Tiến sĩ bị chê cười khi nông dân sáng tạo

Các giáo sư, tiến sĩ sẽ là nạn nhân bị chế giễu mỗi khi có người nông dân chế tạo, cải tiến được máy cày, máy gặt.

Rất nhiều người ca ngợi phương Tây hay mấy nước phát triển khác như Nhật, Hàn, Trung Quốc về trình độ của các tiến sĩ, nghiên cứu sinh, nhà khoa học của họ. Nhưng mỗi khi họ nhắc tới các nhà khoa học Việt, đặc biệt là mấy ông “tiến sĩ”, giáo sư thì họ lại tặc lưỡi một câu “ôi dào tiến sĩ giấy ấy mà”.

Càng lạ hơn, mỗi khi người nông dân học chưa hết phổ thông có thể sáng chế, chế tạo ra được cái máy cày, lưỡi hái lúa… thì lại tung hô, tự hào lây và dùng để chế giễu các “ông tiến sĩ giấy”. Vậy sự thật các “tiến sĩ giấy” có vô dụng như những gì họ nghĩ? Tại sao tiến sĩ ở phương Tây lại thành công, phát minh hay ho trong khi tiến sĩ ở ta chỉ là “tiến sĩ giấy”? Vậy để phát minh được, nghiên cứu khoa học chúng ta cần những gì?

1. Có thực mới vực được đạo

Với nền văn minh của châu Á người ta sẽ nghĩ ngay tới lúa nước, lương thực chính. Khi cuộc sống no đủ hơn thì mới có nhiều phát minh như giấy, lụa tơ tằm, gốm sứ, la bàn, máy đo địa chấn, bánh xe… Với nền văn minh của châu Âu người ta sẽ nghĩ ngay tới khoai tây. Khoai tây là lương thực chính của châu Âu. Cũng là cây lương thực giúp họ có thể tạo ra các cuộc phát kiến địa lí, khai phá nhiều vùng đất mới.

Với châu Phi thì người ta chỉ nghĩ tới cây Ngô và cây Sắn (khoai mì). Đặc điểm là nhanh đói, năng suất thấp hơn các cây khác. Ngoài ra cây sắn còn gây ra trình trạng suy giảm trí nhớ làm cho châu Phi khó lòng phát triển nếu không có các cây lương thực khác thay thế.

Với nền văn minh đã như vậy thì với con người càng phải vậy. Nên phần đông các nhà khoa học xưa kia thường xuất thân tầng lớp quý tộc, địa chủ, tư bản giàu có. Chính sự no đủ không phải lo miếng ăn đã tạo cho họ thực nghiệm, nghiên cứu nhiều thứ mà vốn chẳng làm ra tiền, lại hao mòn nhiều tài nguyên cho tới khi có sản phẩm cuối cùng có thể kinh doanh. Đây cũng là lý do tại sao ngày nay ở các nước Phương Tây các nhà khoa học được chi trả lương rất cao để có thể sống và nghiên cứu khoa học.

>> Bắt tiến sĩ làm đinh ốc

2. Những kẻ tí hon đứng trên vai người khổng lồ

Để phát minh ra chiếc máy điện tín chúng ta cần tới hàng ngàn nhà khoa học khác nhau. Họ liên tục nghiên cứu từ lí thuyết tới triển khai thực hành, chế tạo qua nhiều thế hệ. Mỗi người làm mỗi việc, một nhiệm vụ trong tổng các nhiệm vụ để cho ra sản phẩm là một chiếc máy điện tín. Và chỉ duy nhất một vài người được lịch sử gọi tên để đưa sản phẩm vào đời sống, sản xuất kinh doanh. Người đó được khoác lên mình cái mác “nhà phát minh, sáng chế”.

Nhắc tới dòng điện ai cũng nghĩ ngay tới Edison hay Tesla. Nhưng họ chỉ là nhà khoa học, phát minh đang nghiên cứu và cải tiến thứ vốn đã có sẵn từ trước đó rất lâu rồi. Dòng điện vốn được phát hiện bởi Volte và Ampe hai nhà khoa học được đặt tên cho kí hiệu hiệu điện thế V và cường độ dòng điện A.

Được liên tục nghiên cứu, phát triển, hoàn thiện bởi nhiều nhà khoa học, giáo sư trong trường đại học, thông qua các bài giảng, và ấn bản phẩm xuất bản (sách báo) mà hai nhà khoa học với hai con đường học tập khác nhau là Edison (người tự học) và Tesla (người học qua các trường đại học) có thể tự tiếp cận và kế thừa, phát triển.

Nhắc tới iPhone ai cũng có thể nhớ ngay tới Steve Jobs, hay Tim Cook nhưng có ai biết rằng hai người họ vốn không phải lập trình viên hay kỹ sư phần cứng. Chính xác iPhone là sản phẩm của một đội ngũ hàng nghìn nhà khoa học trong phòng lab của Apple. Đằng sau cánh cửa nghiên cứu và phát triển (Research and Development -R&D) là cả một bộ phận các nhà khoa học khổng lồ được kế thừa, phát triển, nghiên cứu qua nhiều thế hệ, nhiều năm trời.

Lịch sử chỉ duy nhất gọi tên người đầu tiên mang sản phẩm vào thị trường mà quên đi những người đã cố gắng làm ra sản phẩm. Đó là lý do tại sao các công ty, công nghệ họ tuyển dụng rất nhiều nhà khoa học, kĩ sư vào nghiên cứu trong các phòng R&D chứ không phải tuyển dụng một vài cá nhân đơn lẻ xuất sắc.

Rất nhiều quốc gia phương Tây đã cấp nhà ở, văn phòng nghiên cứu, nơi làm việc cho rất nhiều nhà khoa học nước ngoài tới nước họ dù nhà khoa học ấy không có gì ứng dụng vào đời sống, sản xuất hiện tại của Phương Tây. Nhưng sau khi nhà khoa học đó ra đi vì tuổi già toàn bộ tài liệu của nhà khoa học đó được thu lại làm bí mật công nghệ để nhiều nhà khoa học khác nghiên cứu, phát triển, kế thừa.

>> ‘Sáng chế’ của nông dân – nỗi oan cho giáo sư, tiến sĩ Việt

3. Hệ thống R&D

Các nước phát triển họ sử dụng hệ thống R&D để nghiên cứu, phát triển, sáng tạo tập trung, hiệu quả cao, có tính thừa kế. Không chỉ vậy mà các trường đại học cũng trở thành trung tâm nghiên cứu rất phát triển và rất hiện đại, thậm chí có nhiều doanh nghiệp sân sau của trường đại học đứng ra hỗ trợ, cấp kinh phí cho các phòng lab của họ.

Công việc trong hệ thống R&D gần như đã được lên lịch, sắp xếp đến hàng chục năm sau chứng tỏ họ đã biết mình phải làm gì trong thời gian tiếp theo, đây là biểu hiện của tính kế thừa, nhìn thấy tương lai của các nhà khoa học.

4. Trở lại vấn đề nông dân phát minh và “tiến sĩ giấy” ở Việt Nam

Các phát minh, sáng chế thường bắt nguồn từ nhu cầu của người dùng. Nông dân Việt họ hiểu những nhu cầu của mình, hiểu những điều kiện kinh tế của mình nên họ có thể tự học tập, kế thừa từ các nhà khoa học, thành tựu của công nghệ vật liệu, xăng dầu, cơ khí, điện lực… để tự sáng tạo các công cụ phù hợp với mình. Như vậy trong các phát minh, sang chế ấy chúng ta đã thấy được dáng dấp của các nhà khoa học phía sau chỉ là chúng ta có nhận ra hay không thôi.

Nhưng mỗi khi nông dân phát minh, sáng chế ra gì đó thì hầu như giới khoa học lại bị chỉ trích là ‘tiến sĩ giấy’, ‘giáo sư bằng cấp’. Tại sao vậy? – Thực sự công tác tổ chức, nghiên cứu hay hình thành các phòng Lab, R&D của Việt Nam còn thấp, không có quy mô, hiện đại như các nước khác. Các bạn có thể thấy đa phần việc chảy máu chất xám chính là biểu hiện rõ nhất của tình trạng này.

Nhiều tiến sĩ, giáo sư ở chúng ta cho thấy chúng ta có thể làm chủ về tri thức, về trình độ khai thác, sử dụng công cụ. Nhưng chúng ta lại thiếu đi các cơ sở vật chất để nghiên cứu, thiếu kinh phí. Cho nên tiến sĩ, giáo sư thôi chưa đủ, chúng ta cần thêm các phòng lab, phòng R&D nữa. Những thứ đó cần rất nhiều tiền của của các doanh nghiệp.

Tuệ

>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.

Bình luận

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *