‘Con tôi học giảm tải từ sáng đến đêm’

‘Nói giảm tải chương trình nhưng thực tế chỉ là giảm số tiết lên lớp của giáo viên, trong khi học sinh phải tự học nhiều hơn để bù lại’.

Giảm hay tăng tải cho học sinh trong hoàn cảnh dịch bệnh bùng phát?” là câu hỏi tưởng chừng rất đơn giản nhưng lại đang khiến nhiều người phải đau đầu tìm đáp án. Vấn đề là dù số tiết học được yêu cầu rút bớt ở năm học này với lý do “thời khóa biểu online cần thu gọn” để đáp ứng tối đa đặc thù của phương pháp dạy, học trực tuyến, nhưng thực thế, khung chương trình, số lượng bài, phạm vi kiến thức vẫn giữ nguyên như cũ. Điều đó đồng nghĩa với việc, khối lượng công việc của giáo viên giảm bớt nhưng áp lực tự học của học sinh lại tăng lên.

Độc giả Phuong Le cho rằng, điều này tạo ra nhiều bất cập và gây khó cho học sinh: “Con tôi học lớp 9, sang năm lên lớp 10. Từ quan sát thực tế, tôi nhận thấy, mặc dù Bộ Giáo dục & Đào tạo có nói ‘giảm tải’, nhưng các con vẫn phải học rất nhiều. Buổi sáng, con phải học đủ cả năm tiết các môn chính, đến chiều lại phải ôn các môn có thể thi. Nói chung, lịch học rất nặng, khiến con mệt mỏi, trong khi hiện nay học sinh phải ở nhà giãn cách (tôi ở Hà Nội). Tôi có cảm giác các con đang phải chạy đua với lịch học của Bộ để hoàn thành cho xong chương trình”.

>> Vật lộn với Toán cấp ba vì ‘những kiến thức thừa’

Lấy ví dụ từ những kinh nghiệm của bản thân, nhiều ý kiến chỉ ra hiệu quả của giảm tải giáo dục thực chất:

Độc giả Huugtvt chia sẻ: “Thế hệ chúng tôi khoảng cuối 7X, đầu 8X, hầu như mọi đứa trẻ ở nông thôn đều có thể sáng đi học, chiều về ôn bài trên lưng trâu, vì khi đó chương trình sách giáo khoa gọn nhẹ. Trong khi ngày nay, kiến thức quá phức tạp, con tôi mới lớp 1 mà hôm nào đi học cũng phải đeo cái cặp nặng trĩu vai với quá nhiều môn học, quá nhiều loại sách vở. Trong khi đó, kiến thức khoa học cơ bản của nhân loại thì gần như không thay đổi”.

Bạn đọc Cao Minh bổ sung thêm: “Thế hệ 8X siêng năng và sáng tạo hơn cũng là nhờ chương trình phổ thông nhẹ và gọn. Bắt đầu từ 9X, số đông các em đã bị quá tải và trở nên ù lỳ, chán học, lười tư duy và mất phương hướng. Tụi nhỏ sau này giỏi làm những việc ăn xổi như YouTuber hay shipper, chứ những công việc khó đều dịch chuyển về Ấn Độ, Trung Quốc và các nước khác. Chương trình mới ngày càng nặng và lắm lỗi, nhân lực lại không phù hợp và nặng tải lên chính giáo viên chứ không chỉ học sinh”.

>> Con học nhẹ tênh vì không áp lực điểm số

Đó cũng là quan điểm của độc giả Le Na : “Tôi thuộc thế hệ đầu 7X. Trong quá trình đi học cấp ba, chúng tôi vẫn có thời gian học nhóm, đi dạy kèm cho những bạn học yếu trong lớp, cuối tuần cả nhóm còn đi dã ngoại xả stress. Trong khi đó, con gái tôi bây giờ học không có thời gian nghỉ. Đi học về là con bắt đầu học các môn, chuẩn bị bài ngày mai, có hôm đến 12 giờ đêm. Chủ nhật, tôi cũng không dám cho con đi xả stress vì còn quá nhiều bài cần học. Trong đầu bé giờ lúc nào cũng chỉ có học và học”.

Không thể phủ nhận, ngành giáo dục nhiều năm nay cũng liên tục đổi mới, từ thang đánh giá thành tích, sách giáo khoa, đến chế độ thi cử… Tuy nhiên, bộ khung chương trình vốn rất nhiều bài, quá nặng kiến thức, thiên nhiều về lý thuyết, ít ứng dụng thực tế và thiếu kỹ năng sống… vẫn bao năm qua không đổi, đặc biệt là khi dịch bệnh kéo dài từ năm học 2019-2020 đến nay. Lý do là nếu cắt bớt số lượng bài, thu gọn phạm vi kiến thức sẽ ảnh hưởng lớn đến khung chương trình đã chạy ổn định nhiều năm nay của Bộ, ảnh hưởng đến những kỳ thi quan trọng như thi vào cấp ba, thi đại học.

Tuy nhiên, độc giả Loc Trinh cho rằng, khó không có nghĩa là không làm: “Thực ra, tôi nghĩ rằng, gia đình, thầy cô và Bộ Giáo dục vẫn đang giữ nguyên cách suy nghĩ cũ. Nghĩa là, chúng ta vẫn đòi hỏi tất cả các học sinh phải hiểu hết mọi nội dung trong sách giáo khoa. Vì thế, khi bóp chỗ này, đương nhiên nó sẽ phải phình chỗ khác. Tại sao chúng ta lại không tin tưởng vào khả năng tự học của học sinh? Tại sao chúng ta lại không quyết tâm theo đuổi triết lý giáo dục khai phóng? Nếu chúng ta vẫn cứ mãi nghĩ đến ‘tải’ thì sẽ không có cách nào ‘giảm’ được nó cả. Vậy nên, cái cần thay đổi trước tiên chính là cái triết lý giáo dục của nước nhà”.

>> ‘Giao bài tập về nhà là đẩy trách nhiệm cho học sinh, phụ huynh’

“Giảm tải hiện nay là chủ yếu dành cho giáo viên để sớm kết thúc chương trình dạy (bỏ đi các phần không cần thiết phải dạy trên sách giáo khoa…). Tuy nhiên, đó mới chỉ là một nửa của vấn đề. Học sinh ngày nay vẫn đang phải học nguyên cuốn sách đó, chứ không có sự giảm tải. Như vậy khác này chúng ta đang đẩy trách nhiệm sang cho gia đình và học sinh?”, bạn đọc Chém gió nói thêm.

“Giảm tải” chứ không phải “giảm tiết” là bài toán đặt ra cho ngành giáo dục lúc này:

Thành Lê tổng hợp

>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.

Bình luận

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *