Học online kiểu ‘ăn cháo bằng đũa’

Hai con và một cháu của tôi lẫn giáo viên rất mệt mỏi vì cách dạy online giống như trực tiếp trên lớp.

Từ đầu tháng 9 tới nay, mọi nhà đã rất quen thuộc với hình ảnh các cháu học sinh cắm cúi nhìn màn hình máy tính, điện thoại để nghe thầy cô giảng bài. Ẩn sau hình ảnh ấy là nỗ lực to lớn của thầy lẫn trò, nó bắt mọi người phải thức khuya dậy sớm hơn để giáo viên chuẩn bị bài, học trò lo “lên lớp”.

Guồng hoạt động cuồn cuộn này đã cuốn theo rất nhiều công sức của con người và tài nguyên không gian mạng của đất nước.

Nhà tôi có hai con và một cháu độ tuổi đến trường. Để ý giờ học thực tế tôi thấy rất nhiều bất cập trong hình thức dạy và học online. Tôi dần thấy được sự mệt mỏi, căng thẳng thậm chí suy kiệt của thầy và trò sau một tuần liên tục online.

Thầy và trò đều đuối sức, các cháu học sinh phải nhìn chăm chú vào màn hình máy tính thời gian dài thực sự là cực hình (học trên điện thoại còn cực khổ hơn). Học sinh phải đeo tai nghe thời gian dài sẽ ảnh hưởng thính giác. Thầy cô thì phải ngày đêm soạn bài, số hóa tài liệu không được nghỉ ngơi.

Giờ học sớm, 7h00 sáng hay chiều 12h45 các cháu đã phải ngồi vào bàn học. Với khung thời gian, học sinh nhỏ tuổi chưa thể thích ứng, tinh thần không sáng suốt tỉnh táo để tiếp thu.

>> Cả lớp chỉ mình con tôi không học online

Do phải chăm chú vào màn hình thời gian dài, đa phần các cháu bị mệt mỏi, căng thẳng, kiệt sức. Do vậy kết quả học tập chắc chắn không được như mong đợi. Thầy cô không có thời gian nghỉ ngơi đầy đủ, sẽ dẫn đến căng thẳng, đôi khi nóng nảy trong ứng xử.

Nhân cơ hội này, các trường có thể thay đổi tư duy từ truyền thụ một chiều sang hình thức giáo viên hướng dẫn, học sinh tự tìm tòi nghiên cứu, dành nhiều thời gian đọc hiểu chắt lọc để hoàn thành kết quả mục tiêu.

Về cách thức truyền đạt, cách dạy online hiện nay giống như dạy trực tiếp trên lớp, tốn thời gian và không hiệu quả. Dạy học online hiện nay giống như “ăn cháo loãng bằng đũa”, cách thức không phù hợp.

Những môn cần online là Ngoại ngữ, Toán, Lý, Hóa, Công nghệ, Tin học. Vì chúng tương đối trừu tượng, cần sự diễn giải hoặc thị phạm chi tiết của giáo viên. Đối với các môn mang tính chất nghiên cứu tại liệu, có thể tự đọc sách giáo khoa như: Sử, Địa, GDCD… có thể để học sinh tự học tại nhà. Mỗi tuần, giáo viên sẽ dạy online khoảng 10-15 phút để giải thích các vấn đề khó hiểu.

>> Giáo viên và học sinh chưa sẵn sàng online

Thầy cô sẽ hướng dẫn cho học sinh cần phải xoáy sâu vào những điểm chính nào, giao cho học sinh tự đọc bài nào, tham khảo tài liệu nào. Cuối tuần học sinh nộp bài thu hoạch theo chủ đề yêu cầu của giáo viên.

Tôi nghĩ nên điều chỉnh càng sớm càng tốt các vấn đề như giờ học bắt đầu muộn hơn, thời lượng dạy online ngắn hơn 10~15 phút một môn (với những môn tự đọc tài liệu), giảm tải, giảm áp lực chương trình. Như vậy sẽ giúp cả thầy và trò thoải mái hơn khi dạy và học online.

Tùng Nguyễn Mạnh

>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.

Bình luận

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *