‘Vòng đời công nhân’ trong nhà trọ 15m2

Anh hàng xóm công nhân nhắn tin tâm sự với tôi: “Chắc năm nay cho thằng nhóc sắp vào lớp một nghỉ ở nhà một năm”.

Tôi vội hỏi thăm và khuyên anh bình tĩnh. Anh cho rằng với tình hình cả hai vợ chồng thất nghiệp như bây giờ, không xoay đâu ra đủ tiền để cho con đi học. Đứa lớn học lớp bảy còn gửi ở quê.

“Hồi xưa ông bà già cũng giấu bớt hai tuổi nên đi học muộn hơn so với bạn bè” – anh thòng thêm câu nói, như lời giải thích rằng chuyện con anh nếu học trễ một năm cũng là điều chấp nhận được.

Tôi chia sẻ và không thể chỉ ra giải pháp giúp gia đình anh lúc này. Nhưng từ những câu chuyện xảy ra mà mình chứng kiến, tôi mường tượng về cảnh những đứa trẻ thất học và nói gót cha mẹ chúng làm những công việc tự do không tên và vô cùng bấp bênh.

>> Những vợ chồng trẻ ‘bó mình’ trong căn trọ 15m2

Tôi chỉ đưa ra một lời khuyên rằng, nếu làm hết sức, hết khả năng thì cứ tạm hoãn cho thằng nhóc nhỏ đi học một năm. Nhưng đứa lớn cần được đi học tiếp và cả hai phải chí ít học xong lớp 12. Bởi chặng đường hơn chục năm sau, muốn làm công nhân trong nhà máy, xí nghiệp phải ít nhất học xong cấp ba và thậm chí phải có trình độ chuyên môn trung cấp thì người ta mới nhận vào làm.

Tôi ở xóm có nhiều dãy trọ công nhân, chuyện chứng kiến nhiều gia đình làm công nhân là không hiếm. Cha mẹ làm công nhân, con cái cũng làm công nhân. Có gia đình cha mẹ rời quê lên phố trước, buôn bán lặt vặt hàng rong. Đến khi quen nước quen cái thì đứa con vừa mới lớn ở quê cũng nối gót lên phố làm công nhân tiếp.

Lại có gia đình chấp nhận cho việc học của con đứt gánh giữa đường và lên phố xin làm công nhân. Vì không nuôi nổi bốn năm trời đại học, cũng như vì hoàn cảnh, năng lực của đứa con không đủ sức để cạnh tranh với đời. Cũng có nhiều người sẽ chỉ ra rằng nhiều tấm gương vượt khó, học hành giỏi giang, vẫn vào đại học bằng tiền giúp đỡ của mạnh thường quân hay học bổng.

Nhưng sự thật đó chỉ là số ít. Mẫu số chung của các gia đình công nhân là như tôi vừa kể. Cha mẹ gửi con ở quê cho ông bà và vào phố kiếm việc, gửi tiền về quê. Ông bà chăm cháu sao bằng cha mẹ nuôi con, ở bên con cái và kèm cặp. Vậy nên việc học xong lớp 12 đối với nhiều con em công nhân đã là một việc quá sức. Việc hoàn cảnh trói buộc năng lực và khả năng con người là điều có thật.

Ngay cả như anh công nhân nhắn tin tâm sự với tôi, anh ấy hoàn toàn ý thức được tầm quan trọng của con chữ, của việc học. Nhưng bây giờ tiền phòng, tiền ăn còn xoay xở hàng ngày thì việc học hành của con tạm gác sang một bên là điều khó tránh khỏi.

>> Gia đình trẻ khủng hoảng tài chính vì Covid-19

Và chỉ trong đợt dịch này, những nỗi vất vả của những thân phận công nhân mới được hiểu kỹ và cảm thông hơn. Ngày thường, đa số các nhà trong xóm tôi luôn phàn nàn, phản ứng khó chịu mỗi khi dãy nhà trọ công nhân ăn nhậu và phát ra tiếng karaoke loa kẹo kéo.

Riêng tôi, tuy rất khó chịu vì nó ồn kinh khủng nhưng chỉ góp ý nhẹ nhàng, sau cơn say của họ. Bởi tôi hiểu một lẽ, làm công nhân vốn có nhiều stress và lo lắng cho cuộc sống, nhưng họ không thể nào giải quyết bằng cách đi bác sĩ tâm lý hay tìm những món giải trí như xem phim, xem kịch, đọc sách được. Ăn nhậu và hát hò như xả van stress rồi ngủ, sáng mai lại vào ca mới mà làm việc.

Những vuông nhà trọ 15-20m2 chỉ vừa kê tấm đệm, tủ lạnh, bếp ăn… Là chốn nghỉ lưng sau những giờ làm việc ban ngày, hay là chốn ngả lưng dưỡng sức để làm việc ca đêm. Nhưng nó cũng là nơi sinh hoạt của những gia đình công nhân bao gồm cha mẹ và con cái. Cái vòng đời công nhân đó chỉ được giải quyết bằng con đường duy nhất là học hành. Nhưng mấy ai từng là công nhân và từng ở trong bốn bức tường đó có thể mạnh mẽ và dứt khoát, cũng như đủ khả năng nuôi con ăn học thành tài?

Lê Bảo

>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.

Bình luận

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *