Tách con khỏi điện thoại những ngày giãn cách

Những ngày ở nhà giãn cách chống Covid-19, tôi đã lập “giao ước” để con không dùng điện thoại quá nhiều.

Tôi là một luật sư, công việc bận rộn nên để con ở quê cho bà ngoại chăm. Vài tháng trước giãn cách, tôi đưa hai bà cháu vào Sài Gòn để tiện chăm sóc.

Hai bà cháu vẫn chưa thích nghi được cuộc sống ngột ngạt ở phố thị. Thêm những ngày Covid-19 không thể ra đường nên mỗi người trong gia đình đều cảm thấy rất chán nản, đặc biệt là em bé.

Ngày có 24h nhưng các bé chỉ ngủ khoảng 10 tiếng. Còn lại 14 tiếng, nếu để trẻ cứ sử dụng các thiết bị điện tử thì sẽ rất hại mắt, suy nhược cơ thể do không vận động và không gian chật hẹp. Làm gì để trẻ không dùng thiết bị điện tử nhiều trong những ngày này là câu hỏi luôn thường trực trong tôi.

Sau thời gian quan sát con hoạt động, tôi nhận thấy người lớn phải dành thời gian chơi cùng trẻ. Đầu tiên, tôi giải thích cho con gái rằng “coi điện thoại nhiều sẽ hư mắt”. Tôi tìm trên google hình ảnh những em bé bị lác và co giật cơ mắt do chơi điện tử nhiều để con nhìn và tạo cảm giác sợ.

Nhưng sợ điện thoại thì cần có hoạt động khác thay thế trong những ngày không được ra ngoài. Tôi lập kế hoạch một ngày sẽ diễn ra như sau:

Sáng ngủ dậy là giờ tôi chơi với con để bà ngoại nấu ăn. Hai mẹ con bật TV và nhảy tập thể dục. Sau là chơi lắp ghép, chơi rút gỗ, chơi trốn tìm. Những trò chơi nhàm chán với người lớn nhưng lại hiệu quả và mang lại niềm vui cho trẻ nhỏ.

Ăn trưa xong, bà nghỉ ngơi, mẹ làm việc. Con sẽ có nửa giờ xem hoạt hình và sau đó tự chơi. Tôi dạy con chơi xếp hàng hình ảnh con vật, trái cây các loại ra sàn. Cái nào biết sẽ úp lại, cái nào chưa biết thì mẹ sẽ dạy. Mỗi trưa bày thêm 5 ảnh các loại, cứ lật úp thế là hết buổi trưa và cho đi ngủ.

Chiều dậy, tôi dạy con chơi may đồ cho búp bê, khám bệnh cho gấu, trang bị cho bác sĩ nhí bộ đồ nghề cũng thú vị. Con tự chơi và đi khám quanh cho cả nhà. Khoảng 5h chiều, tôi gấp máy tính lại và cho con xem TV các chương trình thiếu nhi. Ngoài ra, khi sử dụng các ứng dụng trên điện thoại và TV, tôi đều quan tâm đến việc giới hạn độ tuổi như Youtube kid. Nếu có thì tôi mới để con dùng.

Khi con xem TV hoặc Youtube, tôi cũng sẽ xem cùng con. Nếu kênh nào dùng tiếng Việt giọng nũng nịu không phù hợp, hoặc lồng những nội dung người lớn thì tôi sẽ chủ động chặn luôn để không xuất hiện những lần sau.

Tôi giao ước là “TV của con và điện thoại của người lớn” nên con sẽ không đòi điện thoại khi tôi đang sử dụng. 18h, tôi muốn xem phim trên TV thì con sẽ xem cùng hoặc tôi vừa xem vừa chơi cùng con để con không cảm thấy bị chiếm dụng.

19h, cả nhà xem tin tức, 20h bà ngoại xem phim. Khoảng thời gian này cả nhà quây quần nói chuyện, diễn tả phim ảnh các loại nên tương tác với bé nhiều.

>> ‘Cho con xem YouTube khi ăn là sự lười nhác của cha mẹ’

Trước khi đi ngủ 30 phút, tôi cho con mượn điện thoại. Tuy nhiên, tôi cũng đề nghị “cho mẹ xem cùng, con đang coi gì thế”. Khi con dùng điện thoại, tôi luôn hỏi con về nội dung con đang xem để con được chia sẻ, được diễn đạt thay vì chỉ tiếp nhận thụ động. Sau đó ôn bài cả ngày học được bằng cách oẳn tù tì. Mẹ thua thì con búng vào trán, mẹ thắng con phải đọc tiếng Anh, đếm số, đố màu.

Tôi nhận thấy rằng, nếu như phụ huynh sẵn sàng chơi với con, dù chỉ trong một ít thời gian rảnh, cũng sẽ dần tách con không bị lệ thuộc vào các thiết bị điện tử. Vì thế, tôi nghĩ rằng, nếu bố mẹ làm việc ở nhà thì nên thay nhau giao tiếp cùng con, vừa để hiểu tâm tư của con, vừa dạy con những điều hay, bổ ích mà không cần lệ thuộc vào điện thoại, máy tính bảng.

Mai Tram Quach

>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.

Bình luận

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *