Mùa dịch ở nhà ‘ngộp thở’ với phim Việt

Một người anh kiêm con trai sắp chết vì ung thư nhưng những đứa em và bà mẹ lại thay nhau giày vò.

Mùa dịch quanh quẩn ở nhà mấy tháng nay cũng chán, tôi tin rằng nhiều người chiếc điện thoại, máy tính bảng là một vật bất ly thân trong giai đoạn này.

Như tôi, vừa bật app đọc báo theo dõi tình hình dịch xong lại nhấn qua Youtube xem Vlog, vừa nhắn tin công việc với các đồng nghiệp xong thì check Facebook xem thiên hạ đang nghĩ gì, xem gì.

Facebook watch của tôi mấy tuần nay liên tục đề xuất những bộ phim Việt được nhà sản xuất cắt ngắn rồi post lên đó. Tôi lướt qua vài bộ phim và lạ thay, quanh quẩn trong bốn bức tường không khiến tôi cảm thấy khó chịu mà sự “ngộp thở” đến ngột ngạt đến từ những tình tiết và nhân vật trong những bộ phim đó.

Phim Việt từ lâu đã có những hạt sạn to đùng đến từ khâu biên kịch, đạo diễn và diễn viên. Nhiều bài viết cũng đã phân tích và chỉ ra điều đó như “giang hồ nói chuyện như nhà văn”, “diễn viên bán vé số mà trắng bóc, xức kem láng mướt”…

Cho đến bây giờ, một số bộ phim truyền hình Việt trông có vẻ ổn hơn trước, nhưng đáng tiếc thay, những bộ phim này là remake- làm lại từ kịch bản gốc của nước ngoài, cụ thể là làm lại của Hàn Quốc.

>> Chất đàn ông biến mất trên màn ảnh Việt 20 năm

Thế nhưng, những bộ phim này lại sa vào việc kéo dài lê thê. Một bộ phim, bản gốc của Hàn Quốc rất gãy gọn chỉ có 20 tập. Nhưng về đến Việt Nam nó bị kéo dài ra tận 70 tập. Ai cũng biết nguyên nhân kéo dài là để nhà sản xuất có nhiều quảng cáo hơn, tôi rất thông cảm với điều đó nếu như nhà làm phim cố gắng loại bớt những tình tiết lặp đi lặp lại.

Thêm vào đó là việc lạm dụng quá nhiều drama- bi kịch vào phim. Những tình tiết phim chỉ xoay quanh vấn đề ngoại tình, ghen tuông, vợ lớn vợ bé… Một số bộ phim làm theo phong cách cổ trang Nam bộ đầu thế kỷ hai mươi lại khai thác quá đà chuyện dục vọng của chủ nhà với người hầu, trong khi đó bà chủ nhà thì gian ác, cay nghiệt với những người xung quanh. Thậm chí cái gia đình nhỏ ấy còn lục đục, tranh mưu hèn kế bẩn hãm hại lẫn nhau.

Lại có một bộ phim chàng ở rể bị mẹ vợ đay nghiến, cả gia đình vợ xem thường nhưng vẫn lì trơ mặt ra đó ăn bám mỗi ngày. Một phim gần đây được nhiều người quan tâm lại khai thác câu chuyện bi kịch gia đình quá mức. Bi kịch nối tiếp bi kịch khiến tôi cảm thấy ngộp thở và ngột ngạt.

>> Lời thoại phim Việt: ‘Giang hồ nói chuyện như nhà văn’

Ngoài đời cũng có những bi kịch ấy, nhưng ở mức độ khác hơn và không gia đình nào lại hội tủ đủ những bi kịch ấy cả. Một bà mẹ vô trách nhiệm đẻ ra những năm đứa con rồi giao cho con trai cả nuôi bốn đứa em. Những đứa em thì vô ơn, ăn bám, phá của. Người anh thì nhu nhược khiến gia đình vợ con cũng hỏng. Đến khi anh cả phát hiện bị ung thư gan, bà mẹ và những đứa em vẫn trơ mặt dửng dưng. Tôi nói thật, người Việt ta có đạo lý “nghĩa tử là nghĩa tận”. Với một người bệnh nặng sắp chết, nếu không cứu thì thôi, cũng chẳng ai nỡ giày vò họ như vậy cả.

Thật sự, nếu những bộ phim Việt cứ khai thác quá đà bi kịch gia đình, mẹ chồng ác với nàng dâu (hoặc ngược lại), rồi chính ngay những bà mẹ ruột cũng độc ác nốt thì tôi không hiểu tính nhân văn, tính hiện thực ở đâu? Ngoài đời có nhiều người ác đến như vậy sao?

Hà Quang

>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.

Bình luận

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *