Thoát cảnh tiêu hoang mua đồ công nghệ

“Nhìn nợ thẻ tín dụng ngày càng tăng vì mua tai nghe, loa, sạc dự phòng, iPad… tôi đã dừng lại kịp lúc”.

“Lúc trước tôi cũng bị nghiện mua đồ công nghệ. Thu nhập cá nhân hàng tháng khoảng 30 triệu đồng. Hai vợ chồng tôi chưa có con, hàng tháng sau khi xong nghĩa vụ đóng góp và tiết kiệm thì tôi luôn trích quỹ đen để mua sắm đồ công nghệ.

Công việc của tôi có thu nhập ngoài nên càng ngày tôi lún càng sâu. Tôi mua nhiều món đồ công nghệ khá mắc tiền, ví dụ như laptop, điện thoại loại bình thường cũng trên 20 triệu đồng. Các thứ lặt vặt như tai nghe, loa, sạc dự phòng, đồng hồ, iPad, bàn phím, chuột, đồ gia dụng thông minh…. thì toàn tiền triệu, càng chơi thì càng phải mua đồ xịn hơn.

Và càng ngày tôi nợ càng nhiều. Thẻ tín dụng đến mấy chục triệu mà không nhớ rõ tại sao. Vì cứ cho là có thu nhập ngoài nên tôi cứ mua trả góp, mỗi tháng trừ mấy triệu thì tôi có thể trả được được, vợ không biết vì tôi khai gian giá cả mua vào bán ra.

Đến một ngày tôi quyết định dừng lại, cũng mừng vì dừng sớm. Giờ tôi còn một cái điện thoại iPhone X đã xài được 4 năm chưa thay, lúc trước toàn hai, ba cái bên mình. Các đồ công nghệ khác còn dùng được thì xài, hư bỏ chứ lâu rồi không mua mới gì cả. Nghiện mua đồ công nghệ này cũng như nghiện rượu vậy, khó bỏ lắm. Bạn phải thật quyết liệt vào thì mới có thể bỏ thành công”.

Độc giả có nickname laythunbanchim chia sẻ sau bài viết Tiêu hoang nhiều tiền cho đồ công nghệ. Ở bài viết này, tác giả chia sẻ chuyện gia đình tổng thu nhập 25 triệu đồng mỗi tháng, đang sống ở thành phố với nhiều chi phí. Tuy nhiên anh chồng lại vung quá nhiều tiền vào những món đồ công nghệ chỉ vì “đam mê”. Rốt cuộc gia đình không có tiền tiết kiệm và rơi vào cảnh túng thiếu mùa dịch.

Độc giả Lê Chiến Thắng chia sẻ: :Tôi có một cách nhận thức thế này: “Sống thì phải biết nhìn vào đôi mắt của trẻ con”, nghĩa là mình phải sống có tiết kiệm chi tiêu hợp lý vì sự phát triển cho con cái của mình. Quả thật ông bà ta có câu “đời cha ăn mặn đời con khát nước” rất chính xác.

Tôi có thể bỏ ra trăm triệu đồng để đầu tư dàn máy tính với cấu hình, card đồ họa chất lượng để vừa dùng làm việc, vừa thỏa mãn đam mê. Nhưng với số tiền đó đối với điện thoại thì không bao giờ bởi vì chúng mang tính chất giải trí nhiều hơn là phục vụ công việc”.

Một số độc giả khác chia sẻ dù yêu thích đồ công nghệ nhưng vẫn kiểm soát được “đam mê” vì luôn nhìn vào tình hình tài chính của bản thân và gia đình:

“Tôi là dân kỹ thuật nên cũng rất yêu công nghệ. Những năm đầu sau ra trường, lương hai vợ chồng đã ở mức cao nhưng do còn nợ tiền nhà nên phải nhịn. Khi chiếc Samsung Galaxy S6 được ra mắt rồi tôi mới chuyển từ con Nokia E63 qua Galaxy S3 giá 3,5 triệu. Khi hết nợ, có tài sản khá khá rồi nhưng vợ vẫn đi làm bằng chiếc xe cũ mua từ thời đi học chứ không tiêu tốn vào xe xịn, đồ đắt tiền. Nhờ vậy để hôm nay vợ tôi đã được nghỉ hưu sớm, con học trường quốc tế”.

Phung Tuan Hung

“Tôi mua chiếc điện thoại hàng trả bảo hành tháng 9/2017 và chỉ mong sao cho nó đừng hư để ráng xài được 5 năm. Ngoài ra tôi còn thích đạp xe và chụp hình nên cũng ngốn vào đấy hơn 100 triệu đồng. Chưa kể đam mê du lịch từ năm 2013 đến giờ cũng tầm hơn 200 triệu. Tất cả đều vì những điều mang lại hạnh phúc cho bản thân.

Nhưng tôi vẫn tiết kiệm tiền và vay gần 500 triệu đồng đủ để mua một căn chung cư cho gia đình tôi ở. Mặc dù cha mẹ nói cho luôn số tiền vay nhưng tôi từ chối vì không muốn lấy tiền của cha mẹ. Tiền bạc nên xài có tính toán và phải thực hiện được những mục tiêu lớn và dài hạn”.

Trung Dung

“Tôi cũng là người đam mê đồ công nghệ nhưng chỉ mua theo một hướng sản phẩm chứ không mua vô định hướng. Chi tiêu cho đam mê riêng này là sở thích cá nhân nên tôi sẽ hoạch định khoản tiền này để không ảnh hưởng đến kinh tế trong gia đình.

Ví dụ chi phí điện, nước, ăn uống, học phí các con cần hoạch định trước. Phần còn lại là quỹ tiết kiệm và cuối cùng còn dư vài triệu thì dùng để mua đồ.

Những món hàng tôi mua được giữ gìn kỹ lưỡng, khám phá xem có gì hay thì giữ lại, nếu không thì thanh lý đúng giá. Ai mua được mua chứ không bán đổ bán tháo, nếu không được thì để sau này con cái mình xài. Đặc biệt tôi chỉ sắm đồ có hữu ích trong cuộc sống chứ không mua vô tội vạ, có nghĩa là sao cho gia đình mình vẫn dùng được”.

TRUONG TU THIEN

Độc giả Minh Hoang cho rằng đam mê công nghệ thực sự không xấu. Thực tế ai cũng có đam mê quần áo, xe cộ… Tuy nhiên, quan trọng là cần quản lý dòng tiền của bản thân và gia đình để có thể thoải mái đam mê trong khuôn khổ tài chính.

“Biết là tác giả đang bức xúc nhưng không thể đánh đồng thú vui đồ công nghệ (tạm gọi vậy) với cờ bạc rượu chè nghiện ngập được vì những cái ở vế sau được gọi là “tệ nạn” và bị pháp luật cấm ở những chừng mực khác nhau. Hãy tìm đọc những bài tâm sự của gia đình có người sa vào tệ nạn mới thấy, nó không chỉ là bán lỗ hay mua trả góp đâu. Nó hủy hoại cả nhân cách nữa.

Nói vậy không có nghĩa tôi ủng hộ tiêu xài hoang phí cho mua đồ công nghệ, vì điều này xuất hiện ở rất nhiều khía cạnh khác nhau. Ví dụ như các chị em mua rất nhiều quần áo váy vóc giầy dép, mua xong thậm chí có cái chưa mặc lần nào. Nhìn các bà các chị xem bán hàng livestream quần áo tranh cướp nhau để mua, xong chẳng nhớ hết mình đã mua cái gì và ngày mai lại đăng thanh lý thấy vừa buồn cười vừa khó hiểu (cái này chắc phổ biến hơn mê công nghệ).

Tôi cũng có một người bạn mê xe hơi, suốt ngày đọc tin tức xe cộ, cứ 6-12 tháng lại đổi xe mới và bán xe cũ, tất nhiên lần nào cũng lỗ vài trăm triệu. Thế nên đừng lên án quá kinh khủng việc tương tự, mà hãy nhìn lại về việc quản lý dòng tiền đã đúng và tốt chưa.

Tiền thu nhập, trừ đi các khoản chi cố định: tiền nhà, ăn, điện nước, con cái… Phần còn lại hãy thống nhất để bao nhiêu phần trăm cho tiết kiệm, cho đầu tư, trả nợ. Cuối cùng sẽ là phần cho các thú vui lành mạnh (của cả vợ và chồng). Khi đó cứ thoải mái đam mê trong khuôn khổ tài chính là được”.

Hữu Nghị tổng hợp

>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.

Bình luận

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *