35 tuổi vẫn bắt anh chị nuôi

‘Chồng tôi cày ngày cày đêm nuôi vợ con và cha mẹ già, trong khi hai người em 30 và 35 tuổi, độc thân, chỉ lo tập gym’.

“Đông con mà bản thân con cái không có chí tiến thủ, lười biếng, chỉ thích ăn sẵn sẽ là đại họa. Chồng tôi có hai người em năm nay lần lượt 30 và 35 tuổi. Anh nuôi họ ăn học suốt 10 năm, đến tận khi ra trường, cũng dẫn họ đi làm cùng nghề với vợ chồng tôi. Thực ra, nghề này nếu chăm chỉ làm thêm cũng kiếm rất được. Ấy thế nhưng, trong khi chồng tôi ‘cày ngày cày đêm’, thì họ cứ hết giờ hành chính là lo về tập gym, chẳng chịu kiếm thêm hay tích góp gì cả. Làm được lương được bao nhiêu, họ lại ăn tiêu và đi du lịch, thẩm mỹ… hết bấy nhiêu. Đến khi có việc gì cần tiền, họ lại “đè cổ” chồng tôi ra xin xỏ.

Bố chồng mới mổ, chồng phải lo toàn bộ chi phí từ đầu đến cuối. Khi kêu em trai đi thăm bố, chồng tôi cũng phải chi cho 10 triệu đồng. Em gái đòi mở quán ăn cũng bắt chồng tôi chi tiền hỗ trợ. Trong khi đó, hơn một năm qua, dịch bệnh khó khăn, tôi lại bệnh nằm liệt giường, không đi đứng nổi. Vợ chồng, con cái tôi Tết vừa rồi thậm chí còn không có bộ đồ mới. Con tôi thấy ba mẹ khổ cũng phải tự lên mạng tìm khóa tiếng Anh để học ké miễn phí.

Vậy mà nhìn sang các em chồng, học cứ mặc định coi chúng tôi là cái mỏ để đào. Làm cùng nghề với nhau, họ thu nhập thế nào thì vợ chồng tôi cũng như thế đó. Trong khi bọn họ còn độc thân, tự làm, tự ăn, còn chồng tôi phải nuôi vợ, nuôi con và lâu lâu còn biếu ông bà nữa”.

Đó là chia sẻ của độc giả Thanh Hà xung quanh câu chuyện “Gánh nặng nhà đông con“. Vòng luẩn quẩn đông con – đói nghèo vẫn ngự trị ở nhiều địa phương trên cả nước. Việc sinh nhiều con đã dẫn đến những hệ lụy như không có điều kiện tốt để chăm sóc, nuôi dạy con cái; quỹ đất khan hiếm dẫn đến cuộc sống khó khăn. Xa hơn nữa, bản thân những đứa con trong các gia đình đó cũng thêm gánh nặng khi phải thay cha mẹ cưu mang, đùm bọc anh chị em của mình.

>> Sinh một con dù gia đình ‘có điều kiện’

Đồng cảnh ngộ, bạn đọc Phi Yến cho rằng: “Ý thức là do tâm tính mỗi con người, không liên quan gì đến tuổi tác. Người sống có trách nhiệm, tự trọng thì còn nhỏ cũng đã biết phải cố gắng. Còn người không có tự trọng thì bao nhiêu tuổi cũng vẫn ăn bám. Gia đình nào cũng có người siêng, kẻ lười, như bàn tay có ngón dài, ngón ngắn vậy. Bên chồng tôi cũng có một người cậu, năm nay gần 70. Mẹ chồng tôi và các dì vẫn phải quyên góp giúp đỡ suốt. Cậu mợ về quê chơi là góp tiền cho, mua vé tàu xe. Thấy nhà tôi có đồ gì lạ là mợ cũng xin, từ cái nồi, cái chén, tới cục xà bông… không tha thứ gì.

Khi cậu nằm viện, cả họ xúm vào quyên góp. Tiền góp được luôn nhiều hơn con số cậu mợ phải chi trả viện phí. Thế nên, hầu như mỗi lần cậu đi viện xong là mợ lại rủng rỉnh tiền mua sắm. Mợ mua vàng đeo, cười phớ lớ rằng ‘cậu bệnh thế mà hay’. Cậu mợ sống như vậy nên tạo thói quen cho con cái. Con của cậu mợ cũng rất lười, chỉ nhăm nhăm xin xỏ, nhờ vả.

Tôi có căn nhà để không, họ xin ở tạm để tìm nhà thuê dần. Ấy vậy mà họ ở luôn tận ba năm. Tôi phải nhờ bạn đóng giả khách tới mua nhà, họ mới chịu dọn đi. Thấy tội nên tôi tìm một căn nhà giá rẻ, kêu họ mua trả góp để có chỗ ở nhưng vẫn từ chối. Họ thà bỏ mỗi tháng bốn triệu tiền thuê nhà, còn hơn phải làm thêm để kiếm tám triệu trả góp ngân hàng.

Cuộc sống với những gia đình đồng con nhưng lười biếng là như vậy. Mẹ chồng tôi và các dì cũng chỉ biết chấp nhận việc chu cấp, quyên góp cho cậu, coi đó như một phần trách nhiệm của mình. Còn tôi cố rằng ít giao du với những người họ hàng này, để khỏi bị ảnh hưởng bởi năng lượng không tích cực”.

>> Chúng tôi muốn sinh một con dù thu nhập 70 triệu đồng

Không ủng hộ tư tưởng ‘sinh con cho có anh, có em’, độc giả Liên Hà bày tỏ: “Sinh bao nhiêu con là tùy mỗi người. Nhưng sinh vô tội vạ và suy nghĩ sinh con với mục đích nương tựa tuổi già là rất tàn nhẫn. Vì đứa trẻ không có được lựa chọn, mà chỉ có người sinh ra chúng có cái quyền đấy. Vậy ngay lúc sinh con, bạn đã chính là người lựa chọn cuộc sống cho chúng rồi. Tôi nghĩ nếu đã quyết định làm bố mẹ thì trước hết chúng ta phải có trách nhiệm với chính bản thân mình và với các con. Từ đó, bạn mới có thế mới quyết định được xem có nên sinh con không và sinh bao nhiêu đứa? Chứ như quan niệm thời xưa sinh nhiều nhưng không đủ khả năng nuôi nấng đàng hoàng, thì con cái hoặc cả gia đình cùng khổ.

Như nhà chồng tôi có ba anh chị em, chồng là con trai duy nhất, nên sinh ra đã mang trọng trách gánh vác gia đình. Cũng may, vợ chồng tôi chịu khó nên cũng dư dả. Nhưng chính vì thế bố mẹ chồng luôn coi chúng tôi phải có trách nhiệm giúp chị và em gái. Kể cả trách nhiệm nuôi bố mẹ chồng cũng đương nhiên thuộc về vợ chồng tôi, hai chị em gái chồng chỉ có trách nhiệm giám sát. Cũng vì vậy, vợ chồng tôi chỉ dám sinh hai con.

Chị chồng than nghèo, suốt ngày xin trợ cấp từ em trai, nhưng vẫn tìm cachs chữa trị để cố sinh thêm đứa thứ hai. Em gái chồng lấy con thứ, kinh tế khá giả, bố mẹ chồng đều mất sớm, kêu ‘còn trẻ khỏe thì sinh thêm đứa nữa cho vui cửa, vui nhà’. Nhưng khi mẹ đẻ (mẹ chồng tôi) nằm liệt hơn hai năm nay, cô không buồn về thăm, vì không bận làm ăn, thì cũng phải lo chăm con. Vậy nên, tôi thấy quan điểm sinh nhiều con cho có anh, có em và để chăm lo cho bố mẹ khi về già là hoàn toàn sai lầm”.

Độc giả Thanh Hà kết luận về chuyện vợ chồng vẫn phải chăm lo cho hai đứa em đã 30, 35 tuổi: “Cho nên, ai cũng phải tự có trách nhiệm với cuộc sống của mình. Làm cha mẹ, thấy không đủ khả năng thì tốt nhất đừng đẻ lắm để rồi bắt đứa lớn nuôi đứa nhỏ. Làm con cái, sinh ra trong gia đình nghèo, cũng phải tự cố gắng bươn chải, đừng lười biếng, dựa dẫm anh chị. Họ còn có gia đình riêng, con cái phải nuôi. Lớn rồi còn đòi tiền huynh trưởng là tàn nhẫn”.

Lê Phạm tổng hợp

>> Các ý kiến không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.

Bình luận

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *