‘Sáng cà phê, chiều trà sữa’ tốn tiền triệu

Thời gian giãn cách ở nhà, tôi đã tiết kiệm được hơn 3,5 triệu đồng mỗi tháng nhờ bớt đi những khoản tiêu không cần thiết.

Mùa dịch kéo dài suốt ba tháng thay đổi cuộc sống và cả những nhu cầu chi tiêu của bản thân, giúp tôi nhận ra những thứ trước đây mình đã chi rất nhiều nhưng thực sự không cần thiết, hay nói cách khác là có thể tiết kiệm hơn rất nhiều.

Tôi 27 tuổi sống tại TP HCM, trung bình mỗi ngày một ly cà phê sữa đá hoặc bạc xỉu buổi sáng có giá 20 nghìn, 22 ngày đi làm không sót ngày nào, chi phí hết 440 nghìn đồng.

Trong mùa dịch, không đến công ty và cũng chẳng có quán xá nào mở cửa, kể cả take-away nên khoản này hoàn toàn tiết kiệm. Thay vào đó, tôi mua cà phê bột bán trong siêu thị, một hộp sữa đặc và một chiếc phin cà phê truyền thống. Tính ra chỉ bằng 1/3 số tiền đi mua cà phê kia mà uống thoải mái hơn. Sao tôi không nhận ra điều này sớm hơn nhỉ?

>> Một tháng tiêu 2,5 triệu đồng giữa Sài Gòn

Chiều lại thêm tiền trà sữa. Dân công sở cứ tầm xế chiều là bụng dạ réo rắt. Trung bình mỗi tuần uống 3 cốc trà sữa, mỗi cốc 50 nghìn thì một tháng mất khoảng 600 nghìn đồng tiền trà chiều. Uống một lần thì thấy chẳng là bao nhưng cộng lại một tháng thì cũng hơi giật mình nhẹ.

Mùa dịch, thèm trà sữa chỉ còn cách tự pha: Trà túi lọc thêm sữa, đá tùy thích hoặc một ly trà sữa pha bằng gói trà hòa tan bán sẵn trong siêu thị. Ăn vặt, các thể loại cắt hoàn toàn.

Cuộc sống bình thường với quá nhiều “cám dỗ”, chỉ cần lướt app đặt đồ ăn uống là hằng hà sa số món ngon, thêm vào code giảm giá, freeship càng làm mình tưởng rằng là rẻ, chẳng đáng là bao. Thế nhưng điều đó đã tạo ra thói quen, hễ cần là bật app lướt làm túi tiền của mình vơi đi đáng kể.

Tính sơ sơ một đơn đặt hàng ăn vặt khoảng 60 nghìn đồng, chỉ cần đặt 10 lần là mất 600 nghìn đồng rồi, có khi còn hơn nữa. Trong mùa dịch, việc đi siêu thị mua thức ăn cho cả tuần, bao gồm luôn cả những món ăn vặt: bánh quy, trái cây, snack… giúp tôi kiểm soát được số tiền bỏ ra tốt hơn, và đương nhiên cũng ít cám dỗ hơn những lần lướt app do hứng bất chợt.

Các khoản làm đẹp có thể được giản lược. Chị em nào cũng thích làm đẹp và muốn yêu chiều bản thân. Nhưng trong 3 tháng vừa qua không được ra ngoài làm đẹp, lúc đầu thấy cũng bứt rứt khó chịu nhưng rồi cũng dần quen.

Và từ đó mình nhận ra có những khoản vốn dĩ mình có thể lược giản bớt. Đó là gội đầu ngoài tiệm, trung bình một lần từ 100- 250 nghìn, làm móng từ 100- 200 nghìn đồng, đi spa chăm sóc da từ 300-800 nghìn đồng một lần.

>> Gia đình trẻ khủng hoảng tài chính vì Covid-19

Sau khi tính toán với các con số, mình ước chừng đã tiết kiệm được cả 1,5 triệu cho khoản làm đẹp. Như vậy, tạm cộng hết các khoản, tôi đã tiết kiệm được ít nhất 3- 3,5 triệu đồng cho chi tiêu một tháng, tương đương với 50% chi tiêu của những tháng trước đó.

Con số 50% (một nửa) đã làm tôi suy nghĩ rất nhiều. Sau khi hết dịch chắc chắc mình sẽ có kế hoạch chi tiết hợp lý hơn, biết được khoản nào thật sự cần, khoản nào có thể tự làm, có thể thay thế bằng những lựa chọn khác và tần suất sử dụng thế nào cho phù hợp.

Dịch Covid 19 đã dạy tôi cách vận hành cuộc sống chủ động hơn khi không phải nhu cầu nào cũng được đáp ứng, mọi thứ không dễ dàng tiếp cận để thỏa mãn bản thân. Cũng trong dịch này, tôi mới thấy được cuộc sống còn quá nhiều thứ để lo: Sức khỏe, an toàn, tài chính, lương thực… hơn là những thứ vốn dĩ chỉ mang đến niềm vui nhất thời, nhưng tiêu tốn khá nhiều ngân sách.

KP

>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.

Bình luận

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *