Tiền thừa kế giúp con thành ‘học sinh giàu vượt sướng’

Thừa kế nhiều hay ít không quyết định việc con bạn sẽ trở thành ‘người kế thừa’ hay là ‘kẻ phá gia chi tử’.

“Quan điểm của tôi về chuyện ‘tài sản thừa kế cho con‘ là tiền của bạn nên làm gì với nó là quyền của bạn. Tuy nhiên, trường hợp con cái bạn sống ‘tầm gửi’, không có ý chí, không biết nỗ lực thì trước tiên đó là trách nhiệm của bạn. Cha mẹ đã không dạy dỗ con thành một công dân có ích cho xã hội, một đứa trẻ lớn về tuổi nhưng không lớn được tư duy, đó là một sự thiếu trách nhiệm. Chưa kể, con mình sinh ra nhưng lại không để lại tài sản cho con dựa đó mà sống, thì càng thiếu trách nhiệm hơn. Điều đó còn tạo thêm gánh nặng cho xã hội, thiếu trách nhiệm với cộng đồng.

Quan niệm người giàu của tôi là giàu có về cả vật chất, tri thức và tinh thần. Những người như vậy thường ‘giàu bền vững’ qua nhiều đời (nếu như không có biến cố xã hội); còn có tài sản từ bán đất hay trúng số cũng chỉ là giàu nhất thời mà thôi, khó thể nào bền vững. Quan trọng nhất ở đây không phải chuyện cha mẹ giàu hay nghèo thì mới tốt cho con, mà là ở cách giáo dục.

Ngày xưa, khi chiến tranh mới kết thúc, người dân ai cũng nghèo, nếu không chịu ‘vượt khó’ thì chỉ có chìm mãi trong nghèo khổ. Học sinh nghèo vượt khó hồi đó không có internet, video game, hiếm có tivi, đồng hồ…, chỉ có thể tụ tập bạn bè chơi đùa rồi lại về phụ giúp gia đình. Khi đó, thị trường mới mẻ, ít người cạnh tranh, ai biết nắm bắt được cơ hội thì nhiều khả năng sẽ có của ăn, của để.

Còn bây giờ, internet, game, xe cộ… quá nhiều thứ cám dỗ trên con đường phát triển của trẻ; bạn chỉ cần lơ là một chút là con cái có thể lầm đường, lạc lối và ỷ lại ngay. Cho nên việc giáo dục trẻ bây giờ là không hề dễ dàng, và cha mẹ cùng không thể lý luận rằng ‘hồi đó cha mẹ nghèo mà vẫn nên người’ để giáo dục con thời nay. Điều đó nghe không thực tế chút nào”.

Đó là quan điểm của độc giả LQL xung quanh câu chuyện “có nên để lại tài sản thừa kế cho con?“. Nhiều bậc cha mẹ cố gắng hết sức để chuẩn bị sớm cho tương lai của con cái. Một số người dành riêng ra một món tiền cho con cái chi tiêu trong tương lai, số khác lại muốn bảo đảm cho con cái được học hành đầy đủ và tự kiếm được nghề nghiệp để lo thân sau này. Chính áp lực vô hình đó khiến nhiều bậc cha mẹ trăn trở vì câu hỏi: “Tôi phải để lại bao nhiêu cho con cái?”.

>> Thế hệ sống tầm gửi vì thừa kế tài sản cha mẹ

Ủng hộ quan điểm cho rằng tài sản thừa kế không quyết định lối sống của con, bạn đọc Lê Khánh Trung phân tích: “Quan trọng là cha mẹ dạy được con cách sống tự lập hay không? Nếu một đứa trẻ không được dạy dỗ về giá trị lao động thì có cho tiền hay không, chúng vẫn cứ mãi nghèo như thường. Nhiều người cho rằng tài sản thừa kế kếch xù sẽ khiến con cái sinh ra ỷ lại. Nhưng tôi khẳng định, nếu một đứa trẻ được dạy dỗ về lối sống tự lập từ nhỏ kể cả khi chúng sa cơ lỡ vận, cũng sẽ tự tìm ra cách xoay xở để không làm phiền cha mẹ, người thân. Trong khi đó, một đứa trẻ được bao bọc từ bé đến lớn sẽ luôn dựa dẫm vào người khác trong mọi hoàn cảnh.

Chuyện tài sản thừa kế chỉ là phần ngọn trong câu chuyện con cái sống bám vào cha mẹ. Còn cái gốc là sự giáo dục mà cha mẹ đã dành cho con như thế nào? Bắt con tự lao động để kiếm tiền hay bao bọc từ nhỏ đến lớn? Bản chất của sự tiến bộ là phát triển dựa trên những gì đã có, vì thế, nếu bạn đã tạo được một nền móng vững chắc thì không thể bắt con bạn đi lại từ đầu được. Làm thế đâu còn là sự kế thừa?

Cũng không thể nghĩ rằng cứ cho con một khối tài sản kếch xù là coi như xong chuyện được. Bản thân đứa con khi nhận được tài sản cha mẹ để lại, cũng giống như phải gánh trên vai một áp lực phải phát triển khối tài sản đó vững mạnh hơn đời cha ông của họ. Nếu chẳng may mà sa cơ lỡ vận, họ sẽ phải sống trong sự soi mói của dư luận và bị đem ra so sánh với đời trước. Điều đó cũng không đơn giản chút nào.

Cuối cùng, loại tài sản quý giá nhất mà những đứa con cần được thừa hưởng không phải là tiền bạc mà chính là sự giáo dục. Đây mới chính là loại tài sản sẽ quyết định đứa trẻ đó khi lớn lên sẽ trở thành “người kế thừa” hay là “kẻ phá gia chi tử”? Vậy nên, đừng chỉ nhìn vào bề mặt của một sự việc mà phán xét, hãy nhìn nhận ở nhiều góc độ khác nhau”.

Kết bình luận, độc giả LQL cho rằng cách dạy con tốt nhất chính là dùng tài sản thừa kế làm bàn đạp cho tương lai: “Thay vì cứ giữ tư tưởng để con tay trắng tự bươn chải, sợ để lại nhiều tài sản thừa kế sẽ làm con hư hỏng, ỷ lại, tôi cho rằng, cha mẹ nên dạy con mình trở thành những ‘học sinh giàu vượt sướng’. Đó mới là cách để cho gia đình bạn ‘giàu có bền vững’ qua nhiều thế hệ”.

Lê Phạm tổng hợp

>> Bạn có để lại tài sản thừa kế cho con? Chia sẻ tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.

Bình luận

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *