Lên sếp nhờ 25 năm làm việc đúng chuyên môn

Bắt đầu từ một nhân viên quèn, nhưng nhờ kiên trì, tôi từng bước vươn lên làm sếp, trong khi những người bạn bỏ cuộc giữa chừng mãi làm lính.

Tôi bắt đầu đi làm với công việc của một nhân viên bình thường, rồi dần dần phát triển và thăng tiến. Trong suốt thời gian từ lúc đi làm đến nay, đã hơn 25 năm, tôi cũng trải qua nhiều hỷ nộ ái ố, có ganh ghét, có đổ lỗi, có phản bội… Nhưng sau những trải nghiệm đó tôi mới có thể trưởng thành được như ngày hôm nay. Đến nay, tôi cũng may mắn được làm sếp của vài người. Để lên làm sếp là chuyện không đơn giản đâu, duy trì chiếc ghế đó còn khó hơn nhiều. Trừ khi bố mẹ bạn là nhà giàu có sẵn, làm sếp như chơi.

Khi bạn chọn con đường đi bằng kỹ năng được đào tạo, tuy khởi đầu sẽ có nhiều khó khăn, nhưng khi bạn trưởng thành, kỹ năng ngày càng phát triển thì thu nhập của bạn sẽ ngày càng tăng. Tại sao trong cùng một khóa tốt nghiệp Đại học, sẽ có người thăng tiến làm sếp, có người suốt đời làm lính? Đó là do các bạn bỏ cuộc giữa chừng, không chịu trau dồi kỹ năng của mình thường xuyên.

Ngay cả khi các bạn đã thành công lên làm sếp, cũng không có gì là chắc chắn mãi cả. Bản thân bạn lúc nào cũng sẽ sợ cảm giác bị thay thế, nhất là với các khối ngành ngân hàng, tài chính… Trái lại, nếu chọn làm người lao động tay chân đơn giản, con đường lúc đầu có vẻ dễ dàng, thu nhập sống được, thậm chí sống tốt, tuy nhiên, càng lớn tuổi, sức khỏe càng giảm, thì thu nhập của bạn cũng ngày một kém đi.

Nếu các bạn chỉ muốn làm một công việc không phải suy nghĩ nhiều, kiếm tiền dễ dàng để trang trải cuộc sống, bạn chỉ cần học hết lớp 12 để có các kiến thức cơ bản là đủ. Không cần phải mất thời gian học thêm bốn năm đại học. Bởi học đại học nghĩa là bạn đã chọn con đường gian nan hơn nhưng bền vững.

>> Lương tăng 20 lần nhờ tập trung công việc

Khi bạn bắt đầu làm việc tại một công ty, cơ quan, việc đầu tiên cần làm là tích lũy kinh nghiệm. Bạn cần nâng cao kỹ năng của mình qua từng công việc được giao, có việc bạn làm được, có việc bạn làm sai. Tất cả những thiệt hại bạn gây ra, doanh nghiệp phải chi trả. Thế nên đừng đỏi hỏi khi mới bắt đầu. Sau một thời gian, khi kiến thức và kỹ năng của bạn được nâng cao, công ty sẽ tăng lương cho bạn, nếu bạn xứng đáng. Nếu họ không làm vậy, bạn hoàn toàn có thể dễ dàng tìm được công việc mới với khả năng của mình.

Khi bạn chọn công việc đúng với chuyên môn được đào tạo của mình, mức lương của các bạn sẽ tăng lên theo thời gian, tỷ lệ thuận với kỹ năng làm việc của bạn. Ngược lại, khi chọn các công việc lao động cần dùng đến sức khỏe, thu nhập của các bạn sẽ ngày càng giảm, vì sức khỏe càng này càng kém đi. Vì thế, hãy lựa chọn con đường đi phù hợp với khả năng của mình.

Ngày nay, tôi thấy nhiều bạn trẻ sống hơi nóng vội. Một số người mới chỉ đi làm được một, hai năm, kinh nghiệm, kỹ năng còn yếu, vị trí trong công ty chưa ổn định, ví trí xã hội cũng chưa có, nhưng lại tiêu xài khá thoáng. Mỗi năm cứ phải đi du lịch vài lần, rồi phải mua điện thoại đời mới, xe mới… nên vấn đề tài chính luôn được đặt lên hàng đầu.

Tất nhiên, sống thế nào là do mỗi người tự lựa chọn, đi tiếp với con đường chuyên môn hay dừng lại rẽ ngang để kiếm tiền nhanh cũng là quyết định của mỗi người.

L.H

>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.

Bình luận

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *