13 năm chậm tiến vì xuất thân con nhà nghèo

Bạn bè đại học được cha mẹ đầu tư nên không biết thất bại là gì, còn tôi muốn cất cánh bay cao nhưng áo cơm lại ghì sát đất.

Đọc bài viết “Lợi thế của ‘con nhà giàu’ không chỉ ở tiền“, tôi cũng xin chia sẻ một vài quan điểm của bản thân:

Thứ nhất, lợi thế của “con nhà giàu” nằm ngay từ “trong trứng”: ba mẹ giàu sẽ có sự chuẩn bị trước sinh chu đáo; ăn uống tẩm bổ cho thai nhi được khỏe mạnh đủ chất; chưa kể ba mẹ giàu vì họ vốn thông minh nên con cái cũng được thừa hưởng IQ cao.

Tôi năm nay 31 tuổi, chưa sinh con. Tôi muốn nhắc lại câu chuyện mình đã từng kể trên VnExpress: Năm 2008, tôi đậu Đại học Y Dược TP HCM. Khi đó, tôi rất tự hào vì cả huyện chỉ có hai người trúng tuyển. Nhưng khi vào trường học rồi, tôi mới thấy mình thua kém các bạn bè quá nhiều thứ: từ kỹ năng sử dụng máy tính để tìm kiếm dữ liệu, kỹ năng mềm quản lý tiền bạc, thời gian… cho đến việc các bạn khác nối nghiệp gia đình nên cách thức học hành, tìm việc làm sau khi ra trường cũng đều rất thuận lợi, không phải lo lắng gì.

Một đứa như tôi (nhà nghèo, dinh dưỡng kém, thể chất yếu, học bài ở phòng trọ ồn ào, ọp ẹp, nóng như lò lửa, lơ mơ đi chợ nấu ăn giữa Sài Gòn, đi thực tập phải đạp xe từ Quận 5 sang Phú Nhuận…) nếu đem so với các bạn con gia đình ở Sài Gòn (chỗ ở yên tĩnh ổn định, cơm nước cha mẹ lo, xe cộ, đường sá quen thuộc…) chắc chắc tôi là “thua toàn tập”.

>> Không để lại tài sản là tước mất cơ hội của con cái

Con nhà giàu nếu ham chơi, ỷ lại vào tài sản của gia đình thì tương lại mới bất ổn, hên xui. Còn nếu họ đã chăm chỉ, nỗ lực, lại có xuất thân tốt nữa, thì không thể nào không thành công được. Hoặc giả nếu chưa thành công thì họ cũng chẳng sợ thất bại vì “ông bà già lo hết”.

Xuất thân của tôi không tốt (cha mẹ nợ nần, nghèo khổ, bạo lực gia đình…), còn các bạn trong lớp đa số có nền tảng gia đình vững chắc. Đồng ý là đời ai cũng có thăng, có trầm, nhưng hỏi thăm về tình hình của các bạn sau vài năm ra trường, tôi nhận ra rằng, họ làm sao có thể thất bại được?.

Do đó, sự chậm tiến của bản thân mỗi người chắc chắn xuất phát từ sự thiếu đầu tư của cha mẹ. Vì giả sử cùng một điểm xuất phát, bạn đi bộ hoặc vừa đi vừa cõng thêm cục nợ, thì dĩ nhiên sẽ chậm hơn hẳn so với những người được bố mẹ đầu tư cho cái xe hơi.

Các bạn tôi được đầu tư tiền bạc và thời gian suốt 6-8 năm để học Y, ra trường được vào biên chế, nếu công việc có stress quá thì có thể vứt hết để đi du lịch vài năm rồi về làm hành chính, chẳng cần “chạy show” phòng khám tư. Thậm chí, họ có thể nghỉ luôn, qua quản lý công ty của gia đình nếu không còn hứng thú với ngành Y nữa. Có người thoải mái đi học thêm một khóa thẩm mỹ để ra làm việc cho nhẹ nhàng… Nói chung, chẳng ai phải sống mòn theo kiểu “muốn cất cánh bay cao nhưng lại bị áo cơm ghì sát đất“.

>> 10 năm lập nghiệp không bằng người có tiền thừa kế

Chắc sẽ có người cho rằng, mấy trường hợp tôi kể chỉ là thiểu số, không điển hình, nhưng đa phần các bạn cùng khóa tôi đều có nhà ở, được bố mẹ hỗ trợ, ngay cả chuyện kết hôn, sinh con cũng không thúc ép, dí deadline. Đơn giản vì bố mẹ họ đều có tiền bạc và tư tưởng tiến bộ, họ có niềm vui riêng chứ không phụ thuộc vào hạnh phúc của con cái như việc đòi có cháu ẵm bồng như nhà tôi. Đôi khi nghĩ về những thiệt thòi của bản thân, tôi cũng thấy chạnh lòng, tủi phận.

Tất nhiên, tôi kể câu chuyện của mình ra đây không phải để than vãn hay đổ lỗi gì cho gia đình, cuộc đời. Tôi chỉ muốn chứng minh rằng, xuất thân rất quan trọng trong thành công của mỗi người.

Và qua đó, tôi cũng tự ý thức hơn về trách nhiệm trong chuyện sinh con và tầm quan trọng của giáo dục gia đình đối với con cái.

Mưa

>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.

Bình luận

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *