Học ngành ‘không phù hợp’ thay vì thi lại theo ý thích

‘Cầm cự bốn năm đại học tẻ nhạt với ý nghĩ ‘ngành này không phù hợp với mình’, tôi nhận ra chỉ là bản thân chưa nỗ lực hết sức’.

“Tôi từng lâm vào tình cảnh muốn nghỉ học giữa chừng để thi lại ngành mình thích. Thời đại học, tôi học khoa tiếng Nhật nhưng lại cực kỳ thích tiếng Trung và muốn học Sư phạm để ra dạy tiếng Trung. Tôi từng nghĩ phải bỏ đi để làm lại theo ý mình, nhưng cuối cùng không đủ can đảm để làm. Một phần vì hoàn cảnh gia đình lúc đó không cho phép tôi làm lại. Áp lực tài chính, công thêm nỗi sợ thua kém bạn bè cùng trang lứa hai năm, sợ cha mẹ lại buồn lòng và không ủng hộ… tôi quyết định tiếp tục học tiếng Nhật.

Sau đó, tôi cũng thuận lợi tốt nghiệp khoa tiếng Nhật. Nhờ suốt quá trình đó, tôi đã quen và gặp được nhiều người quan trọng, mà nếu chuyển khoa có lẽ tôi sẽ chẳng có được cơ duyên đó. Tôi vẫn theo đuổi ước mơ của mình, và vẫn đang trên con đường chinh phục nó mỗi ngày. Tôi vẫn làm công việc truyền cảm hứng đến người học tiếng Trung, nhưng đó chỉ là nghề tay trái.

Điều tôi muốn nói với các bạn trẻ đang phân vân trước quyết định học tiếp hay thi lại theo đúng ý thích, đó là dù bạn đang ở đâu hay muốn làm gì, quan trọng nhất vẫn là quyết định của bạn mà thôi. Nếu tiếp tục, bạn sẽ gặp những trở ngại và cả nhưng cơ hội nhất định, còn nếu từ bỏ để làm lại từ đầu, chẳng có gì đảm bảo bạn sẽ không gặp những trở ngại khác.

Bạn có thể làm tốt một việc hoặc nhiều việc ở thời đại bây giờ. Thế nên, hãy tự hỏi mình cần gì, có thực sự yêu thích ngành nghề đó hay chỉ là suy nghĩ nhất thời? Sẽ không có gì gọi là lãng phí cả. Mọi thứ đến với bạn đều có cơ duyên nhất định. Hãy trân trọng từng khoảnh khắc, vì thanh xuân của bạn thực sự ngắn ngủi. Quan trọng là phải sống vui vẻ, sự lựa chọn nào cũng xứng đáng để bạn trải nghiệm”.

Đó là chia sẻ của độc giả K xung quanh câu chuyện “Muốn nghỉ học để thi lại ngành mình thích“. Tâm lý chán nản, thất vọng, nghĩ rằng mình đã chọn sai ngành, muốn từ bỏ và làm lại không phải là hiếm ở các sinh viên những năm đầu đại học. Không ít người trong số đó nung nấu ý định thi lại đại học, chọn một ngành khác mà mình thực sự yêu thích. Có người thành công với quyết định đó, nhưng nhiều người khác lại thất bại để rồi nhận ra mình đã sai lầm.

>> Tôi bỏ Đại học hai năm để định hướng lại tương lai

Là một người vượt qua áp lực với ngành học hiện tại để đạt được thành công, bạn đọc Lê Hằng chia sẻ: “Tôi thi trượt đại học rồi phải học đại một trường khác trên Hà Nội. Lúc ấy, gia đình tôi ép phải đi học vì sợ tôi không chịu được áp lực. Tôi nghe theo lời bố mẹ, học trường đó, nhưng trong tâm vẫn luôn có suy nghĩ sẽ thi lại. Cuối cùng, tôi thi lại Y và đỗ.

Học hết năm đầu, tôi thấy kiến thức ngành Y quá rộng, mỗi ngày phải học cả mấy chục trang sách, rất nhiều chi tiết phải ghi nhớ, khiến tôi dần thấy sợ. Trong tôi khi ấy bắt đầu xuất hiện ý nghĩ ‘đây có thực sự là mơ ước của mình không hay chỉ là do những câu nói của bố cứ văng vẳng bên tai suốt nhiều năm khiến tôi bị ám thị (bố tôi rất thích ngành Y). Tôi đã gọi về cho bố mẹ để xin thi lại trường khác, vì nghĩ mình thích hợp với kinh tế hơn, nhưng gia đình không ai đồng ý.

Tôi đành tiếp tục học trong sự tẻ nhạt, theo kiểu cầm cự vì nghĩ tới công sức của bố mẹ đã nuôi mình ăn học đến giờ. Cho đến tận năm thứ tư, tôi vẫn còn ý định thi lại. Hôm đấy, tôi vừa khóc vừa gọi điện về cho bố mẹ, họ khuyên tôi cố gắng một thời gian nữa, nếu không thể tiếp tục thì sẽ cho thi lại. Nhưng rồi, dần dần tôi bắt đầu tìm thấy hứng thú với ngành học. Đó là mỗi lần đi lâm sàng, thăm khám và điều trị thực tế, nhìn những nụ cười của bệnh nhân khi họ xuất viện, tôi thấy vui và nhận ra mình thích ngành Y thật.

Thế nên, đôi khi, ý nghĩ ‘không phù hợp’ chỉ là do suy nghĩ chủ quan của mỗi chúng ta tự đặt ra mà thôi. Chỉ cần bạn nghĩ rằng ‘nghề chọn mình’, rồi từng bước chấp nhận, thích nghi với nó, tìm những ưu điểm để lấn át nhược điểm, dần dần bạn sẽ thấy ngành mình chọn không hề sai”.

Đồng quan điểm, độc giả Binhnt cho rằng: “Không có con đường nào là dễ dàng cả. Bản thân tôi cũng từng đổi ngành và thi lại đại học vì nghĩ rằng nó không phù hợp với mình. Khoảng thời gian đó vô cùng khó khăn, đôi khi tôi hối hận vì đã bỏ một khoảng thời gian dài, tốn biết bao công sức, tiền bạc của cha mẹ. Hiện tại, tôi đang giảng dạy đại học, rất nhiều sinh viên cũng tâm sự với tôi rằng thấy ngành hiện tại không phù hợp và muốn thi lại.

Tôi luôn khuyên các em nên cố gắng học hết một bằng đại học, sau đó có thích ngành gì thì học bằng hai. Với lại, cuộc sống muôn màu muôn vẻ, đôi khi ra trường rồi, bạn sẽ tìm thấy những cơ hội kinh doanh, ra ngoài làm ông chủ, đâu nhất thiết phải có bằng đại học, chuyên ngành gì”.

>> 10 năm sang Mỹ học ngành không kiếm ra tiền

Chỉ ra sai lầm của nhiều bạn trẻ khi vội vàng từ bỏ ngành học để đi tìm đam mê, bạn đọc Thanh Đình chia sẻ: “Nhiều người nhầm lẫn giữa chán nản với không phù hợp. Chán là do bạn làm không tốt nên không thích làm, nhưng khi làm tốt hơn, bạn sẽ không thấy chán nữa. Nói cách khác, cảm giác chán là do bạn chưa đủ kiên trì và cố gắng mà thôi. Còn không phù hợp là dù bạn có đủ kiến thức, kỹ năng để làm được nhưng vẫn không thấy hứng thú làm việc đó. Nhiều người nghĩ chán là không phù hợp nhưng thật ra không phải, chỉ là bạn đang thấy khó, thấy nản và chưa đủ cố gắng mà thôi.

Trước khi từ bỏ thứ gì đó, các bạn hãy làm tốt nhất có thể rồi mới có thể khẳng định có phải mình không phù hợp hay chỉ là tâm lý chối bỏ khó khăn nhất thời? Hãy cẩn thận vì cỏ nhà hàng xóm lúc nào cũng xanh hơn nhà mình. Chẳng có con đường nào trải đầy hoa hồng, nếu có thì bên dưới cũng ẩn đầy gai nhọn, chỉ là bạn chưa nhìn thấy mà thôi. Hãy luôn nghị lực và kiên trì”.

Độc giả Mathivan3 kết lại: “Nhiều bạn trẻ không có người đồng hành, hỗ trợ về tầm nhìn, về tinh thần nên có vẻ như mất đi phương hướng và ước mơ khi bắt đầu lựa chọn ngành học. Có người sẽ khuyên bạn từ bỏ để bắt đầu vì ước mơ mới, nhưng thời gian đã qua không bao giờ lấy lại được. Không có gì chắc chắn rừng bạn chọn lại ngành học sẽ không một lần nữa bị lung lay như lúc này.

Hãy tự đặt ra và trả lời câu hỏi: bạn đã bao giờ cố gắng hết mình cho ngành đang học chưa? Hết mình ở đây là bỏ ra 16h liên tục cho ngành học, thậm chí quên ăn quên ngủ với nó… Nếu chỉ dừng lại ở việc cố gắng giả vờ, bạn sẽ không bao giờ cảm nhận được cái hay của mỗi ngành học mà dần chán nản.

Thế nên, đừng cố đưa ra một quyết định thay đổi gì cả. Thay vì tìm kiếm một ngành học mới, tại sao bạn không kiên trì với hiện tại, nỗ lực hết mình, toàn tâm toàn ý với nó? Hãy tận dụng số vốn kiến thức tích lũy được trong nhưng năm qua và khả năng của bản thân, lắng nghe chính mình và tìm ra đâu mới là thứ phù hợp cho mình”.

Thành Lê tổng hợp

>> Các ý kiến không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.

Bình luận

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *