Giấc mơ điên rồ: bọc vải Khải Hoàn Môn Paris

Tiêu tốn 16,5 triệu USD bọc kín Khải Hoàn Môn (Paris, Pháp) bằng vải nhựa tái chế trong 16 ngày có lãng phí và vô dụng như nhiều người nghĩ?

Tôi sửng sốt khi thấy hình ảnh Khải Hoàn Môn ở Paris, Pháp, được bọc kín. Công trình cao 49,5m được xây từ thời Napoleon được phủ kín bởi 25.000 m2 vải nhựa từ suốt 16 ngày từ 18/9 đến ngày 3/10. Chi phí thực hiện dự án này lên đến 16,5 triệu USD.

Tôi đã đến Paris ngắm Khải Hoàn Môn, nhưng thử đặt mình vào vị trí một du khách đến đây lần đầu tiên, thấy công trình mong đợi bị bọc vải thế kia thì chắc tôi tức giận lắm.

Có rất nhiều tranh cãi xung quanh vấn đề này. Nhưng tôi thấy chỉ tựu trung ở ý chính đó là “lãng phí, xấu xí và vô dụng”. Trên truyền thông, nhiều bình luận cho rằng tiêu tốn khoản tiền 16,5 triệu USD tiêu tốn ở Pháp thì sẽ được cho là nghệ thuật, nếu điều này xảy ra ở Việt Nam nó sẽ bị nhanh chóng vùi dập bởi tốn kém và lãng phí.

Nhưng sau khi tìm hiểu kỹ, tôi thấy có một vài điều cần suy ngẫm.

Thứ nhất, nghệ thuật gắn liền với tự do và nghệ sĩ có quyền đeo đuổi ý tưởng của mình dù nó “điên rồ” đến thế nào.

Tác phẩm sắp đặt phủ kín này được vợ chồng nghệ sĩ Christo Vladimirov Javacheff (đã qua đời tháng 5/2020) cùng vợ là Jeanne-Claude nảy ra ý tưởng vào năm 1961 khi họ thuê một căn hộ gần đó.

Họ là những nghệ sĩ đã sáng tạo ra nghệ thuật độc đáo, bằng cách dùng vải bọc các công trình nổi tiếng. Một số tác phẩm tiêu biểu của họ bao gồm The Pont Neuf Wrapped bọc vải cầu Pont Neuf tại Paris vào năm 1985 và Wrapped Reichstag – bọc vải tòa nhà quốc hội Đức tại Berlin năm 1995.

Giấc mơ phủ kín Khải Hoàn Môn được ấp ủ vào 60 năm trước, tuy nhiên Christo đã qua đời nên cháu trai của ông đã hoàn thành dự án này. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nhấn mạnh đây là đỉnh cao của giấc mơ 60 năm của cố nghệ sĩ và “Đó là một giấc mơ điên rồ”.

Bởi trên thực tế, thời gian để có thể bọc vải các công trình có thể mất đến hàng thập kỷ. Thời gian tiêu tốn rất lâu cho khâu xin giấy phép, pháp lý, cùng với đó là các kiểm tra tác động đến môi trường.

Thứ hai, đánh giá một tác phẩm là lãng phí, xấu xí khi nhìn vẻ bề ngoài và chi phí đầu tư là quá vội vàng.

Cần nói ngay rằng chi phí hơn 16 triệu USD đó đến từ quỹ cá nhân của Christo, như theo lời của vợ ông, bà Jeanne Claude đã luôn nói: “Những tác phẩm của chúng tôi không để thương mại hoá, nó không có ý nghĩa gì lớn lao, nó chỉ là niềm vui, là cái đẹp chúng tôi chia sẻ với quý vị, và sự ngắn ngủi của nó nhắc chúng ta hãy trân quý sống trọn vẹn từng thời khắc“.

Như vậy, ta có thể thấy người nghệ sĩ chỉ có một mục đích chính là theo đuổi đến cùng ý tưởng của mình mà không quan tâm đến lợi ích kinh tế.

Oscar Wilde, nhà văn người Ireland từng có một nhận xét: “Tất thảy nghệ thuật đều khá là vô dụng”. Nhưng tôi nghĩ đứng từ góc độ người thưởng thức những tác phẩm của các nhà nghệ sĩ, ta cần suy nghĩ tự do, cởi mở hơn bằng việc đặt những câu hỏi: Ý tác giả gửi gắm là gì? Bởi không một nghệ sĩ nào sáng tạo ra một thứ hoàn toàn vô dụng. Mà nếu nó vô dụng thật thì cũng sẽ đóng góp thêm một kinh nghiệm, gợi mở ra một vài suy nghĩ nếu chịu tìm tòi, tư duy thay vì chỉ nhìn vào cái bề ngoài rồi đánh giá.

>> ‘Chợ Bến Thành không đặc sắc’

Chẳng hạn, dùng vải tái chế bọc công trình nổi tiếng lại phải chăng chỉ là gây tò mò cho người xem hoặc một ẩn ý kêu gọi bảo vệ môi trường, nếu không một ngày nào đó chính chúng ta cũng bị bao bọc bởi rác thải, túi nhựa…

Hoặc muốn truyền tải: khi gói cái cũ, cái quen thuộc lại một thời gian rồi đem lại hình dáng cũ, mọi người sẽ tự thấy nó mới mẻ, từ đấy giúp ta yêu quý và trân trọng những gì đang có như chính Christo đã nhận định khi nói về tác phẩm bọc Cầu Mới – Pont Neuf ở Paris:

Người ta không còn nhìn thấy những chi tiết, những điêu khắc, chạm trổ… Nhưng chính vì thế, người ta muốn lại gần, chạm tay vào tấm vải, để tìm lại những chi tiết mà nó bao bọc. Bình thường chẳng ai có ý nghĩ chạm tay vào một bức tường, những phiến đá, hay những tấm kính toà nhà. Chính lớp vải tạo ra mối nối kết bằng xúc giác, bằng cảm nhận với chính sự vật đó”.

Và trên hết là sự nâng đỡ, tiếp sức của chính quyền thành phố Paris. Họ có cái nhìn rộng mở với nghệ thuật, không làm hổ danh Paris – Kinh đô Ánh Sáng, nơi nghệ sĩ từ khắp thế giới tìm đến vì họ biết ở đây họ sẽ được nương tựa, được đón nhận, được khơi nguồn cảm hứng để chắp cánh cho tài năng của mình.

Người cháu đã tiếp sức và hoàn thành ước mơ của Christo dù ông không còn nữa. Thành phố Paris đã cấp giấy phép, giới thiệu “chiếc áo mới” của Khải hoàn môn dù nó có “điên rồ” như lời tổng thống Macron nói.

Và, điều quan trọng trong cuộc đời là chúng ta có thực sự mở rộng tâm hồn mình trước những cái mới, để rồi tìm hiểu, cảm nhận thay vì chỉ bó hẹp trong định kiến cá nhân?

Trùng Dương

>> Bạn có quan điểm thế nào về các vấn đề, sự kiện văn hoá, nghệ thuật, thể thao, giải trí đang diễn ra? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.

Bình luận

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *