Cú sốc tiền bạc biến đổi ‘cây ATM của gia đình’

Đồng nghiệp cũ của tôi phải chu cấp mỗi tháng cho bố mẹ nghiện số đề và em trai ham chơi, nhưng một cú sốc khiến cô nghĩ lại.

Ai cũng biết cần phải tiết kiệm và vì sao phải tiết kiệm. Tuy nhiên, dù biết rõ tiết kiệm là cần thiết như thế nhưng nhiều người lại không làm được mà chi tiêu vô tội vạ.

Nhưng cũng có những trường hợp, người chủ động tiết kiệm trong thời gian dài, nhưng trớ trêu thay lại bị các yếu tố khách quan tác động khiến số tiền bấy lâu trở về con số 0. Trong khuôn khổ bài viết này, tôi muốn chia sẻ một trường hợp như thế mà tôi biết.

Hồi mới ra trường đi làm, tôi quen một đồng nghiệp nữ, nhỏ nhắn nhưng hoạt bát và tài giỏi. Hết đợt thử việc đầu tiên, cô ấy được sếp chủ động đề nghị ký hợp đồng một năm.

Tôi lúc đó dù gặp một chút trục trặc nhưng cũng được ký tiếp một năm, bản thân thấy rõ là không bằng cô ấy. Tôi nghe mọi người trong công ty đồn là nhờ tài thuyết trình rành mạch, phong thái ung dung mà cô ấy thuyết phục được nhiều khách hàng, đem về hợp đồng cho công ty. Điều đó dẫn đến hệ quả thu nhập, lương bổng của cô ấy cao hay thấp thì mọi người đều biết rõ.

Nhưng sau một năm đi làm, vật chất xung quanh của cô ấy chẳng thấy gì thay đổi cả. Tôi lúc đó dù kiếm được ít hơn nhưng để vài tháng lương cũng mua được cái đồng hồ, chiếc nhẫn vàng đính đá xanh, đỏ. Tôi thấy lạ. Với một người có cơ hội thăng tiến và kiếm cũng kha khá nhưng cô ấy lại hết mực bình dị như những ngày mới đi làm khiến ai cũng nể nang vì cô tiết kiệm quá.

Một số người còn rì rầm bảo sao “trùm sò” thế. Nhưng một hôm có vài đồng nghiệp đi ăn tối chung, có lẽ giữ mãi trong lòng quá lâu nên cô ấy đã “xả” bớt cho nhẹ lòng. Đằng sau hình ảnh cô gái mạnh mẽ trước mắt đồng nghiệp, tài giỏi trong mắt sếp lại là “nô lệ” cho một gia đình. Bố mẹ cô ấy nghiện số đề còn người em ham nhậu, thích đua xe.

Lương tháng nào cũng phải trích một phần gửi về quê để vừa nuôi, vừa phục vụ sở thích đánh đề, ăn nhậu, đua xe của người nhà. Một số người thắc mắc: “Thử không gửi tiền về nữa có được không?”. Cô đồng nghiệp nói nếu không gửi tiền, họ bắt xe lên tận nhà trọ tìm, chửi bới. Tôi thật sự không dám nghĩ tới việc lại có những thành viên gia đình như vậy.

Đỉnh điểm là có tháng cô đồng nghiệp tôi chưa kịp nhận lương thì người nhà dưới quê nhắn lên bảo gửi một số tiền lớn về gấp. Gia đình đã vỡ nợ vì đề đóm, đồng thời em trai chạy xe máy tông một đứa bé gãy chân, phải đền tiền, lo chi phí bó bột, thuốc thang thì họ mới đi bãi nại.

Cô đồng nghiệp tôi nói lúc đó mắt như tối sầm lại, muốn xếp đồ rồi bỏ trốn đi đâu đó thật xa để người nhà khỏi tìm thấy nữa. Nhưng rồi cảm xúc lại lấn át và chiến thắng. Cô đành lấy sạch tiền để dành sau vài năm đầu tiên đi làm gửi về quê để người nhà dàn xếp. Mà nghe đâu còn phải đi vay họ hàng thêm một ít mới đủ.

Sau khi bị người nhà bòn rỉa tiền một thời gian dài và cú sốc cuối cùng đã khiến cô ấy thức tỉnh. Cô ấy ra tối hậu thư và quyết định cắt đứt, không dính dáng gì chuyện tiền bạc với người nhà nữa. Bây giờ dù họ có mắng chửi hay thậm chí từ mặt gì thì cũng không quan trọng nữa.

Bởi câu chuyện kiếm tiền, tiết kiệm như đi kiếm củi ba năm ròng rã, bản thân không dám ăn xài mà lại bị tiêu sạch trong một giờ thì khó ai chấp nhận được. Từ đó, chúng tôi bắt đầu thấy cô ấy sửa soạn, mua giày dép, túi xách mới. Tiền làm ra phục vụ cho bản thân hơn chứ không còn cung phụng hết cho người nhà như trước nữa.

Rồi tôi xin nghỉ làm qua công ty khác, rất lâu sau mới có dịp gặp lại những đồng nghiệp cũ. Hỏi thăm cô bạn thì mới biết người nhà bây giờ đã sống tốt hơn, còn nghiện đề nhưng chủ yếu bàn cho vui. Đứa em thì cũng còn nghiện độ xe nhưng biết đi làm để phục vụ “đam mê” của nó. Tôi nghe mà cảm thấy vui lây, bởi không thay đổi người nhà 180 độ, nhưng cũng hướng họ theo điều tích cực hơn.

Tôi thấy bây giờ cũng có rất nhiều hoàn cảnh giống như cô đồng nghiệp của tôi lúc xưa. Bị người nhà, đứa em út, anh trai, chị gái… xem như là cây ATM của gia đình. Họ ỷ y vào “người đi làm ở thành phố” nhiều tiền, muốn mượn, muốn xin lúc nào là cũng có. Nếu bị rơi vào hoàn cảnh như trên, tôi nghĩ chỉ có một phương pháp khả dĩ nhất là mạnh tay cắt đứt như cô bạn đồng nghiệp cũ của tôi thì may ra mới thay đổi được tình hình. Còn nếu cứ chu cấp tiền, cho mượn tiền thì tạo một tâm lý nhờ vả, khiến cả những người thân và bản thân ngày càng bế tắc, không lối thoát.

Lê Bảo

>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.

Bình luận

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *