Thế hệ sống tầm gửi vì tài sản thừa kế của cha mẹ

Nếu con không chịu làm ăn sau khi đã được cha mẹ nuôi ăn học, tôi sẽ đem hết tài sản của mình làm việc có ích cho xã hội.

Sai lầm của nhiều bậc cha mẹ ngày nay là để dành tất cả cho con. Cha mẹ tôi là người lao động và đến đời chúng tôi cũng phải lao động để kiếm sống. Dù cha mẹ có của để lại, nhưng chúng tôi vẫn làm việc, vì lao động sẽ tạo ra những giá trị thật sự, trong khi tiền chỉ là một phần trong đó.

Ví dụ như tôi tự tay trồng được một cây ra hoa, đến khi kết trái, dù trái ấy không đẹp, không ngon bằng hàng bên ngoài nhưng chỉ cần ngắm nghía là tôi vẫn thấy vui sướng vì đó là thành quả lao động của mình. Vì có lao động nên tôi rất quý những người lao động. Tôi không bao giờ miệt thị những người nghèo hơn mình, vì họ cũng đổ mồ hôi để tôi có ly cà phê buổi sáng (người bán cà phê dạo), có nhà sạch sẽ khi mình đi làm về (người giúp việc).

Đa phần các thế hệ trước, khi không có của để dành, con cái sẽ có động lực để làm việc, phát triển. Còn giờ đậy, chúng ta đang tạo ra một thế hệ con cưng, chỉ biết lấy tiền của cha mẹ làm thước đo giá trị bản thân, đó gọi là giá trị ảo. Thế nên, nhiều người (đa phần phương Tây), họ không bao giờ mặc định tài sản của cha mẹ là của con như người Việt. Tiền họ làm ra là dành để phát triển, xây dựng cho xã hội tốt đẹp hơn. Và thực tế là xã hội họ phát triển hơn ta thật.

Bản thân tôi cũng có tài sản cha mẹ cho và tôi sẽ để dành chúng cho con (nếu tôi còn may mắn giữ được), chỉ khi con tôi biết trân quý lao động mà nhờ đó ông cha mới tạo lập được khối tài sản này. Còn nếu con không chịu làm ăn sau khi đã được cha mẹ nuôi ăn học, tôi sẽ đem tài sản đó làm những việc ích lợi hơn cho xã hội.

>> Bán đất hưởng thụ hay cho con thừa kế?

Một cá thể đương nhiên là không thể làm cho một xã hội phát triển. Hãy nhìn nước Mỹ, đa phần nhà giàu không để lại toàn bộ tài sản cho con rồi mặc chúng ngồi chơi mà hưởng thụ. Ngay cả cựu Tổng thống Trump cũng vậy, dù bản thân ông là con nhà thế phiệt, có thừa tiền để hưởng thụ nhưng ông vẫn tự thân vận động để làm giàu. Đến đời con ông cũng vậy.

Về luật, cha mẹ chỉ có trách nhiệm với con đến 18 tuổi chứ không nhất thiết phải nuôi học đại học, cũng không phải cho con của hồi môn, thừa kế… Tất nhiên, cha mẹ lo cho con, xót con cũng bình thường. Nhưng khi con đã trưởng thành, thì hãy để chúng tự thu xếp. Hãy để con bạn tự giải quyết việc riêng của chúng khi còn có thể hơn là cứ mãi như gà mẹ xù lông bảo vệ con. Vì đơn giản, chúng đã không còn là gà con bé bỏng núp cánh mẹ nữa.

Cha mẹ nên để dành cho con phòng khi rủi ro, hoặc để con có điều kiện tốt hơn mà phát triển, cơ hội thành công nhiều hơn và dễ dàng hơn, chứ không phải để con sống cuộc sống tầm gửi. Tâm hồn đẹp phải được nuôi dưỡng trong lao động, cũng như phải lao động hết sức mình rồi mới tính đến chuyện nghỉ hưu.

Nguyen Thanh

>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.

Bình luận

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *