Khi vợ mua ma tuý hãm hại chồng như trong phim

Người vợ 37 tuổi đã mua ma tuý hãm hại chồng sau khi xem đoạn phim trên mạng.

Những năm gần đây, các nhà làm phim truyền hình, webdrama đã khai thác khá nhiều đề tài về những nhân vật giang hồ cộm cán hay những ông trùm “có năng lực phán xử”. Sự đón nhận của người xem với những bộ phim này được thể hiện bằng con số triệu view, lượng rating cao và được nhiều người bàn tán.

Việc giang hồ làm phim hay các nghệ sĩ làm webdrama nói về cuộc sống của những tay anh chị dần thoái trào do nhận nhiều chỉ trích của công chúng lẫn các cơ quan quản lý văn hoá.

Tuy nhiên có một vấn đề khiến tôi băn khoăn là liệu chúng ta có thể nói người xem bị phim ảnh tác động, khiến tỷ lệ tội phạm xã hội đen tăng lên hay không? Đó chỉ là hiện tượng ngẫu nhiên trùng hợp hay là mối quan hệ nhân quả? Đây có lẽ là những vấn đề còn tiếp tục gây tranh luận nếu còn có người đặt vấn đề. Vậy nên tôi sẽ góp một số ý kiến của cá nhân về việc này.

>> Lời thoại phim Việt: ‘Giang hồ nói chuyện như nhà văn’

Câu hỏi tác động của phim ảnh, sách truyện đến với nhận thức của người xem đã được đặt ra từ lâu. Có thể dẫn chứng một số việc như cuốn tiểu thuyết Tội ác và sự trừng phạt của văn hào người Nga Dostoyevsky từng bị từ chối phát hành vì lý do ấu trĩ là sợ thanh niên sẽ bắt chước Raskolnikov (nhân vật chính trong tiểu thuyết) đi hãm hại người. Hay như một số nước gọi những quyển truyện tranh dành cho thiếu niên Thám tử lừng danh Conan là “giáo trình của tội phạm”…

Hay chỉ trong mấy ngày gần đây, có hai việc liên tiếp xảy ra mà tôi thấy khá thú vị. Đó là: “Trong cuộc họp góp ý Luật Điện ảnh (sửa đổi) sáng 14/9, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh, thiếu tướng Lê Tấn Tới đề nghị Ban soạn thảo bổ sung quy định cấm phim có tình tiết cổ xúy cho hành vi vi phạm pháp luật như: phạm tội nhưng không bị xử lý; phản ánh quá chân thực, chi tiết về sự tự chuyển biến, tự chuyển hóa, làm người xem nhận thức sai và có thể bắt chước, làm theo.

Ông lấy ví dụ: “Mới đây VTV1 chiếu phim Người phán xử, sau khi chiếu bộ phim đó, tình hình các băng ổ nhóm tội phạm, xã hội đen xảy ra rất nhiều. Phim chiếu trên giờ vàng, ai chịu trách nhiệm về vấn đề này?”.

Và việc một người vợ mua ma tuý về hãm hại chồng: Người phụ nữ 37 tuổi ở Đắk Lắk đã mua ma tuý về pha trong nước chanh và giấu trong cốp xe, sau đó báo cảnh sát. Sau khi người chồng kiên quyết phủ nhận việc tàng trữ, sử dụng ma tuý, người vợ mới khai chính mình là người hãm hại và cho biết từng xem một tình tiết y hệt từ một đoạn phim trên Youtube và nảy sinh ý tưởng nên đã thực hiện như trên.

Theo tôi, việc người vợ mua ma tuý hãm hại chồng là kết quả của nhiều chuỗi nguyên nhân liên tiếp nhau: ly dị, quay lại chung sống, liên tục xảy ra mâu thuẫn, bị đánh… Từ đó nảy sinh ra ý định sẽ trả thù và không cách này thì cách khác, đoạn phim mà chị ta xem chỉ có thể là trùng hợp và ngẫu nhiên mà thôi.

Có những lát cắt ngoài đời sống có thể cho ta thấy rõ tác động của phim ảnh lên người xem là có thật. Tuy nhiên, việc nhìn nhận mối quan hệ nhân quả và đi đến kết luận cần phải bỏ công đầu tư khảo sát, nghiên cứu bằng phương pháp xã hội học thì mới đưa ra kết luận khách quan nhất.

Khi đề xuất, góp ý cho một bộ luật và đề nghị cấm, hạn chế những điều gì thì cần phải được nghiên cứu kỹ càng, sâu rộng nhất có thể. Bởi kéo theo đó là sự ảnh hưởng và tác động lớn đến nhiều người khác, mà cụ thể ở đây là giới làm phim.

Nhất Nhất

>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.

Bình luận

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *