Hàng Việt ‘tiền nào của nấy’

Để có một sản phẩm hoàn thiện, chất lượng tốt thì chi phí sản xuất phải cao, trong khi phần đông người dùng Việt lại không sẵn sàng chi trả.

“Tôi mua một chai nước tương hàng Việt nhưng bị nhầm đó là chai dầu hào để ướp món ăn khi kho, nấu bởi bao bì thiết kế không rõ ràng. Tôi mua về, để mấy tháng, đến nay muốn bỏ đi vì không có nhu cầu sử dụng. Tôi thuộc diện hơi cao tuổi một chút nên nhìn bao bì nhiều chữ, lại nhỏ, mang kính lão vào đọc còn khó, phải nhờ con đọc cho…

Nói tóm lại, các sản phẩm của Việt Nam có chất lượng bao bì thiết kế rất dở, người thiết kế hình như không nghĩ đến những ai dùng nó. Người dùng chỉ cần biết những chi tiết cơ bản như: tên sản phẩm, thành phần, cách sử dụng, bảo quản, hạn sử dụng, công ty nào sản xuất, thế nên phải thiết kế sao cho người ta mất ít thời gian để đọc nhất.

Những khiếm khuyết trên sản phẩm Việt có rất nhiều, như gói trà túi lọc nhỏ xíu cũng phải dùng đến cái kéo cắt chứ dùng tay không xé được; chai nước mắm nước tương, dầu ăn cứ rót là rớt ra thân chai, có khi còn bắn vào người; tay cầm của cái nồi inox không được bo tròn mà để sắc cạnh nên cầm rất đau tay…

Mong rằng các nhà thiết kế sản phẩm tiêu dùng trong nước quan tâm kỹ hơn, khảo sát chất lượng sản phẩm trước khi sản xuất để mang lại thuận tiện tối đa khi sử dụng cho người tiêu dùng. Có như vậy, hàng Việt mới có thể tăng tính cạnh tranh với hàng ngoại. Làm hài lòng khách hàng cũng chính là mang lại lợi ích cho doanh nghiệp”.

Đó là chia sẻ của độc giả Tuta xung quanh câu chuyện chất lượng hàng Việt sau bài viết “Những nút chai bất tiện ‘Made in Vietnam’“. Sau 12 năm triển khai thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, tâm lý dùng hàng Việt của người tiêu dùng trong nước đã có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, không thể phủ nhận, hiện nay, nhiều người tiêu dùng trong nước vẫn có tâm lý chuộng hàng ngoại nhập hơn, từ các mặt hàng điện tử, thực phẩm đến những món đồ gia dụng hàng ngày. Một phần lý do chính là vấn đề chất lượng sản phẩm.

Trong khi đó, lý giải về nguyên nhân dẫn tới chất lượng hàng Việt không cao, bạn đọc Hoàng Tùng cho rằng: “Đứng về phía nhà sản xuất, thực lòng ai cũng muốn được sáng tạo, đưa ra những sản phẩm chất lượng tốt cho khách hàng. Thế nhưng, để làm được như vậy thì chi phí sản xuất cũng phải cao. Trong khi đó, phần đông người tiêu dùng Việt lại không sẵn sàng chi trả. Bản thân tôi làm ngành may, khẳng định rằng muốn làm hàng đẹp mấy chúng ta cũng làm được, nhưng quan trọng là vấn đề tiền đầu tư.

Đồng phục học sinh hay những bộ quần áo bảo hộ lao động trong nước hay bị chê may ẩu, mẫu mã xấu, cũng bởi người đặt hàng đưa ra mức giá quá bèo bọt, chưa nói đến việc doanh nghiệp bị ép giá. Với số tiền đó, đôi khi còn chưa đủ tiền thuê nhân công ở mức trung bình nữa, vậy nên doanh nghiệp chỉ có cách làm điêu, làm ẩu, thuê nhân công giá rẻ, chất lượng thấp, dây chuyền sơ sài, khâu kiểm tra cũng gần như không có, chủ yếu chỉ làm cho xong. Thế nên, bảo sao sản phẩm đưa ra thị trường lại không tệ”.

>> Chân chống xe máy lỏng lẻo của công nghiệp Việt

Đồng quan điểm, độc giả Thủy Kyu88 phân tích: “Tôi phải thừa nhận rằng hàng Việt còn hạn chế ở rất nhiều mặt, nhưng xét cho cùng cũng chỉ bởi ‘tiền nào của nấy’. Nếu sản xuất hàng chất lượng, giá thành sẽ phải cao gấp ba, bốn lần hiện giờ. Như vậy, phần lớn khách hàng sẽ chuyển sang chọn hàng ngoại với cùng mức giá mà chất lượng đã được kiểm chứng từ lâu, vậy sao cạnh tranh nổi?

Tôi thấy người tiêu dùng Việt chưa có thói quen thường xuyên phản ánh chất lượng sản phẩm lên nhà sản xuất. Thế nên, mỗi khi có một người phàn nàn về chất lượng, họ sẽ nghĩ đó là lỗi cá biệt. Trong khi đó, nếu nhiều người cùng phản ánh một lúc, bắt buộc nhà sản xuất sẽ phải xem lại.

Ngày trước, có một đợt trên mạng xã hội rộ lên câu chuyện về ruột bút bi lỗi. Chính tôi cũng đã viết email cho nhà sản xuất để phản ánh, kèm theo hình ảnh để hỏi nhà sản xuất về thực hư câu chuyện. Bên doanh nghiệp đã trả lời tôi rằng sản phẩm đó là hàng thật và thừa nhận lỗi sản xuất. Tôi cho rằng, chúng ta cần phải thường xuyên phản ánh chất lượng sản phẩm với nhà sản xuất để họ điều chỉnh và lắng nghe nhiều hơn”.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thay đổi tư duy người tiêu dùng trong nước, bạn đọc Tranquocthai610 bày tỏ: “Nước tương, nước mắm, tương ớt, dầu ăn… là những thứ gia vị nước đựng trong chai, lọ trong bếp. Tôi cũng từng cảm thấy khó chịu với chúng khi hàng Việt thường được đựng trong những chai lớn, giá rẻ, nhưng miệng chai lại được thiết kế không hề tiện lợi khiến nó luôn bị dính lại một ít, lâu dần sẽ bị mốc.

Tôi cũng từng nghĩ chắc hãng nào cũng vậy, và vẫn chọn những nhãn hàng đó vì nó rẻ. Cho tới khi quyết định thử mua loại khác đắt tiền hơn và cũng là hàng Việt Nam, tôi phát hiện rằng không phải nhãn hàng không chịu thay đổi mà là tôi không chịu thay đổi. Khi tôi chịu bỏ ra số tiền nhiều hơn gấp đôi mà số lượng sản phẩm ít hơn phân nửa, đổi lại sẽ là chất lượng ngon hơn và không còn phiền toái cũ nữa”.

>> Chân chống xe máy – 20 năm lẽo đẽo hàng ngoại

Người tiêu dùng khi mua hàng đều quan tâm đến ba yếu tố: chất lượng mặt hàng, giá cả cạnh tranh và thương hiệu đảm bảo uy tín. Nếu hàng Việt thỏa mãn ba điều kiện này, chẳng có lý gì người Việt lại đi mua hàng ngoại.

Độc giả Anhdung.game bổ sung thêm: “Các bạn đừng nghĩ có một sản phẩm hoàn thiện là dễ dàng, vì chi phí sản xuất lớn hơn rất nhiều so với nhiều người tưởng tượng. Nhà sản xuất phải đầu tư nghiên cứu, thăm dò thị trường, công nghệ sản xuất, tìm nguyên liệu… Những công ty nhỏ chắc chắn không dám làm, còn công ty lớn nếu đầu tư nhiều nhưng thu lại ít thì chẳng ai muốn làm.

Và khó nhất chính là thay đổi thói quen người tiêu dùng. Làm một sản phẩm tốt, hoàn thiện, nhưng giá cao, rồi lại phải thuyết phục người dùng chấp nhận nó, đó là cả một quá trình đầy rủi ro. Cho dù may mắn thành công thì nhà sản xuất muốn thu hồi lại vốn cũng mất tới 10-20 năm. Trong khi đó, tại Việt Nam, rất ít công ty tồn tại đến quãng thời gian ấy. Còn một vấn đề nữa là chi phí ngoài giấy tờ của chúng ta cũng khá cao, khiến các nhà sản xuất không còn đủ tiền để dùng cho nghiên cứu, thử nghiệm sản phẩm”.

Nói về câu chuyện cải thiện chất lượng hàng Việt Nam, bạn đọc Kim cho rằng quan trọng nhất vẫn là yếu tố con người: “Tôi là một người trẻ đi làm thiết kế ở công ty nước ngoài. Qua ba năm làm việc, tôi tự thấy sản phẩm Việt như những gì được miêu tả cũng giống như bản thân tôi khi đi làm. Sếp tôi luôn đánh giá người Việt rất thông minh, nhưng lại không có sự nhất quán, và kỷ luật khi làm việc, dù là công việc thiết kế.

Đa số nhân viên nếu thấy chi tiết nhỏ, thường cho rằng không quan trọng và làm qua loa, không suy nghĩ để cải tiến, hoàn thiện sản phẩm mà chỉ hay rập khuôn, làm cho xong, nên kết quả công việc không được phát triển tốt, thậm chí dậm chân tại chỗ hoặc tệ hơn là thụt lùi, bất chấp kết quả ban đầu rất khả quan. Lúc mới nghe nhận xét như vậy, tôi khá ức chế, nhưng qua thời gian làm việc, ngẫm lại, quả thật đó là những gì tôi và nhiều người Việt cần phải sửa đổi ở bản thân.

Và tôi nghĩ rằng, hàng Việt cũng vậy. Lúc đầu, chúng ta luôn có sự bứt phá, nhưng để giữ vững chất lượng, cần có sự kỷ luật, tỉ mỉ và cầu tiến ở những chi tiết nhỏ nhất. Bản tính con người thể hiện qua sản phẩm họ làm ra. Tôi tin là vậy”.

Việt Thành tổng hợp

>> Các ý kiến không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.

Bình luận

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *