Nhân viên ngân hàng mất việc

Vừa kết thúc 21 ngày cách ly tập trung sau khi bị nhiễm Covid-19, đồng nghiệp của tôi nhận được email báo không tái ký hợp đồng.

Cô đồng nghiệp của tôi, làm việc tại một ngân hàng ở Quận 1, TP HCM. Sau khi kết thúc thời gian cách ly 21 ngày theo quy định (kể từ 1/6) tại khu cách ly tập trung ở KTX Đại học Quốc Gia TP HCM và được ra viện, lẽ ra đó phải là điều vui mừng khôn xiết với cô. Nhưng trớ trêu thay, vui được bao lâu, ngày 8/7, cô nhận được email từ phòng nhân sự của ngân hàng, với nội dung “không tái ký hợp đồng”.

>> Nhân viên ngân hàng ba lần khởi nghiệp

Cô vốn là một nhân viên xuất sắc, luôn hoàn thành các chỉ tiêu theo quy định, thậm chí đạt được kết quả vượt trội hơn các đồng nghiệp trong phòng. Ấy vậy mà, giờ đây, cô bị đẩy vào tình huống ngặt nghèo, éo le vì mất việc.

Tôi có thời gian công tác ngành ngân hàng hơn 10 năm, kinh qua các phòng ban như Tín dụng và Xử lý nợ xấu… và hiện tại vẫn còn công tác tại một ngân hàng có trụ sở tại TP HCM. Vào một ngày cuối tuần của tháng 9, tôi nhận được cuộc điện thoại từ một người đồng nghiệp, cho biết đã hơn một tháng qua phải ăn ở, làm việc tại chi nhánh Quận 1 theo quy định “3 tại chỗ”. Bạn báo rằng mình đã bị nhiễm Covid-19, không chỉ bản thân mà trong gia đình cũng có đến ba thành viên bị dương tính.

Công việc hàng ngày của bạn vốn phải đối diện với nguy hiểm thường trực khi phải tiếp xúc trực tiếp với rất nhiều khách hàng trong một ngày đến giao dịch, phải xử lý hàng trăm giao dịch trong một ngày qua hệ thống online. Thế nên, việc bị nhiễm Covid-19 cũng là khó tránh khỏi.

Tôi biết, còn nhiều banker khác cũng có chung hoàn cảnh này trong mùa dịch. Vài người khác may mắn hơn, được tiếp tục làm việc, nhưng cũng phải chịu tình trạng chung là giảm lương bởi không đạt đủ thứ chỉ tiêu như số dư huy động vốn, dư nợ cho vay, thẻ tín dụng, khách hàng mới mở tài khoản thanh toán, chi lương, thanh toán quốc tế, đặc biệt là chỉ tiêu cho bảo hiểm…

Tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm quý II năm nay tăng mạnh, trong đó số người thất nghiệp là gần 1,2 triệu, người thiếu việc làm khoảng 1,1 triệu. Con số này tăng mạnh bởi các đợt dịch lần trước, nhiều doanh nghiệp vẫn còn sức căng gân, gồng gánh, chịu đựng cầm cự và vẫn trả lương cho người lao động. Còn đợt dịch lần thứ tư bùng phát từ tháng 6/2021 kéo dài đến nay vẫn chưa được khống chế hoàn toàn, khiến nhiều doanh nghiệp “kiệt sức”.

Khi bị giảm lương, đương nhiên cuộc sống gia đình, chi tiêu sinh hoạt của họ cũng sẽ bị ảnh hưởng. Rất nhiều trường hợp bị giảm lương từ 20-50% ở các tháng giản cách xã hội (7,8, 9). Ngoài ra, nhiều người còn phải cam kết nếu không đạt chỉ tiêu cho những tháng tiếp theo thì sẽ bị cho nghỉ việc hoặc truy thu tiền lương… Đây gần như là tình trạng mà nhiều nhân viên ngân hàng đang gặp phải.

>> ‘Nhân viên ngân hàng gạ mua bảo hiểm 35 triệu đồng’

Thực tế, ngành ngân hàng không chỉ có toàn màu hồng như những con số thông báo lãi tháng, lãi quý như người ta vẫn hay bàn tán. Mùa dịch này, công việc của các nhân viên ngân hàng cũng bị ảnh hưởng như bao ngành nghề khác. Họ cũng phải chấp nhận mất việc, giảm lương, thất nghiệp và thậm chí đối mặt với nguy hiểm đến tính mạng cũng vì lợi ích cho toàn bộ khách hàng.

Những năm trước, khi bước vào thời gian này, các nhân viên ngân hàng thường ríu rít bàn tán về tiền thưởng, tăng lương, thăng chức… Nhưng năm nay, khi các ngân hàng vẫn đang thực hiện những chính sách cắt giảm nhân sự ở một số bộ phận, cắt giảm nhiều chi phí, giảm tiền lương, không tái ký những hợp đồng lao động có thời hạn, không còn những khoản phụ cấp cho các bạn sinh viên thực tập, mới ra trường… sẽ chẳng còn những mơ mộng về một mùa bội thu của giới banker.

Nguyễn Tấn Lộc

>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.

Bình luận

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *