Nghỉ việc vì bị sếp xai vặt, làm việc đến 21h

Thực tế, nhân viên không rời bỏ công ty, mà họ từ bỏ người lãnh đạo trực tiếp đã đối xử quá bất công.

Hôm qua, tôi nhận được một dòng tin ngắn về việc rà soát, chuẩn bị cho một Phó phòng nghỉ việc. Vị này là lãnh đạo một ban lớn ở Hội sở chính của ngân hàng có tiếng trong nước. Tôi nhớ lại, mới năm nào, tôi cũng từng ngồi “cày cuốc” ôn thi vào ngân hàng đó, với bao hoài bão và ước mơ, thế nhưng đến giờ bản thân cũng dứt áo ra đi.

Tôi nghỉ việc vì lý do cá nhân, muốn tự phát triển kinh doanh riêng. Nhưng đâu đó, khi nhận được các tin nhắn tâm sự của nhiều anh chị, xin tư vấn những khó khăn mà họ đang gặp phải trong môi trường công sở, tôi lại thấy một tình trạng ngày môt gia tăng. Đó là những người giỏi rời bỏ tổ chức ra đi, trong khi lương thưởng của họ chẳng kém ai (nếu không muốn nói là cao), chính sách đãi ngộ của công ty cũng không tệ (đều có chế độ bảo hiểm hay du lịch hàng năm, đầu tư cho nhân viên…). Vậy, lý do gì khiến họ đi đến quyết định đó?

Thực tế, nhân viên không rời bỏ công ty, mà họ từ bỏ người lãnh đạo trực tiếp. Một tổ chức mà trong năm có đến 9-10 nhân viên giỏi nghỉ việc, rõ ràng vấn đề nằm ở người lãnh đạo. Chẳng ai đi làm mà thích nhảy việc liên tục. Cũng chẳng ai đi làm lại không muốn kiếm tiền, thăng tiến, không muốn được tôn trọng, khẳng định bản thân.

Trên thực tế, có nhiều sếp cả ngày chỉ biết than vãn về việc nhân viên không tôn trọng, không nghe lời, không cư xử đúng mực với họ. Nhưng ngược lại, cũng có những người làm sếp khiến nhân viên sẵn sàng trung thành cả đời. Thậm chí, ngay cả khi đã nghỉ việc, họ vẫn luôn dành cho nhau những lời tốt đẹp nhất.

>> Sếp bắt làm việc đến 19h không trả thêm đồng nào

Thực ra, có những sai lầm mà nhiều người đang làm sếp thường xuyên mắc phải mà chính họ không nhận ra:

Bóc lột sức lao động

Khi làm sếp, không phải bạn cứ nói thật nhiều, to tiếng, áp đặt lên nhân viên là lãnh đạo giỏi. Để đạt được vị trí cấp cao trong tổ chức, ai cũng đều phải trải qua tháng ngày đi làm nhân viên. Thế nhưng, hình như khi lên đến được đỉnh cao danh vọng, không ít người lại quên đi những khoảng thời gian đầu tiên quý giá ấy.

Tôi biết một người làm sếp của một đơn vị nhỏ, chị cứ đi vắng cả ngày để làm việc cá nhân, ấy vậy mà cứ 17h, khi nhân viên định ra về là chị lại bắt họp, có hôm kéo dài đến 21h tối. Một vài ngày như vậy có thể không sao, chứ triền miên ngày này qua tháng nọ mấy ai chịu nổi? Ai có việc đột xuất, con ốm xin nghỉ sớm một hôm, nhưng chị chỉ lạnh lùng bảo: “Đó là việc cá nhân, phải tự thu xếp”. Tạo sự ức chế cho nhân viên dưới quyền bằng những mệnh lệnh thiếu tình người như vậy là một sai lầm sơ đẳng của người làm sếp. Nên nhớ, có câu “con giun xéo mãi cũng quằn”.

>> Sếp trả lương 3 triệu đồng nhưng bắt tôi làm như người giúp việc

Lẫn lộn việc chung – việc riêng

Có những người sếp rất giỏi giao việc, giao hết việc công ty, giao luôn cả việc nhà, việc cá nhân cho nhân viên thực hiện. Người đi làm được trả lương để hoàn thành nhiệm vụ công việc, tạo ra giá trị cho tổ chức, chứ không phục vụ riêng cho giá trị của một cá nhân nào đó. Rất nhiều sếp nhầm lẫn khái niệm này và cho rằng nhân viên phục tùng việc cá nhân của mình cũng là làm việc cho tổ chức.

Có bao nhiêu người đi làm dám lên tiếng trước sự bất công đó? Vì suy cho cùng, KPI, hay trách nhiệm công việc cũng sẽ được sếp thay đổi với lý do: “Thời điểm này tổ chức cần nhân viên làm công việc ấy”. Nếu bạn không làm thì hậu quả sẽ rất nặng nề.

Tôi có một người bạn đang làm sếp, người này thường sai nhân viên mua đồ ăn sáng cho mình, mang rau về nhà cho mẹ, đưa đón con đi học thêm, mang lịch treo tường cho cửa hàng tóc vẫn hay gội đầu… Đến nỗi, cuối năm, nhân viên đó còn được vinh danh “nhân viên tiêu biểu”. Mọi người trong công ty vẫn hay nói vui rằng “nhân viên bê phở giỏi nên là tiêu biểu”.

>> Cam chịu sếp tồi là lỗi của bạn

Đổ lỗi cho nhân viên

Khi nhân viên làm sai, sếp tất nhiên bị cấp cao hơn “mắng vốn”. Nhiều sếp sẽ chọn đối diện thẳng thắn với lỗi lầm để cùng nhân viên và đồng nghiệp tìm giải pháp khắc phục. Nhưng cũng có không ít người chỉ vô tình: “Tôi đã giao cho nhân viên A, B, C nào đó rồi” và quay ra đổ hết tội lỗi lên đầu nhân viên đó, mắng họ thậm tệ, rồi dọa kiểm điểm, kỷ luật, hạ bậc lượng… Với những sếp thích “đá bóng trách nhiệm” như vậy, nhân viên chỉ còn biết lắc đầu ngao ngán.

Sếp họ ‘hứa’

Nhiều sếp rất thích hứa: hứa hẹn thăng chức, tăng lương thưởng… là những cam kết phổ biến nhất để giữ người của nhiều lãnh đạo. Họ sử dụng nó như một công cụ điều hành cấp dưới một cách triệt để. Nhưng cách làm này cũng là con dao hai lưỡi, bởi không biết khi nào bạn sẽ cắt vào chính tay của mình. Chẳng thế mà có chuyện, sếp hứa sẽ quy hoạch cho cán bộ mà treo mãi năm này qua năm khác.

Cuối cùng, dù bạn là ai, đang làm việc cho công ty lớn hay nhỏ, vị trí lãnh đạo cấp cao hay thấp, thì những góp ý chân thành, thẳng thắn, quan tâm lắng nghe, thấu hiểu nhân viên cấp dưới vẫn là điều quan trọng nhất. Chỉ có điều đó mới giúp chúng ta tìm được tiếng nói chung, cùng nhau vượt qua những giai đoạn khó khăn của cuộc sống và công việc. Đừng chỉ vì chút quyền lực trong tay mà biến mình thành những người sếp xấu xí trong mắt nhân viên, để rồi tự tay đánh mất những nhân tài của tổ chức.

Thuan

>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.

Bình luận

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *