‘Tự lập và mạnh mẽ là ưu điểm của con nhà nghèo’

Từ cấp ba và đại học, tôi đã tự biết lo cho bản thân, làm thêm kiếm tiền, tự học ngoại ngữ và trau dồi tri thức.

Mấy ngày nay tôi thấy rất nhiều tranh luận về vấn đề “có nên để lại tài sản cho con cái không”. Tôi xin mạo muội đưa ra quan điểm của cá nhân, xuất phát từ hoàn cảnh cá nhân.

Tôi sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh nhà nghèo. Bố mẹ nghèo cả về vật chất lẫn tư tưởng. Tôi chưa từng thấy bố mẹ chăm chút, quan tâm đến chuyện tương lai, học hành, định hướng của anh chị em chúng tôi. Chuyện đó có cả ưu và nhược điểm, nhưng tôi khẳng định nhược điểm lớn hơn rất nhiều.

Cả bốn chị em nhà tôi không ai tốt nghiệp cấp ba, đại học ngoại trừ tôi. Tôi từ bé chưa từng học thêm. Tôi hay từ cánh đồng nhìn lên con đường to, thấy chúng bạn đi học thêm Văn, Toán, Anh mà thèm thuồng.

Câu chuyện nhỏ trên để thấy rằng bố mẹ có điều kiện, chắc chắn con cái trong giai đoạn trưởng thành sẽ cảm thấy tự tin, thoải mái hơn về chuyện học, định hướng cho bản thân. Cha mẹ có điều kiện, phần lớn họ biết đầu tư cho tương lai của con cái và sớm giúp con tập trung thực hiện điều đó. Còn cha mẹ nghèo đến lo ăn không đủ thì thời gian đâu đọc sách, tiếp thu tri thức để hiểu và biết định hướng cho con.

Ưu điểm duy nhất trong hoàn cảnh xuất thân nghèo khổ là tôi vô cùng tự lập và mạnh mẽ. Khi học cấp ba và đại học, tôi đều tự biết lo cho bản thân, tự kiếm việc làm thêm trang trải cuộc sống, tự học ngoại ngữ, trau dồi tri thức.

>> Làm 18 tiếng mỗi ngày kiếm tiền để lại cho con

Tôi thấy một số ý kiến hay so sánh phương Tây và chúng ta. Tôi cho rằng sự so sánh nào cũng là khập khiễng cả. Thay vì học hỏi họ một cách dập khuôn thì tùy vào hoàn cảnh, mỗi người nên chủ động tích cực tìm thấy cái phù hợp. Dạy con tự lập từ bé, quản lý chi tiêu, làm thêm nếu phù hợp để hiểu được giá trị của lao động và đồng tiền.

Bố mẹ có điều kiện cho con học đàn, hát, múa, nghệ thuật… nhiều khi không phải là để chúng thành một người tài năng mười phân vẹn mười. Có thể, cha mẹ chỉ đơn giản muốn con có thể thưởng thức một giá trị nghệ thuật, khác hoàn toàn “đàn gảy tai trâu”.

Cha mẹ có điều kiện, tài sản và biết dạy con là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau. Người nghèo nhiều khi họ nhận thức rất rõ việc định hướng cho con thành tài, nghèo sạch rách thơm. Họ dạy con mọi thứ đều do bàn tay mình có thể làm nên, chỉ cần kiên trì và cố gắng, Bên cạnh đó, họ tự mình làm gương cho con mỗi ngày. Kết quả mọi người cũng thấy ngoài những phú nhị đại, cũng không ít tỷ phú tự thân.

Trong khi đó bố mẹ giàu có chỉ biết đến tiền, không quan tâm dạy con thì cũng hỏng. Ngày tôi còn đi làm thêm ở một gia đình khá là giàu, họ có hai đứa con, một trai, một gái, đều coi trời bằng vung. Có một ngày cô con gái bé bỏng mới bảy tuổi của chủ nhà nói với tôi: “Cô chẳng biết gì cả, mẹ cháu bảo tiền là quan trọng nhất”. Tôi giật mình từ tốn hỏi lại cháu: “Thế giờ cô hỏi cháu nhé, cô ví dụ thôi, nếu mẹ cháu đột nhiên bị bệnh phải đi viện điều trị mà bác sĩ chỉ cho cháu chọn một là cháu lấy tiền về bác sĩ không chữa, hai là bỏ tiền ra để chữa cho mẹ cháu sẽ chọn thế nào?”

Nó trả lời cháu không cần tiền, cần mẹ thôi. Rồi tôi hỏi tiếp thế giờ cháu thấy tiền quan trọng hơn hay mẹ quan trọng hơn? Nó trả lời rất to “Mẹ”.

>> Tài sản cha mẹ giúp con cái ‘đốt giai đoạn’ kiếm tiền

Vì thế, tôi thấy cha mẹ có điều kiện có tài sản là điều kiện cần, thậm chí là tiền đề cho sự khởi điểm xuất phát của một đứa trẻ, nhưng chưa đủ. Cái tài sản quan trọng và đáng giá nhất của cha mẹ để lại cho con cái là tri thức, định hướng, tầm nhìn và cả giá trị tâm hồn nữa.

Là một người phụ nữ, tôi thấy cha mẹ Việt Nam nên chú trọng để tài sản là những bài học sâu sắc cho những đứa con gái của họ nhiều hơn nữa, biết trân trọng và khẳng đinh giá trị bản thân, có chính kiến của riêng mình…

Để tự nhận thấy nhẫn nhịn với hy sinh không phải là thước đo cho sự biết điều và hiểu chuyện. Có những thứ tiền không làm ra được, những tài sản hiện hữu như: cái nhà, vàng bạc, tiền mặt, xe cộ… con người mới là chủ thể tạo ra được tất thứ đó. Nếu cha mẹ nên để lại gì cho con, tôi nghĩ đó là giá trị và con đường.

Mặc

>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.

Bình luận

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *