Giảng viên cầm máy khoan đi làm giàu

Trong khi các đồng nghiệp ăn mặc chỉnh tề, lên trường dự mít tinh ngày nhà giáo Việt Nam, tôi cầm máy khoan, máy cắt, đứng tìm khách sửa nhà.

Tôi sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần nông nghèo khó ở đồng bằng sông Hồng. Ngay từ bé, tôi đã quyết tâm phải học thật giỏi để thoát cảnh làm nông “chân lấm, tay bùn”. Tôi học giỏi từ nhỏ và đã đỗ vào một trường đại học danh tiếng ở Hà Nội với số điểm cao chót vót. Sau 5 năm đại học với nhiều thành tích nội bật, tôi khá tự tin mình có thể kiếm được nhiều tiền và làm giàu nhanh chóng.

Năm 2010, sau khi ra trường, tôi được nhận làm giảng viên tại một trường đại học lớn ở Hà Nội. Đó không chỉ là niềm ao ước của tôi mà còn là niềm tự hào của cả gia đình, dòng họ. Chỉ có điều, lương tháng của tôi rất thấp. Trong khi bạn bè cùng lớp ngay khi ra trường đi làm, lương đã trên dưới 10 triệu đồng một tháng, tôi chấp nhận mức lương chỉ bằng 1/3 của họ. Tôi vẫn quyết tâm với nghề, công việc của tôi là đọc sách, nghiên cứu tài liệu giáo án bài giảng và lên đứng lớp giảng dạy trước hàng trăm sinh viên mỗi ngày.

Năm 2011, tôi kết hôn và sớm có em bé, cuộc sống hai vợ chồng chỉ trông chờ vào mức lương hơn bốn triệu một tháng của tôi nên gặp rất nhiều khó khăn. Tôi cứ trăn trở với suy nghĩ làm thế nào để kiếm ra tiền, để vợ con mình đỡ khổ? Nhưng gần như đó là nhiệm vụ bất khả thi với một anh giáo nghèo như tôi. Nghề giảng viên đại học của tôi có nhiều thời gian rảnh dỗi, nhưng ngoài việc đọc sách ra thì tôi cũng chẳng biết làm gì, vì thực tế và lý thuyết cách xa nhau nhiều quá.

>> 5 năm đi làm lương 10 triệu đồng, tôi du học Pháp

Bước ngoặt cuộc đời tôi xảy đến vào năm 2015, tôi có người anh trai làm việc bên Nhật Bản, gửi tiền về nhờ tôi mua giúp một căn chung cư ở Linh Đàm. Anh nhờ tôi hoàn thiện nốt một số hạng mục nhỏ để vợ con anh có thể về ở được ngay. Giữa biển người lúc bàn giao nhà, tôi nghe thấy câu nói quen thuộc: “Em chào thầy”. Hóa ra là người học trò hệ liên thông của tôi, em giới thiệu chuyên làm cải tạo sửa chữa ở chung cư này. Vừa khéo tôi đang cần làm mấy hạng mục đó và em đã giúp tôi một cách rất nhanh chóng.

Sau hôm đó, tôi về nhà và cứ suy nghĩ mãi về cách người học trò đó làm việc: chỉ cần vài cuộc điện thoại, một lúc sau thợ đã có mặt, làm một loáng là xong, công việc khá đơn giản nhẹ nhàng mà tôi còn nhẩm tính ra được chỉ có vài ngày đã kiếm bạc triệu dễ dàng. Sáng hôm sau, tôi gọi điện mời người học trò đi uống cà phê để cảm ơn, thực chất là tôi muốn tìm hiểu về cách thức làm việc của em.

Rất may, cậu bạn ấy không giấu nghề mà trả lời rất rõ ràng, cặn kẽ, thậm chí còn liệt kê hết các đầu việc cần phải làm từ lúc nhận nhà đến lúc chủ nhà có thể về ở được. Em còn giải thích chi tiết về kỹ thuật, cho số điện thoại các tổ đội thầu phụ, giá gốc của từng nơi, giá báo khách hàng và lợi nhuận của mình… Tôi “nuốt” từng câu chữ như người học trò đang nghe thầy giáo giảng bài vậy. Thật may mắn, tôi giảng dạy chuyên ngành xây dựng, nên các kiến thức này chỉ cần tìm hiểu một chút là nắm rõ được.

Nhưng một vấn đề lớn là tôi chẳng quen biết ai trong nghề, làm sao mà nhận được việc để làm, trong khi kiến thức còn non trẻ, kinh nghiệm lại không có, tôi biết làm thế nào để tìm được khách hàng? Nhưng tôi đã hạ quyết tâm bằng mọi giá phải lập nghiệp bằng con đường này.

>> U30 gánh nợ tiền tỷ

Tôi nhớ như in cái ngày 20/11/2015, ngày Hiến chương các nhà giáo Việt Nam, trùng với ngày bàn giao một tòa chung cư ở Linh Đàm. Tất cả các đồng nghiệp của tôi đều ăn mặc chỉnh tề, lên trường dự mít tinh để tri ân ngày nhà giáo Việt Nam. Tôi suy nghĩ, nếu cứ mãi ôm hư vinh, chúc tụng nhau, trong khi túi rỗng tuếch, thì chỉ có vợ con mình khổ, nên đã hạ quyết tâm bỏ buổi mít tinh để tới chỗ bàn giao nhà tìm khách hàng.

Tôi mặc bộ đồ bảo hộ lao động, một tay cầm máy đục, một tay cầm máy cắt đứng ở giữa sảnh hỏi xem ai có nhu cầu làm gì thì tôi sẽ nhận việc. Thực sự, lúc đó, tôi rất xấu hổ, đường đường là một giảng viên đại học có tiếng, đứng trước hàng trăm sinh viên, có thể nói là “hô mưa, gọi gió” trong mắt chúng, nhưng ở đây, tôi chỉ là một thằng “cu ly” chính hiệu, một người lao động chân tay lếch thếch đứng giữa sảnh tòa nhà mà chẳng ai thèm quan tâm.

Đứng mãi rồi cũng có người tới nhờ tôi đục cho cái lỗ thông gió, người khác nhờ tôi cắt cho cái song cửa sổ, lại có người nhờ lắp cho mấy cái bóng điện… nói chung toàn là mấy việc lặt vặt, nhưng tôi không nề hà bất kỳ công việc gì. Từ các việc nhỏ, dần dà, tôi nhận được những việc lớn hơn như cải tạo điện khu bếp, ốp gạch ban công, xây tường…

Giai đoạn đầu, tôi tự làm tối đa tất cả những việc có thể, chỉ thuê thợ ngoài các việc mình không làm được. Ngày nào tôi cũng bước ra khỏi nhà lúc 6h và về nhà lúc 23h, tắm rửa và ăn uống xong là 0 giờ. Tôi về nhà lúc vợ con đã ngủ say, và sáng hôm sau đi làm lúc họ còn chưa ngủ dậy.

>> Mất hai căn nhà vì ham làm giàu cấp tốc

Có những hôm, tôi nhận được việc đục gạch ốp tường nhà vệ sinh để ốp lại, tôi mặc áo cộc tay, khi đục, các miếng gạch ốp sắc nhọn bắn ra làm tôi bị chảy máu đầm đìa. Về nhà, vợ phát hiện ra, vừa ôm tay tôi vừa khóc, nói tôi “sao anh phải khổ như vậy?”. Tôi trả lời rằng “nhất định phải lập nghiệp theo con đường này, để sau này khi vợ chồng mình ốm đau hay đi chơi, hệ thống công ty vẫn đều đặn kiếm tiền về cho bản thân”.

Cũng may là tôi có một số bạn bè đang mua nhà và cần sửa chữa, thỉnh thoảng cũng gặp được các học trò cũ (hệ liên thông) làm ở các ban quản lý tòa nhà nên họ cũng giúp tôi khá nhiều. Từng bước, tôi tuyển thêm nhân viên, chính là các bạn sinh viên năm cuối của tôi, họ đều là các sinh viên giỏi, ngoan ngoãn và có chí tiến thủ, nên tôi nhàn hơn khá nhiều. Kiến thức và kinh nghiệm của tôi ngày càng vững vàng, giúp tôi được khách hàng tin tưởng và giới thiệu thêm nhiều người quen, việc tôi làm không hết.

Sẵn làm giảng viên nên tôi nắm rất rõ các chỉ số kỹ thuật, đội ngũ nhân viên kỹ thuật đều là học trò xuất sắc của tôi nên nên khách hàng rất hài lòng. Năm 2016, tôi chính thức lập công ty và điều hành hàng chục nhân viên. Công ty tôi làm ăn ngày càng khấm khá, giúp tôi mua được nhà, cuộc sống cũng dư dả hơn. Nhưng quan điểm của tôi là phải chia trứng làm nhiều giỏ, phải có nhiều nguồn thu để mảng này yếu còn có mảng kia hỗ trợ.

>> Thu nhập 200 triệu mỗi tháng ở tuổi 27

Năm 2018, tôi cùng một người bạn làm mô hình mua đất nền thửa to rồi chia nhỏ ra xây nhà và bán cho người có thu nhập thấp. Mô hình của tôi nhanh chóng thành công, vì bán rẻ hơn so với thị trường nên nhà của tôi bán rất nhanh, có căn chỉ mới làm móng đã bán được, có căn chỉ đang xây thô, nên vòng vốn quay rất nhanh. Sau hai năm, tôi đã có trong tay 5-6 mảnh đất và nhà cửa đàng hoàng trong khu đô thị.

Mảng cải tạo sửa chữa của tôi vẫn chạy đều đều với gần 20 nhân viên. Đợt dịch này, công việc của tôi cũng bị ảnh hưởng nặng nề, nhưng tôi vẫn tự tin đứng vững và phục hồi lại sau dịch. Hiện tại, tôi vẫn là giảng viên và đều đặn nhận lương cứng, nên dù giãn cách xã hội, tôi vẫn đủ tiền mua gạo để duy trì cuộc sống.

Tôi vẫn luôn thầm cảm ơn người học trò cũ năm nào đã dạy cho tôi các kiến thức quý báu khi bắt đầu vào nghề. Tôi cũng không bao giờ quên được cái ngày tôi dám vứt bỏ cái tôi lớn của một giảng viên để trở thành người lao động chân tay. Tôi nghĩ cơ hội chỉ đến vài lần trong đời và mình phải nắm lấy bằng mọi giá, giống như cơ duyên gặp được người học trò kia vậy. Nếu không có cơ hội ấy thì có lẽ giờ này tôi vẫn là con “mọt sách” với mức lương 7-8 triệu đồng một tháng và đang ở nhà trọ.

Mai Văn Chiến

>> Bạn đã vượt qua khó khăn để định hướng, thay đổi cuộc đời như thế nào?Gửi bài tại đây.

Bình luận

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *