Hàng Việt 20 năm đi sau hàng ngoại

Nhiều doanh nghiệp mua bản quyền thiết kế sản phẩm, mua dây chuyền sản xuất của nước ngoài rồi làm ra sản phẩm dán nhãn ‘Made in Vietnam’.

Đọc bài viết “Chân chống xe máy lỏng lẻo của công nghiệp Việt” cùng với các bình luận của độc giả, tôi có một vài suy ngẫm:

Thứ nhất, các bạn cần biết rằng, không có chân chống chung cho mọi loại xe hai bánh. Cũng thiết kế tương tự vậy nhưng xe đạp khác, xe máy phân khối nhỏ khác, phân khối lớn khác. Sự khác nhau nằm ở độ cứng (độ đàn hồi) của lò xo chân chống. Độ cứng này phụ thuộc vào trọng lượng của chiếc xe. Như vậy, lỗi không hẳn ở nhà sản xuất mà có thể do anh thợ sửa xe lấy đại một cái chân chống của xe có trọng lượng không phù hợp ra gắn vào xe của bạn.

Thứ hai, có bạn cho rằng, một chiếc quạt tốt, xài bền nhưng chỉ có cái vỏ là “Made in Vietnam”, còn toàn bộ cái ruột bên trong (mô-tơ và bạc đạn) là linh kiện của Nhật. Đến khi thay linh kiện Việt Nam y hệt hàng Nhật vào thì đến độ bền không bằng. Thực tế, những linh kiện này làm bằng vật liệu chống mài mòn, mà ta chỉ biết copy thiết kế bên ngoài, chứ làm sao tạo ra được vật liệu chống mài mòn giống hệt chất lượng của họ được.

Thứ ba, về vấn đề sự cố rách chân van của ruột xe nội địa. Tôi xài ruột xe đạp và xe gắn máy một thương hiệu Việt Nam, chưa bao giờ bị rách chân van. Lỗi rách chân van là lỗi của người sửa xe. Khi xỏ van qua lỗ vành xe, họ đã không để ý cho van thẳng đứng vuông góc với mặt đất mà van hơi bị nghiêng, rồi cứ thế vặn ốc. Van nghiêng như thế, khi ruột xe được bơm căng sẽ kênh lên, đi đường dằn xóc, keo dán chân van không chịu nổi bung ra là đương nhiên.

Nhưng, trở lại với vấn đề hàng ‘Made in Vietnam’. Một hãng hoặc công ty công nghiệp hoàn chỉnh bao gồm ba bộ phận cơ bản cấu thành: thiết kế, chạy thử và sản xuất hàng loạt. Thiết kế được chia làm hai là thiết kế mẫu mã kiểu dáng bên ngoài và thiết kế kỹ thuật bên trong. Người ta thiết kế kỹ thuật trước, rồi mới dựa vào đó để thiết kế mẫu mã sao cho đẹp nhất mà không ảnh hưởng đến kỹ thuật. Thiết kế kỹ thuật đòi hỏi rất nhiều chất xám. Bộ phận này thường được gọi là R&D (nghiên cứu phát triển sản phẩm). Thiết kế mẫu mã bên ngoài thì chỉ cần những người có bằng mỹ thuật công nghiệp và giỏi vẽ. Việc của anh ta là làm sao cho khách hàng có ấn tượng tốt với sản phẩm cũng như nhanh chóng làm quen, dễ dàng thuận tiện trong việc sử dụng.

>> Vì sao công nghiệp ôtô Việt vẫn mãi quanh quẩn làm săm, lốp?

R&D là linh hồn của công ty bởi vì chức năng của nó là cải tiến sản phẩm và sáng tạo ra sản phẩm mới. Bộ phận này cũng là bộ phận ngốn nhiều tiền của công ty nhất. Để nghiên cứu ra chip 5G cho điện thoại di động, người ta tốn tới hơn 100 tỷ USD. Giả sử chip 4G có 500 triệu transistors thì chip 5G phải có một tỷ transistors mà kích thước của con chip là không đổi, tức là kích thước của con transistor 5G chỉ bé bằng một nửa con transistors 4G.

Người ta làm ra con chip này để nâng cao tốc độ xử lý thông tin của máy tính lên gấp đôi mà điện thoại di động chỉ là một nhánh chức năng của nó mà thôi. Thiết kế gì thì cũng chỉ ở trên giấy với những nghiên cứu có tính lý thuyết. Tiếp theo là chế tạo ra một sản phẩm thật đúng theo thiết kế lý thuyết và cho chạy thử. Nếu nó chạy được thì nghiên cứu lý thuyết đã thành công.

Tiếp theo nữa là độ bền sử dụng, tức tính chất vật liệu. Nếu vật liệu chế tạo là không thích hợp dẫn đến sản phẩm không bền, nhanh hỏng, người ta sẽ đặt hàng cho hãng sản xuất vật liệu nghiên cứu chế tạo ra vật liệu thích hợp. Sản phẩm dùng để chạy thử này được chế tạo bằng tay, tức là sản xuất thủ công. Khi người ta tìm được vật liệu thích hợp đảm bảo độ bền sử dụng, công việc còn lại là thiết kế dây chuyền sản xuất hàng loạt sản phẩm đó. Công việc này có thể do bộ phận R&D làm hoặc đặt hàng cho hãng khác làm. Đặc điểm của dây chuyền sản xuất hàng loạt là nó cần thông số kích thước của linh kiện để chế tạo ra vô số linh kiện có kích thước giống nhau.

Vậy, công nghiệp Việt Nam đang ở vị trí nào? Đó là ở vị trí thấp nhất của chuỗi. Chúng ta mua bản quyền thiết kế sản phẩm, mua dây chuyền sản xuất của người ta rồi làm ra sản phẩm “Made in Vietnam”. Chỉ cần người ta cải tiến sản phẩm lên chút ít là ta không cạnh tranh được với họ vì ta không có khả năng cải tiến sản phẩm (làm gì có bộ phận R&D mà cải tiến).

Nếu 20 năm trước, chúng ta có tư tưởng “cái gì nước ngoài làm được người Việt ta cũng làm được” thay vì “cái gì người ta đã làm rồi thì ta không làm nữa” thì bây giờ có lẽ kinh tế Việt Nam đã phát triển với tốc độ phi mã. Với tốc độ phát triển ấy, 50 triệu lao động cũng không cung ứng đủ nhân lực cho sản xuất trong nước chứ không nói đến chuyện dư thừa lao động rồi đi xuất khẩu lao động như hiện nay.

Bản chất của việc khởi nghiệp là phát sinh từ R&D, tạo ra sản phẩm hoặc dịch vụ độc đáo so với sản phẩm hoặc dịch vụ đang có sẵn. Khởi nghiệp không đúng với bản chất này thì chỉ là tham gia vào thị trường mua đi bán lại mà thôi. Người ta nói Việt Nam là một nơi rất tốt cho khởi nghiệp, vì sao? Vì người tiêu dùng Việt chỉ quan tâm chất lượng và giá cả của sản phẩm mà không đặt nặng thương hiệu. Tức là, thương hiệu của bạn chẳng được ai biết đến nhưng do sản phẩm của bạn dùng tốt thì người ta vẫn mua xài.

Không mấy nước giống chúng ta, vì đa phần người tiêu dùng chỉ mua sắm theo thói quen, theo những thương hiệu mà họ quen thuộc từ lâu.

Lâm

>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.

Bình luận

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *