Giáo dục khuyên nhủ hay đánh đòn học trò?

Tôi bất bình những trường hợp vô lễ với giáo viên, nhưng ủng hộ kỷ luật thích đáng thay vì dùng đòn roi với những học sinh cá biệt này.

Khác với thế hệ trước, bây giờ quyền hạn của giáo viên ngày càng ít mà áp lực ngày càng nhiều, nên chuyện kỷ luật học sinh trở nên nhạy cảm.

Kỷ luật là điều thiết yếu trong giáo dục, nhưng trừng phạt thì tiêu cực hơn rất nhiều. Tôi nghĩ nên dùng cụm từ “hình thức kỷ luật thích đáng” thì sẽ thích hợp hơn để nói về vấn đề này.

Lúc đi học tôi không phải là học sinh dạng ngoan hiền, nhưng nhiều lúc chứng kiến những hành xử “mất dạy” của học sinh với thầy cô tôi không chịu được. Nhưng thầy cô vẫn phải nhịn (đôi lúc bất lực) vì quyền hạn quá ít.

Những đứa trẻ như vậy quả thật đáng trách, nhưng bố mẹ của các em cũng đáng trách không kém. Thầy cô của tôi là những người có thâm niên, họ thật sự hiểu học trò, và họ hiểu luôn tính cách của người dân địa phương ở đó. Trừng phạt tiêu cực với những học sinh này là không có tác dụng, vì các em rất lì lợm. Người giáo viên nếu bị buộc phải dùng đến vũ lực, đương nhiên chẳng ai lấy làm vui vẻ gì cả, vì đó là lúc họ hoàn toàn bất lực trước những đứa học trò vô lễ, mất dạy.

Nhưng vấn đề là, hành vi của những đứa trẻ bị ảnh hưởng rất nhiều bởi gia đình, nếu không muốn nói là xuất phát từ phụ huynh mà ra. Đương nhiên những người phụ huynh này đã không thể dạy dỗ chúng đàng hoàng, trong đó bạo lực cũng là nguyên nhân không nhỏ khiến tính cách đứa nhỏ bị ảnh hưởng. Vì vậy nếu ở trường cũng bị “dạy dỗ” như vậy, thì đứa nhỏ chẳng phải là xem như vứt đi? Câu trả lời là không.

>> Những giảng viên thiếu kiềm chế khi dạy online

Trường học có nhiệm vụ truyền đạt kiến thức và rèn luyện nhân cách cho học sinh. Chính vì vậy mà khi học sinh làm sai, cần có những hình thức kỷ luật thích đáng để các em nhớ và không tái phạm.

Tuy nhiên, kỷ luật đến giới hạn nào thì người giáo viên phải đủ nhạy cảm để điều chỉnh với từng em, từng trường hợp. Làm giáo viên càng lâu năm, dạy càng nhiều học sinh thì khả năng “đọc vị” sẽ tăng, từ đó hình thức kỷ luật sẽ chính xác và hiệu quả hơn.

Bên cạnh những điều học sinh được thầy cô dạy ở trường, gia đình cũng phải có trách nhiệm trong việc giáo dục con mình. Rất tiếc là ngày nay bố mẹ ít dành thời gian cho con cái hơn, và họ đẩy hoàn toàn trách nhiệm đó lên những người giáo viên. So với thời gian tám tiếng ở trường với thầy cô và bạn bè, tôi nghĩ thời gian thành viên gia đình ở cùng với nhau thì bố mẹ có thể dạy dỗ con mình tốt hơn.

Bản thân tôi không phục chuyện bị đánh đòn, và bố mẹ cũng ít phải dùng đòn roi để uốn nắn tôi, nhưng tới một giới hạn nào đó thì cũng phải dùng vũ lực để “nói chuyện”. Đấy là gia đình với nhau thì như vậy, còn trường học thì không nên.

>> Vòng xoáy cha mẹ khoe con rồi chửi con

Giáo dục bây giờ đã rất khác so với thời trước, vai trò người cô, người thầy cũng khác đi rất nhiều, và họ cũng chẳng có sức lực và thời gian để dùng đòn roi dạy dỗ học sinh như trước đây nữa. Tôi tin là những người đã chọn cho mình sự nghiệp giáo dục, họ có cho mình những chính kiến và quan điểm riêng về công việc của họ, cũng như cách mà họ dạy bảo những học sinh của mình.

Đúng là khi ngôn từ bất lực thì bạo lực sẽ lên ngôi, nhưng tôi chỉ mong rằng những người làm giáo dục, bằng bất kỳ cách gì đi nữa thì cũng không đẩy mọi chuyện đi đến cái giới hạn đó. Vì trẻ em cũng chỉ là những tờ giấy trắng, mỗi vết nhơ trên đó đều sẽ để lại những ký ức khó phai những đứa trẻ.

Ngành giáo dục rất đặc thù, vì chúng ta rất khó cân đo đong đếm, định lượng chính xác chất lượng của “sản phẩm”. Những giá trị đó là vô hình, vì vậy những người làm thầy cô phải vật lộn để tạo ra những “sản phẩm” tốt và có ích cho xã hội.

Hãy để họ làm công việc của họ, vì họ được đào tạo bài bản để được đứng trên bục giảng và dạy dỗ những đứa trẻ. Tôi chỉ sợ những vị phụ huynh dạy con mình chưa xong đã bảo giáo viên phải làm thế này thế kia thôi.

Nói tóm lại, ở đây không phải là phạt, mà là kỷ luật. Dạy học mà thiếu kỷ luật thì hỏng, đặc biệt là ở tuổi nhỏ, không uốn nắn thì rất nguy hiểm về sau.

Vũ lực sẽ chỉ là phương pháp nhất thời và không có hiệu quả cao trong giáo dục. Dạy dỗ cần sự kiên nhẫn, chỉ mong những người làm giáo dục hiểu rõ được những gì họ đang làm, là thật sự cân nhắc đến lợi ích của đứa trẻ về lâu về dài và giá trị giáo dục trong đó.

Samuel Nguyen

>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.

Bình luận

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *