Cảm ơn tình người những ngày tôi là F0

“Anh chị chuẩn bị quần áo, lát nữa có xe đưa đến bệnh viện điều trị”, bác sĩ nói với vợ chồng tôi sau khi kết quả dương tính.

Những ngày cuối tháng 7/2021, Đà Nẵng vắng vẻ khi xuất hiện các ca Covid-19 mới. Một ngày, vợ chồng tôi nhận được tin chung cư bị phong tỏa vì có ca dương tính. Mọi người trong chung cư bắt đầu nháo nhào, hồi hộp nghe ngóng thông tin.

Nhân viên y tế đến lấy mẫu xét nghiệm toàn bộ cư dân. Ngày hôm đó trôi qua trong tiếng í ới hỏi thăm tình hình với bác tổ trưởng. Nhiều câu hỏi đặt ra: Ai bị? Chung cư sẽ phong tỏa bao nhiêu ngày? Mọi người sẽ mua thực phẩm, đồ dùng cần thiết như thế nào?

May mắn, các mẫu xét nghiệm hôm đó đều âm tính. Đến định kỳ ba ngày xét nghiệm lần hai, mọi người không còn lo lắng như hôm đầu. Tuy nhiên, đến chiều, chồng tôi nhận được điện thoại của bác tổ trưởng báo gia đình tôi phải xuống xét nghiệm lại vì mẫu gộp phát hiện dương tính.

>> Vợ chồng tôi khỏi Covid-19 sau 11 ngày

Cuộc xét nghiệm sàng lọc lần này ngoài vợ chồng tôi có thêm 8 người nữa. Vợ chồng tôi lo lắng bởi đêm trước cả hai đều có biểu hiện của Covid-19 như sốt, mỏi người, đau đầu. Cả đêm không ngủ được. 8h sáng hôm sau, chúng tôi được thông báo đã nhiễm nCoV.

Tôi bắt đầu lật lại dòng ký ức khả năng bị lây nhiễm từ đâu, khi nào. Trước đây, húng tôi đều rất cẩn trọng khi đi ra ngoài, luôn đeo khẩu trang và sát khuẩn thường xuyên, hạn chế tiếp xúc với mọi người.

Chúng tôi gọi điện thoại báo tin cho người thân và người mình từng tiếp xúc trong vòng 14 ngày gần nhất. Cũng có nhiều cuộc điện thoại hỏi thăm của người quen và cả điều tra dịch tễ của cơ quan y tế.

“Hai anh chị hãy chuẩn bị quần áo, lát nữa sẽ có xe đến đưa anh chị đến bệnh viện để điều trị. Anh chị không phải lo lắng gì cả, yên tâm”. Tôi vẫn nhớ như in lời bác sĩ trong bộ đồ bảo hộ kín mít từ đầu tới chân. Tôi nhận ra được sự mệt mỏi của anh, chắc nhiều đêm rồi chưa có giấc ngủ trọn vẹn.

Hai vợ chồng tôi khăn gói lên xe cứu thương, chiếc xe mà từ nhỏ tới giờ tôi chưa bao giờ tiếp cận. Cảm giác thật khó tả, một phần lo lắng không biết diễn tiến bệnh tình của mình thế nào, phần vì không biết bản thân mình có lây nhiễm cho ai không. Sẽ thật buồn nếu ai đó trở thành F0 vì chúng tôi.

Đến bệnh viện dã chiến, chúng tôi cũng vơi bớt sự lo lắng. Đó là một khu ký túc xá khang trang và thoáng mát. Bác sĩ và nhân viên y tế bận bịu không ngơi tay để sắp xếp cho bệnh nhân.

>> 19 ngày bị nhiễm và khỏi Covid-19 của tôi

Và cuối cùng tôi cũng bắt đầu chuỗi ngày “ở viện”. Lúc đầu, tôi nghĩ cứ đến bệnh viện dã chiến là phải nằm điều trị, thậm chí thở máy… nên rất lo sợ. Tuy nhiên, đa phần F0 ở đây đều nhẹ, ít triệu chứng. Tùy theo tình hình của mỗi bệnh nhân, bác sĩ sẽ có phác đồ điều trị riêng. Đa phần mọi người ở đây đều tự khỏi khi cơ thể sinh ra kháng nguyên chống lại virus. Được sự giải thích và hướng dẫn của bác sĩ, chúng tôi phần nào yên tâm và hiểu đúng hơn về Covid-19.

Bốn người trong một phòng chưa từng gặp nhau trở thành thành viên của buồng bệnh, chúng tôi chia cho nhau hộp sữa, nhường cho nhau cái quạt.

Vì người thân, bạn bè ở xa hoặc đã là F1 đưa đi cách ly tập trung nên vợ chồng tôi không biết nhờ cậy ai để mua các đồ dùng thiết yếu. May mắn thay, trong khó khăn, tôi luôn có những đồng nghiệp tuyệt vời.

Vì điều kiện ở xa, đi lại khó khăn, đồng nghiệp của tôi đã nhờ một người bạn khác ở gần bệnh viện hơn. Tôi không biết người được nhờ là ai, ở đâu, bao nhiêu tuổi, trông như thế nào. Tôi chỉ nhớ giọng nói trầm khàn qua điện thoại của chị: “Cần gì, thiếu gì thì báo cho chị”. Cuộc sống trong viện thời Covid-19 tất nhiên không thể thoải mái như ở nhà, cơm trong viện có thể không bằng cơm nhà nhưng rất đỗi ấm áp.

Mỗi ngày, chúng tôi thường xuyên cập nhật tình hình Covid-19, được hướng dẫn cách tăng sức đề kháng, chống lại dịch bệnh.

Tôi thấy thương những y bác sĩ, điều dưỡng, hộ lý nơi đây. Trong tiết trời oi bức và nắng nóng, họ phải mang bộ đồ bảo hộ cả ngày lẫn đêm. Đứng trước cửa phòng, họ không khác gì phi hành gia với bộ đồ phòng hộ cùng câu hỏi đã dần trở nên quen thuộc: Hôm nay, phòng mình có ai bị sốt, ho hay biểu hiện gì không? Sáng mai, trưa nay, tối nay mọi người ăn gì? Mỗi lần như thế, chúng tôi nhìn nhau và chỉ mong mình nhanh hết để trở về nhà, đỡ gánh nặng cho các bác sĩ.

Sau hơn 10 ngày, chúng tôi cũng đủ điều kiện để xuất viện khi xét nghiệm âm tính 3 lần. Cảm xúc khi ra viện cũng khó tả không kém. Phần vui mừng vì sức khỏe ổn định, phần cũng suy nghĩ không biết khi trở về chung cư có bị kỳ thị hay không? Bởi đợt trước có anh bạn kể, chung cư bên cạnh khi F0 trở về thì cả một tầng chung cư chạy xuống sảnh để phản đối.

Đúng như dự đoán, trong nhóm chung cư đã nảy ra những tranh cãi: F0 đã trở về thì có các biện pháp như thế nào để đảm bảo cho cư dân xung quanh? Cần lập một lối đi riêng cho F0 để lấy thực phẩm và đổ rác? F0 cần làm gì và có hướng dẫn như thế nào để đảm bảo an toàn cho hàng xóm?…

>> Cha mẹ và con 5 tuổi chống chọi Covid-19

Tuy nhiên cũng có ý kiến lên tiếng F0 khi đã được xuất viện, sức khỏe đã ổn, lại cách ly thêm 14 ngày tại nhà, họ cũng hiểu mình phải làm gì, không nên phân biệt đối xử quá mức dẫn đến kỳ thị.

Âu đó cũng là chuyện thường tình. Mọi người lo lắng cho sức khỏe của mình và người thân cũng là điều dễ hiểu. Một người bị nhiễm sẽ ảnh hưởng đến cả tập thể cư dân xung quanh. Hơn ai hết, chúng tôi là những người đã bị nhiễm và hiểu rõ về nó nên không trách cứ gì họ.

Dịch bệnh là điều không ai mong muốn và bản thân chúng tôi luôn ý thức được việc phải làm như thế nào để đảm bảo an toàn cho cộng đồng. Dù vậy, mọi tranh cãi cũng khép lại. Vì chưa thể mua được thực phẩm nên hàng xóm đã cùng nhau góp mỗi nhà một ít rau củ để chúng tôi ăn tạm vài ngày.

Sáng đầu tiên sau khi trở về nhà, tôi mở cửa sổ, pha một cốc sữa nóng, buông mắt nhìn phố xá vắng lặng và cảm thấy thật may mắn khi sống ở đây. Điều mà tôi và rất rất nhiều người hy vọng lúc này là tình hình sẽ được kiểm soát, bình yên sẽ trở lại để mọi người vơi bớt khó khăn.

Trải qua những ngày là bệnh nhân, tôi lại càng thấu hiểu thêm ba từ “nghĩa đồng bào”. Tiền hôm nay mất, ngày mai bạn có thể kiếm lại được nhưng “tình người” điều quý giá không có gì so sánh được. Đó cũng chính là sợi dây kết nối yêu thương và lan tỏa những điều tốt đẹp. Cảm ơn và trân quý “tình người” dễ thương và đầy trìu mến nơi đây đã dành cho tôi trong những ngày là F0, khi dịch Covid-19 hoành hành.

Phú Trường

>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.

Bình luận

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *