Những nút chai bất tiện ‘made in Vietnam’

‘Ai từng vào bếp nấu ăn ắt sẽ rất bực bội với những chai nước mắm Việt mà khi rót ra hay đóng nắp lại luôn làm văng vài giọt’.

“Tôi luôn bức xúc rằng tại sao các nhà sản xuất nội luôn bỏ qua các chi tiết nhỏ. Bạn nào từng vào bếp nấu ăn ắt sẽ rất bực bội với những chai nước mắm hàng Việt mà khi rót ra hay đóng nắp lại luôn làm văng ra vài giọt.

Hoặc như cái rổ inox, tôi vì ủng hộ hàng nội thay vì dùng sản phẩm ngoại, nhưng ngay lần đầu sử dụng, cái mối nối ở chân rổ do không được mài kỹ đã làm tôi chảy máu.

Thực sự, tôi rất ấm ức vì biết thế đã bỏ ra số tiền gấp ba lần để được xài một sản phẩm chất lượng hơn. Các doanh nghiệp Việt có lẽ cần tinh xảo, tỉ mỉ hơn với những chi tiết nhỏ nhất trong sản phẩm của mình”.

Đó là chia sẻ của độc giả Bui Hien xung quanh câu chuyện về chất lượng hàng Việt từ vụ chân chống xe máy dỏm. Các nhà sản xuất Việt dường như không quan tâm, chăm chút đến cùng cho sản phẩm của mình.

Thiết kế nút chai nước tương, dầu ăn, nước mắm… hàng hàng Hàn Quốc, Nhật Bản rất tinh tế, đẹp và đặc biệt tiện dụng cho người dùng, không bị văng sản phẩm ra ngoài nên rất sạch sẽ, và dễ dàng lấy được số lượng mong muốn. Trong khi đó với hàng Việt Nam, nước mắm tung toé hôi hám, nước tương, dầu ăn nếu không cẩn thận sẽ bị đổ ào quá số lượng cần dùng.

Độc giả Bk fer bực mình tiếp nối: “Chai nước tương của Nhật được làm miệng bo tròn tinh tế, rót xong nó rút nước vào trong, không bị dính mép. Còn chai nước mắm Việt Nam – nước mắm cứ dính lại miệng chai, rồi vừa văng ra vừa theo thành chai chảy xuống”.

Bạn đọc Papa chỉ ra một vấn đề khác của các sản phẩm Việt là độ ổn định trong chất lượng theo thời gian: “Các sản phẩm của Việt Nam, nếu để ý kỹ đều có xu hướng ‘dỏm’ hơn lúc đầu, nhất là đồ cơ khí. Có lẽ do yếu tố giá cả cạnh tranh nên dẫn tới tình trạng này. Tôi mua chiếc quạt điện của một hãng A cách đây 10 năm, đến nay vẫn chạy êm. Vì khá tin tưởng hãng này nên cách đây ba năm, tôi mua thêm hai chiếc nữa, nhưng chúng chỉ chạy được khoảng hai năm là ‘đầu bạc răng long’, gần như phải vứt bỏ. Vậy mới nói hàng Việt Nam thật khó hiểu”.

Đồng cảnh ngộ, độc giả Nguyễn Trung Thực chia sẻ: “Tôi cũng thường xuyên ủng hộ hàng Việt Nam. Trước đây, tôi mua một chiếc quạt bàn hiệu S, dùng hơn 20 năm vẫn còn tốt. Khi người em mua hai quạt tường, một quạt trần cũng của một hãng tên tuổi trong nước, thấy hàng tốt, nên tôi cũng mua hai chiếc để rồi hoàn toàn thất vọng.

Tôi chỉ dùng được khoảng năm tháng là quạt bắt đầu hư. Mang đi bảo hành liên tục, bên chăm sóc khách hàng nói tôi không biết dùng dù tôi là thợ điện cơ. Sau đó, họ đổi cho tôi hai chiếc quạt mới, nhưng đáng buồn, vừa hết bảo hành là lại hư. Bản thân tôi vẫn luôn ủng hộ hàng Việt, nhưng với những hãng như vậy thì tôi không bao giờ sử dụng nữa. Mong rằng các doanh nghiệp Việt nên xây dựng thương hiệu trên uy tín và chất lượng, không nên coi thường khách hàng”.

>> Chân chống xe máy lỏng lẻo của công nghiệp Việt

Không ít lần gặp rắc rối và thất vọng với những sản phẩm trong nước, bạn đọc Khanh nguyen bày tỏ: “Tôi mua quạt của một thương hiệu nổi tiếng trong nước, xài được một thời gian là nút bị lờn, hư, tuột hẳn ra ngoài. Quá bực bội, tôi viết email kể lỗi ra cho bộ phận chăm sóc khách hàng của công ty đó nhưng cũng chẳng thấy ai phản hồi ghi nhận.

Chiếc xe máy Việt tôi mua về, cũng đi một thời gian mà đôi giày da mấy triệu của tôi bị trầy xước. Sau này, tôi mới phát hiện ra do chỗ để chân có con ốc góc cạnh nhô ra ngay mép trong hướng giày, nên khi đi cứ cà vào đó.

Ngay cả chiếc quần đùi tôi mua của một thương hiệu thời trang lớn của Việt Nam nhưng họ may cái túi đáy quá thấp nên khi vừa ngồi xuống là bị rơi điện thoại ra ngoài.

Còn cái vòi nước thì chỗ đầu tay khóa vót nhọn hoắt, tôi tưởng tưởng nếu lỡ mà té úp vào đó thì chắc chết”.

Lợi dụng tâm lý phần đông người tiêu dùng Việt là lựa chọn mua hàng dựa trên giá cả, giá càng rẻ càng chuộng nên không ít nhà sản xuất đã cho ra thị trường những sản phẩm kém chất lượng, đồ bền thấp.

Đó cũng là nỗi trăn trở của độc giả Thanhcuc912: “Tôi thất vọng tràn trề khi mua bình thủy đựng nước nóng của một thương hiệu lâu đời tại Việt Nam. Tôi mua từ dòng bình dân, đến dòng cao cấp cũng của thương hiệu này, nhưng cái nào cũng lỗi, nứt chân, vỏ rỉ nước, nút nhấn vài lần là kẹt. Độ hoàn thiện không cao của sản phẩm khiến trải nghiệm của khách hàng rất kém. Tôi tự hỏi, nhà sản xuất đã phát triển bao nhiêu năm rồi mà sao đến giờ sản phẩm vẫn có những lỗi cơ bản như vậy? Phải chẳng họ không có tư duy cải tiến gì hay quá xem thường khách hàng?”.

>> Vì sao công nghiệp ôtô Việt vẫn mãi quanh quẩn làm săm, lốp?

Nói về tầm quan trọng của việc cải thiện chất lượng sản phẩm trong nước, bạn đọc Thanh Y chia sẻ: “Tôi là một người thích công nghệ và khi mua các sản phẩm công nghệ hay gia dụng luôn chọn thương hiệu uy tín. Sau này, với sự trỗi dậy của các thương hiệu Việt nên tôi cũng muốn ủng hộ hàng trong nước bởi giá cả phải chăng. Nhưng thực tế, đúng là ‘tiền nào của đấy’.

Ở nhà tôi cũng dùng nhiều đồ gia dụng của các hãng Nhật Bản, sau bao nhiêu năm dùng vẫn rất tốt. Đặc biệt, có cái bình thủy đun nước đã dùng phải 22 năm nhưng vẫn không hỏng dù cắm điện 24/24. Mấy năm trước, tôi mua cái lò nướng và bếp gas của hãng Việt Nam, giá cũng không phải rẻ, thậm chí cao hơn một số hãng có tên tuổi nhưng dùng một thời gian đã bị rò điện.

Về bóng điện cũng thế. Nhà tôi chỉ dùng bóng đèn của hãng P của nước ngoài, 5 năm sử dụng chưa cháy một bóng nào và độ sáng vẫn tốt. Trong khi đó, hàng xóm dùng hàng Việt, đã phải thay bóng mấy lần, hoặc dùng một thời gian là bị tối đi nhanh. Cho nên, nếu hàng Việt nếu không cải thiện chất lượng thì sẽ mất khách”.

Cũng là người ủng hộ hàng Việt, độc giả Ngô Phi Mạnh cho rằng vấn đề nằm ở công đoạn kiểm tra, đánh giá chất lượng trước khi xuất xưởng: “Tôi là thế hệ 8x, dù thích hàng ngoại, nhưng luôn cố gắng ủng hộ hàng Việt. Dù ở trong nước hay nước ngoài, cứ thấy ‘Made in Vietnam’ là tôi mua. Nhưng hàng Việt trong nước phải nói là chưa chỉn chu lắm. Các sản phẩm không tinh xảo và tỉ mỹ trong khâu kiểm tra chất lượng trước khi xuất xưởng.

Quay lại với câu chuyện cái chân chống xe máy, nếu nhà sản xuất có khâu thử nghiệm trên các xe thực tế, rồi đánh giá, tinh chỉnh trước khi sản xuất hàng loạt thì có lẽ đã không tạo ra bức xúc cho người sử dụng. Một công đoạn tưởng chừng rất đơn giản như vậy nhưng nhiều doanh nghiệp Việt lại không làm được hoặc bỏ qua”.

Vì sao những chai nước mắm, nước tương, dầu ăn của Hàn Quốc, Nhật, Pháp… luôn được làm rất tinh tế, chỉn chu, tiện lợi hết mức cho người dùng, trong khi các nhà sản xuất Việt Nam không quan tâm đến chuyện này?

Lê Phạm tổng hợp

>> Các ý kiến không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.

Bình luận

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *