Chấp nhận lương thấp để được làm việc đúng chuyên môn

Cuộc đời tôi là những chuỗi ngày đi làm bằng chuyên môn của mình, tuy không là sếp nhưng cũng được đồng nghiệp và các bạn trẻ ngưỡng mộ.

Tôi nguyên là kỹ sư điện tử chuyên nghành xử lý tin. Cuộc đời tôi là chuỗi ngày đi làm bằng chuyên môn của mình, tuy không là sếp nhưng cũng là người được đồng nghiệp và đặc biệt là các bạn trẻ ngưỡng mộ. Trong suốt quá trình làm việc, tôi dường như không đặt việc chạy theo của cải vật chất, bởi vì gia đình không giáo dục hay khuyên nhủ tôi về điều này.

Với tôi, mục đích của việc mình làm không phải là phủ nhận tầm quan trọng của đồng tiền trong cuộc sống, nhưng tôi chấp nhận lương thấp với cảm giác vừa đủ những nhu cầu thiết yếu. Mục tiêu theo đuổi công việc của tôi, cảm thấy việc mình làm thực sự có ý nghĩa, chính là sự phát triển về chuyên môn, các mối quan hệ với đồng nghiệp và những đóng góp của bản thân cho tập thể. Bởi vì tôi muốn trở thành một con người hữu dụng.

Giờ đây, khi đã ngừng làm việc, tôi chỉ mong rằng, các bạn trẻ hãy phấn đấu hết mình để kiếm thật nhiều tiền nhưng bớt coi trọng của cải mình kiếm được lại, mà hãy chỉ xem đó là phần thưởng của những nỗ lực, là dấu ấn khẳng định năng lực bản thân, đó mới là sự chín chắn. Các bạn hãy nhận biết và sử dụng tiền như một phương tiện tạo ra ý nghĩa cuộc sống.

Nhiều bạn trẻ ngày nay tham gia vào các doanh nghiệp để làm việc và học hỏi họ cách quản trị, công nghệ của doanh nghiệp, hay đơn giản chỉ là kỹ thuật tay nghề, để một thời gian sau các bạn ấy mở được cửa hàng riêng, công ty riêng cho mình và trở thành “ông chủ nhỏ”. Xã hội của chúng ta đang vận hành như vậy từ bao đời nay.

>> Lên sếp nhờ 25 năm làm đúng chuyên môn

Theo tôi, ngày nay, không ít bạn trẻ suy nghĩ cho rằng “có tiền là có thể sai khiến được người khác”, nên luôn đặt nặng mục tiêu phải kiếm tiền nhật nhiều, thật nhanh. Những công việc tay chân thường kiếm tiền rất dễ dàng, không phải tốn sức lực gì nhiều nên rất nhiều lao động không có việc làn, cần giải quyết nhu cầu tài chính cấp bách thường chọn làm những công việc này. Thế nhưng, có bao nhiêu người lao động trong các khu công nghiệp nhà máy xí nghiệp đang ngày đêm gắn bó với doanh nghiệp lao động sản xuất để có được trái ngọt?

Nếu việc làm thêm là để tích lũy thêm kiến thức thực tế và cũng là để có thêm tiền chi phí sinh hoạt trong thời kỳ đắt đỏ của kinh tế, chẳng hạn như các sinh việc ngoại ngữ gia sư các thứ tiếng, sinh viên sư phạm gia sư chuyên ngành của mình, sinh viên du lịch làm thêm tại nhà hàng, khách sạn… thì tôi cho rằng đó là việc làm đúng đắn và thích hợp. Còn nếu chỉ làm mấy công việc mùa vụ, không liên quan đến ngành học như shipper, xe ôm công nghệ… sẽ chẳng mang lại lợi ích gì ngoài chút thu nhập tức thời.

Bằng kinh nghiệm của mình, tôi cho rằng, thanh niên đừng chỉ nghĩ đến tiền và chạy theo đồng tiền. Vài người phất lên khi làm kinh tế trong một số năm nhất định khi kinh tế bùng nổ, khi đã hội tụ đầy đủ các yếu tố, còn nếu bạn chỉ a dua theo kiểu “há miệng chờ sung” thì sẽ chẳng làm nên trò trống gì. Vậy nên, tôi khuyên các bạn sinh viên mới ra trường hãy suy nghĩ thấu đáo, nhìn lại mình một chút trước khi quyết định chọn nghề.

“Học, học nữa, học mãi” đó là chân lý. Các bạn hãy học miệt mài cho tương lai. Tiết kiệm cho tương lai thường không mang lại niềm vui trong hiện tại, nhưng lại có thể giúp bạn có được hạnh phúc lâu dài.

Quang Huy

>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.

Bình luận

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *