Né xe máy trên vỉa hè

Vỉa hè của người Việt là không gian mở rộng của ngôi nhà, nơi bám đường để kiếm kế sinh nhai, và trưng dụng cho bất kỳ mục đích gì.

“Tránh đường! Tránh đường!”… Tôi hết hồn, dạt mình vào cây cột điện cạnh bên để né chiếc xe đang phóng tới từ phía sau khi tiếng la hét to dần. Tôi đang đi bộ dưới lòng đường vì con đường này không có vỉa hè. Chắc sẽ có nhiều người thắc mắc “tại sao lại nhắc tới vỉa hè vào lúc dịch này? Đang dịch còn lo chưa xong!”. Tôi nghĩ rằng, với tình hình giãn cách xã hội đang hiện hữu thì đây là thời điểm thích hợp nhất để chúng ta tự nhìn ngắm lại hình dáng thật sự về cái hè phố ngay trước cửa nhà khi chúng không bị trải lên những xô bồ thường nhật.

Quay lại câu chuyện, tình huống né xe ở trên diễn ra không phải quá thường xuyên, do khu nhà tôi ở cũng có cái gọi là “vỉa hè”. Thật ra là do nhà nhà lấn hè, không đặt chậu bông, ghế đá, hàng quán thì cũng là nâng vỉa theo ý thích để xe chạy được vào nhà, vì vậy cái “vỉa hè” ấy nhấp nhô như hào chiến sự. Dẫu là xe máy địa hình muốn chạy thẳng cũng khó, thế nên người đi bộ có thể phần nào rảo bước ở những đoạn có thể đặt chân lên. Nhưng nhiều đoạn đường khác không được như thế, khi vỉa hè biến mất còn người đi bộ bắt buộc phải chung đường với những con ngựa sắt.

Điều này trái ngược hoàn toàn với những con đường ở Âu châu. Vỉa hè nơi ấy phẳng lỳ và không một cọng rác. Học sinh có thể thoải mái vừa đi vừa tán gẫu với bạn bè, cha mẹ có thể ung dung đẩy đưa xe nôi cho con mình, người già thì lững thững tản bộ dưới tán cây xanh. Nơi ấy, người chỉ cần để ý người, không cần tránh xe hay bất kỳ vật cản nào khác. Vỉa hè không chỉ là lối đi bộ, đó còn là một phần không thể tách rời trong không gian sống và phát triển của cả cộng đồng. Đây có lẽ chính là thứ mà tôi nhớ nhất, chính là cái cảm giác an nhiên tự tại mà hè phố của châu Âu mang lại. Tất nhiên, ai cũng hiểu cái vỉa hè chất lượng ấy chính là thứ đi kèm mức sống cao của họ.

Ở Việt Nam, có lẽ ngoài những khu nhà dự án trung cao cấp ra, bản thân khái niệm “vỉa hè” hầu như không tồn tại. Vỉa hè ở nước ta chỉ là cái phần ven đường, chưa phải là chỗ bộ hành và càng không phải là không gian sống của cộng đồng. Vỉa hè trong ý thức của dân ta là không gian mở rộng của cái diện tích nhà, là nơi bám đường để kiếm kế sinh nhai, và là cái nơi bị trưng dụng cho bất kỳ mục đích gì.

>> Tôi từ bỏ hoàn toàn sở thích đi bộ sau khi trở về Việt Nam

Sài Gòn, Hà Nội đất chật người đông, tấc đất ăn vài ba tấc vàng. Ở những nơi như thế thì tốt nhất là cứ phân lô bán nền được càng nhiều càng tốt. Thế là người ta chia đất để đường sát mép nhà, thậm chí không có cái gọi là vỉa hè, có chăng chỉ là cái dốc lấn đường để dắt xe lên xuống. “Đường thông thoáng”, “đường ôtô chạy”… trên các trang giao dịch bất động sản là những mỹ từ phủ lên những con hẻm với đường xe chạy cắt ngay trước thềm nhà, vừa mở cửa là xe và khói bụi chà xát da mặt.

Đi được một đoạn thì ra những con đường lớn hơn, nơi “một phần bên đường” được dân ta tận dụng để đưa xe kéo gánh. Nền “kinh tế vỉa hè” có lẽ là một khái niệm không quá xa lạ với nhiều người. Nó gắn liền với những gánh hàng rong, những tiệm tạp hóa dính sát làn xe gắn máy, nhằm tạo cơ hội tốt nhất cho những người đi xe máy có thể tạt và đỗ ở bất kỳ chỗ nào họ muốn. Kinh tế vỉa hè gần như đã thành một bức tranh thường nhật, nơi mà người bán và người mua cùng đứng ngồi ngổn ngang bên những động cơ xe còn đẫm hơi xăng, bên những trụ điện dây rợ loằng ngoằng cạnh những đống rác âm ẩm rỉ nước.

Quy hoạch thế nào thì cứ quy hoạch, thực tế thì không còn là cái vỉa hè nào nữa, mà là một khu ven đường – nơi những ai có thể thì cứ hết sức tận dụng. Trách sao được, khi vỉa hè và xe máy còn là kế sinh nhai của một bộ phận, nếu không nói là đông đảo người dân. Nhưng người đi bộ cũng là dân, các em học sinh, cụ già hoặc những người đang không rồ ga với vận tốc 30 km/h cũng là dân. Thế thì họ xuất hiện ở đâu trong bức tranh ấy?

Có lẽ chỉ trong các khu đô thị trung, cao cấp, với đường sá cùng tiện ích nội khu thì ta có thể thấy hình bóng họ bước đi ung dung dưới tán cây xanh. Còn ở các khu dân sinh hiện hữu, thì so với 500 năm trước, cũng chẳng khác nhau là bao, đều là “người đi ngựa” chạy hòa lẫn vào nhau, ít ra ở đó thì đường cũng thẳng. Người xưa né “ngựa thịt”, người nay né “ngựa sắt” vậy!

>> ‘Tôi không dám dắt con đi bộ tới lớp dù nhà cách trường chưa đầy một km’

Đường sá ở Việt Nam cả trong quá khứ lẫn hiện tại đa phần mang tính kết nối giao thông nói chung, chưa hề mang tính phục vụ người bộ hành. Một vỉa hè an toàn có lẽ chưa thể tồn tại nếu nó ảnh hưởng đến quyền được mưu sinh. Có lẽ sẽ chẳng bao giờ có giải pháp nhanh chóng cho vấn đề vỉa hè này. Không thể cấm hàng rong, cũng chưa thể cấm xe máy. Càng không thể ngày một ngày hai đập bỏ những ngôi nhà ống ba bốn tấm xây sát tim lộ, chỉ để tạo một cái vỉa hè cho người đi bộ.

Tôi, và có lẽ là bất cứ ai trong chúng ta, chắc đều thèm một cảm giác nhìn ra cửa sổ là bóng cây xanh ven đường, con cháu có thể tung tăng nhảy chân sáo đi học với bạn bè trên vỉa hè mà không lo sợ xe đụng, bố mẹ già có thể dắt tay nhau thoải mái đi bộ đến siêu thị gần nhà… Thế nhưng, những điều đó chỉ tồn tại khi khái niệm không gian an toàn và phù hợp để sống và phát triển có tồn tại trong ý thức của của đại bộ phận người dân. Còn thực trạng hiện nay, là khi cái bụng đã lên tiếng thì lý thức phải lặng im.

Có lẽ, chỉ có thể mong cầu phú quý sinh lễ nghĩa. Khi mức sống cùng ý thức của đại bộ phận người dân cùng khá lên sau nhiều thế hệ thì chúng ta mới cùng để tâm tạo ra một không gian sống và phát triển cơ bản tốt trong cộng đồng mình. Nhưng bây giờ, điều chúng ta có thể làm là chỉ cần nhìn ra ngoài cửa nhà, để tự nhận ra thực trạng mà mình đã quên.

Huy Hùng

>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.

Bình luận

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *