Kéo nhau bỏ phố về quê để dễ sống

Rời bỏ thành phố cùng những thành quả công việc gây dựng suốt nhiều năm, nhưng về quê đâu có nghĩa sẽ có một cuộc sống dễ dàng hơn.

“Một số bạn bè của tôi đã quyết định rời bỏ chốn đô thị phồn hoa để về lại với vùng quê mà họ từng sinh ra. Họ chấp nhận từ bỏ hết những cố gắng trong quá khứ để mưu cầu một cuộc sống bình yên, chấp nhận giảm bớt nhu cầu lại, tập hài lòng với những gì mình đang có, hy vọng cuộc sống ở quê sẽ nhẹ nhàng bớt hơn thua, chẳng còn stress với đống chỉ tiêu mỗi tháng. Họ nghĩ rằng, như vậy đời sẽ an yên hơn.

Nhưng tôi lại cho rằng suy nghĩ đó đang đi ngược lại với sự phát triển của xã hội. Nhiều người đang chỉ nhìn thấy những hình ảnh tiêu cực của hiện tại khi dịch bệnh ảnh hưởng tới mọi mặt đời sống với những câu chuyện mất việc, thất nghiệp, nghèo đói… Nhưng họ đâu biết rằng, vẫn có đó những câu chuyện đẹp về tuyến đầu chống dịch, những tổ chức thiện nguyện, những ý tưởng về ATM oxy, ATM gạo hay thậm chí là những cá nhân trên con xe cà tàng đi phát bánh mì và sữa cho những hoàn cảnh khó khăn…

Sau chuỗi ngày giãn cách xã hội, việc phải ở trong nhà thời gian dài đã khiến nhiều người đã trải qua các cung bậc cảm xúc từ tích cực đến tiêu cực. Nhiều người đã mất trắng những thành quả nhiều năm gây dựng, rơi vào giai đoạn khó khăn về tài chính và ngờ vực về việc sớm phục hồi của thị trường. Những điều đó dẫn đến tâm lý ‘ngại’ khởi nghiệp trong một bộ phận người trẻ hiện nay.

Không ít người bỏ ra nhiều năm ‘cày cuốc’, làm từ công ty nhỏ đến công ty lớn, lương từ con số dưới 10 triệu tăng lên gấp hai, ba lần… Ấy vậy mà khi dịch bùng phát, nhiều người trong số đó phải nhận những thùng đồ ăn được gửi từ dưới quê lên, ngồi trong căn phòng trọ lạnh lẽo và ngẫm lại bản thân rốt cuộc đang có gì trong tay? Chắc hẳn nhiều người trong số chúng ta cũng sẽ có những suy nghĩ tiêu cực như vậy trong khoảng thời gian này.

Nhưng tôi tin tất cả chỉ là những khó khăn tạm thời trước mắt. Xin mọi người đừng vội buông xuôi như vậy. Hãy mạnh mẽ và kiên trì vì chúng ta vẫn còn cả chặng đường dài phía trước. Từ bỏ không có nghĩa là sẽ làm bạn tốt lên”.

Đó là quan điểm của độc giả Nguyễn Đức Hòa trước trào lưu bỏ phố về quê. Cứ mỗi lần cảm thấy áp lực hay chán nản cuộc sống ở nơi “đất chật người đông”, không ít bạn trẻ lại nghêu ngao câu hát: “Cùng lắm thì mình về quê, mình nuôi cá và trồng thêm rau”.

>> Vợ chồng Sài Gòn chi 5 tỷ đồng để bỏ phố về quê

Cho rằng bình yên, hạnh phúc không phải chỉ có ở quê, bạn đọc Tahien vu bày tỏ: “Tôi không dám phán xét, hoặc chỉ dẫn ai đó về cách thức mà họ tìm kiếm hạnh phúc. Tuy nhiên, tôi thấy nhiều người đang sai lầm khi nghĩ rằng cứ phải bỏ phố về quê thì mới tìm được hạnh phúc. Sự bình yên nằm ngay trong chính tâm hồn mỗi người. Thế nên, chúng ta cần được tìm thấy từ cách ta sống, suy nghĩ, từ sâu trong nội tâm.

Nếu bạn trông chờ vào thứ hạnh phúc đến từ bên ngoài để tìm sự bình yên, điều đó càng chứng tỏ bạn là người phụ thuộc vào ngoại cảnh. Nếu bạn thuộc tuýp người này, sẽ không bao giờ có được bình yên thực sự”.

Đồng quan điểm, độc giả Le Binh phân tích: “Tôi xuất thân từ một vùng quê, ở tỉnh lẻ. Sau khi tốt nghiệp đại học, cũng như bao bạn bè khác, tôi ở lại thành phố lập nghiệp. Sau nhiều nỗ lực, tôi đã có cho riêng mình một doanh nghiệp ở mức trung bình (doanh thu gần 100 tỷ đồng mỗi năm). Cũng có lúc, tôi nghĩ mình nên dừng lại toàn bộ công việc áp lực này và quay về quê. Nhưng nghĩ cho cùng, tôi hiểu điều đó cũng không hề đơn giản.

Có lẽ do áp lực cuộc sống ở đô thị quá cao nên mọi người luôn mong muốn được về quê, sống cuộc sống điền viên, an nhàn. Nhưng theo tôi, thực tế không đơn giản như vậy, vì bạn còn phải lo toan nhiều thứ khác (con cái, bố mẹ hai bên…) chứ không chỉ có riêng hai vợ chồng.

Thứ nữa là nhu cầu của bạn cũng sẽ thay đổi theo thời gian, theo một phần của xu hướng xã hội. Rất khó để nói số tiền bao nhiêu là đủ đảm bảo cho tương lai của gia đình bạn được. Ngay cả khi có tiền gửi ngân hàng thì sau 10 hay 15 năm nữa, liệu có đủ để đảm bảo cuộc sống cho bạn và người thân không? Hoặc nếu những rủi ro về tài chính xảy đến, bạn sẽ xử lý thế nào?

Chúng ta cần phải sống theo quy luật của xã hội: khi đang trong độ tuổi lao động, bạn cần phải nỗ lực hết sức mình để tạo ra giá trị, của cải, vật chất. Đó mới là điều quan trọng nhất”.

Lê Phạm tổng hợp

>> Các ý kiến không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.

Bình luận

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *