Dấu hiệu thất bại của người ‘bỏ phố về quê’

‘Bỏ phố về quê’ đâu có thể giống như bỏ 10.000 đồng chiều nay mua tờ vé số.

Gần đây tôi đọc được rất nhiều bài nói về sự thất bại khi các bạn bỏ phố về quê mà ít ai có thể chỉ ra đâu là nguyên nhân thất bại, và tại sao người khác thành công, còn bạn thì lại không? Dưới đây là một số lý giải về sự thất bại theo tôi:

1. Không có tầm nhìn xa trông rộng

Đặc điểm này được khái quát hóa thành câu thành ngữ “tham bát bỏ mâm”. Người có đặc điểm này thường vì cái lợi trước mắt mà bỏ đi những lợi ích lâu dài. Quá trình gặt hái thành quả là vô cùng khó khăn và lâu dài nếu các bạn không có tầm nhìn xa, trông rộng thì rất dễ nản lòng, dễ chạy theo xu hướng, lợi ích trước mắt mà bỏ những thứ đợi bạn ở phía sau, đằng xa kia.

Ví dụ: đa số những bạn bỏ học giữa chừng là những bạn không có khả năng nhìn xa trông rộng, họ không đủ kiên nhẫn để theo đuổi một quá trình học tập lâu dài. Họ thường bỏ học vì những lí do đơn giản, trước mắt như là bỏ để chơi game, bỏ để tránh áp lực từ cha mẹ, bỏ để đi làm có tiền thì có thể sắm được điện thoại thông minh, có quần áo đẹp, có thể ngồi uống rượu và thể hiện mình trên bàn nhậu như những bố của bạn…

Ví dụ nữa là: Để về quê được thì bạn phải có khả năng đầu tư lâu dài, chăm chỉ lâu dài nhưng nhiều bạn gần đây lại lên diễn đàn và bảo rằng ‘bỏ phố về quê, sau ba tháng chạy mất dép‘. Về quê có nghĩa là bạn phải làm nông nghiệp hoặc các công việc khác như đầu tư lâu dài… Các bạn có thể thấy rất ít công việc mà chỉ ba tháng đã có thành công. Họ thường có xu hướng so lợi ích trước mắt họ kiếm được ở phố mỗi tháng 8-10 triệu, hay 20 triệu, 30 triệu… nên khi về quê lợi ích trước mắt là mỗi tháng 0 đồng, thậm chí phải bỏ vốn họ liền “chạy mất dép”.

Ví dụ điển hình: một người chạy xe ôm sẵn sàng bỏ 10 ngàn để mua một tờ vé xổ số và mỗi chiều cầu mong mình trở thành tỉ phú hơn là một lộ trình 10 năm, 20 năm đầu tư vào công việc, hay việc gì đó để thành công. Với ông ấy việc làm giàu 10 năm, 20 năm là không thể… công việc với ông chỉ là sống qua ngày và hy vọng trước mắt là mỗi ngày có một tờ vé số để cầu may.

>> Bỏ việc để kinh doanh, có ngày cả nhà tôi chỉ tiêu 50.000 đồng

Điều này có thể quan sát trong chính cuộc sống của bạn rằng có những người bạn có thể ngồi uống rượu, tâm sự bên bàn nhậu… nhưng không bao giờ là đối tác kinh doanh của bạn được. Lý do đơn giản họ chỉ biết hưởng thụ những thứ trước mắt cùng bạn chứ không thể nhìn chung một tầm nhìn xa với bạn.

2. Không có khả năng tự kiềm chế

Một đứa trẻ bị mọi người chế giễu là béo, mập và cậu bé tự nhủ mình phải giảm cân. Và cậu đã làm mọi cách để giảm cân nhưng cậu không thể ngừng ăn vì mỗi khi đứng trước đồ ăn cậu liên lao vào và ăn lấy ăn để. Cậu ghét bản thân mình nhưng cậu không thể ngừng ăn. Cậu chấp nhận bị chỉ trích nhưng không thể ngừng ăn. Việc giảm cân của cậu bị thất bại vì cậu không có khả năng tự kiềm chế bản thân. Thực vậy, khả năng tự kiềm chế liên quan rất nhiều tới thành công và đã được chứng minh bằng nghiên cứu khoa học.

Theo đó, những nhà khoa học đã tiến hành trên hàng ngàn đứa trẻ và nhận thấy những đứa trẻ có thói quen ăn ngay đồ ăn mà không có khả năng để dành đồ ăn thường thất bại. Ngược lại những đứa có thể tự kiềm chế trước đồ ăn thường lớn lên sẽ thành công. Hành động để dành đồ ăn như một cách tích cóp nguồn lực, vốn cho các hoạt động kinh doanh, hoặc chờ đợi thời cơ để đầu tư.

Trong thực tế, các bạn thường thấy nhiều người thành công có khả năng tự kiềm chế rất tốt. Họ phần lớn kết hôn muộn, nguyên do là họ có khả năng tự kiềm chế cảm xúc, dục vọng của mình để tập trung sự nghiệp trong khi nhiều người thì không thể và thường làm vỡ kế hoạch như kết hôn sớm, đẻ con không đúng lộ trình, đẻ con ngoài kế hoạch…

Hay việc các bạn có đặc tính “tham bát bỏ mâm” đều liên quan tới khả năng không có khả năng tự kiềm chế bản thân. Những người thất bại thường thường không thể kiềm chế bản thân nên thường tự phá vỡ kế hoạch của mình, họ cũng có xu hướng sử dụng chất kích thích nhiều hơn như nghiện rượu bia, nghiện ma túy, nghiện cờ bạc, nghiện đồ ăn, dục vọng cao… Những người nghèo thường thể hiện cảm xúc rất mạnh, thái quá dù là vui hay buồn, trong khi người giàu, thành công thương ít thể hiện cảm xúc, điều này cũng liên quan tới khả năng tự kiềm chế.

3. Không có khả năng giải quyết vấn đề

Từng có một nghiên cứu khoa học chỉ ra rằng những đứa trẻ có khả năng làm toán xuất sắc khi lên 7 tuổi thì thường có khả năng thành công cao hơn nhiều đứa trẻ khác. Thực sự kỹ năng giải quyết vấn đề cũng gần như liên quan tới khả năng làm toán. Việc rèn luyện kĩ năng làm toán cũng giống như bạn rèn luyện kĩ năng giải quyết vấn đề để có được thành công.

Trong cuộc sống, bạn có thể nhận ra những người giàu có, thành công thường rất giỏi toán (không phải tất cả vì có khả năng họ công sinh toán với người khác). Bạn cứ thử nghĩ đi, làm sao bạn có thể giàu có, kinh doanh buốn bán mà không thể tính toán giá trị, giá cả các món hàng, nhu cầu của khách hàng, khả năng tăng giá của bất động sản…

4. Người quen sống trong thành công của người khác hoặc có sẵn, thành công trước đó

Con người chúng ta được chia làm hai dạng: nobody (không ai cả) và someone (người nào đó). Những người “someone” thường rất dễ thất bại khi thoát ra khỏi vùng an toàn. Họ thường thành công khi có những điểm tựa, những người chống lưng… khác, khi có những điều kiện nhất định. Những người “someone” thường thấy là những người “con ông nọ, cháu bà kia”, các ngôi sao, người nổi tiếng nào đó… Họ thường sống trong việc bao bọc của người khác hoặc thành công trước đó của chính mình. Họ quen được trọng vọng, ca ngợi, có tiền hô hậu ủng… trong vùng không gian an toàn. Nên khi thoát ra khỏi vùng an toàn họ sẽ có cảm giác bị “bỏ rơi”, bị “lạc lõng”, “mất lợi thế” nên thường không có khả năng đối mặt với các khó khăn và thường có xu hướng “phóng đại” những khó khăn họ gặp phải, từ chối đối đầu để quay trở về vùng an toàn.

>> Vì sao nhiều người Việt tỏ thái độ hả hê trước sự thất bại của người khác?

Bạn có thể thấy, đa số người nổi tiếng ở Việt Nam thường khi ra nước ngoài sẽ mất đi lợi thế, mất đi người chống lưng, mất đi lợi thế… sẽ có xu hướng về nước để sống và làm việc dù họ có thể đã có visa nước ngoài. Ca sĩ, người mẫu sẽ mất hoàn toàn lợi thế khi ra nước ngoài vì họ không thể hát tiếng nước ngoài hay như mấy người bản địa, cũng không cao như người bản địa để làm người mẫu, lại không có người hâm mộ… Điều này làm cho họ có xu hướng trở lại vùng an toàn và phóng đại khó khăn họ gặp phải.

Ngược lại những người bình thường như lao động xuất khẩu, bình dân khi sang nước ngoài thường thành công vì họ không phóng đại khó khăn do đã thích nghi quen trong môi trường, và không có vùng an toàn để trở về, trân trọng những cơ hội họ có được… Họ được gọi là hệ người “nobody”.

Đa số những người thành công thường rất khó để thành công tiếp theo hoặc các thành công khác khi ra khỏi vùng an toàn, nguyên do là sau khi có thành công bước đầu thì họ đã chọn cách an phận và tự thánh hóa bản thân bằng cách kể và phóng đại các khó khăn của mình nhằm tôn vinh bản thân.

Hậu quả là họ cảm thấy những việc họ đã làm thực sự vất vả và khó khăn nên thường từ chối đối đầu lần nữa. Rất ít người sau khi thành công mà ra khỏi vùng an toàn mà vẫn thành công tiếp, đây là dấu hiệu của sự an phận.

Tuệ

>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.

Bình luận

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *