh kiện chế tạo đơn giản nhất. Vậy mà giữa những cái đi theo sản phẩm chính hãng (của nước ngoài) và những thứ cần mua để thay thế trên thị trường hay trên những sản phẩm thuần Việt, ta lại thấy có một sự khác biệt rõ rệt về chất lượng và sự tiện ích.

Đó là nói về một chi tiết tương đối độc lập và đơn giản của một chiếc xe máy. Còn đối với ôtô, với cấu tạo phức tạp hơn rất nhiều, yêu cầu về tiêu chuẩn chất lượng và sự đồng bộ cao hơn nhiều, liệu ngành sản xuất phụ tùng thay thế nói chung, hoặc từng doanh nghiệp nói riêng của chúng ta liệu có cửa nào để vào được trong chuỗi cung ứng?

Các nhà sản xuất toàn cầu có quá trình phát triển lâu đời, uy tín về thương hiệu luôn được đặt lên hàng đầu, vì vậy dù ta có mong muốn hay họ có ưu ái đến mấy thì trước hết sản phẩm vẫn phải vượt qua được nhũng bài test về chất lượng, đáp ứng được yêu cầu khắt khe về tiêu chuẩn của họ thì mới mong tham gia vào sân chơi ngay trên sân nhà của mình (chứ chưa nói đến cơ hội tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu).

Ngoài ra, nếu có vượt qua được yêu cầu khắt khe về chất lượng, chúng ta cũng cần phải đáp ứng được nhiều tiêu chí khác như giá thành, năng lực cung ứng, hệ thống quản lý chất lượng, tiêu chí bảo vệ môi trường…

Nên, thay vì cứ ca thán, trách cứ các liên doanh sản xuất chậm tăng tỷ lê nội địa hóa, chúng ta cần nỗ lực cải thiện chất lượng sản xuất sản phẩm linh kiện của mình.

Lê Quảng Đại

>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.

Bình luận

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *