Tôi mất 4 năm mới để dành được 100 triệu đồng đầu tiên

100 triệu đồng đầu tiên tích góp được là động lực kiếm nhiều tiền hơn.

Tôi vừa đọc được một câu hỏi trên mạng được nhiều bạn trẻ nước ngoài thảo luận: “Bạn kiếm được 100 nghìn USD đầu tiên như thế nào, trong bao lâu và đã dùng nó ra sao?”.

Tôi thấy trong phần bình luận có rất nhiều chia sẻ. Người hào hứng nói về số tiền mình đã kiếm được, người thì ngậm ngùi rằng đi làm mãi mà chưa dư đồng nào. Tôi nghĩ rằng nếu chúng ta đặt vấn đề này thì cũng sẽ giúp cho nhiều người có bài học và cái nhìn về tài chính cá nhân đúng đắn.

Tôi đặt ra một câu hỏi như sau: Bạn mất bao lâu để kiếm được 100 triệu đồng đầu tiên và đã dùng nó vào việc gì?

Những ngày mới ra trường, tôi làm công việc bàn giấy ở văn phòng với mức lương 8 triệu đồng. Sau khi trừ hết đi các khoản chi phí ăn uống, thuê phòng trọ, tiêu vặt cá nhân (tôi chưa gánh vác tránh nhiệm gia đình) thì mỗi tháng để dành được 2,5 triệu đồng.

>> Không dùng nhà, ôtô làm thước đo thành công tuổi 30

Trong năm đầu tiên đi làm (tôi vào công ty từ tháng 3/2014 đến tháng 3/2015) tôi để dành được 30 triệu đồng hoàn toàn từ tiền lương. Do năm đầu tiên mới vào công ty, đóng góp còn ít nên năm đó tôi được thưởng tết 1,5 tháng lương là 12 triệu đồng. Số tiền này tôi biếu 8 triệu đồng cho bố mẹ.

Do chiếc xe máy cũ của bố cho từ lúc đại học đã quá ọp ẹp nên tôi quyết định mua xe mới, lúc đó tiêu hết 28,5 triệu đồng cho việc này. Như vậy trong năm đầu tiên đi làm, tôi hoàn toàn tự lo cho bản thân mình, không dùng tiền của gia đình, có tiền Tết biếu bố mẹ và mua được xe máy mới và còn dư được 5,5 triệu đồng.

Sang năm làm việc thứ hai, tôi được tăng lương lên một chút, nhưng mức tiết kiệm vẫn giữ nguyên 2,5 triệu đồng vì chi phí sinh hoạt tăng, lẫn việc phải chi tiền cho ăn uống với đồng nghiệp, bạn bè nhiều hơn trước. Thưởng Tết năm thứ hai của tôi cũng khá hơn, nên sau khi kết toán năm thứ hai, tôi dư được 25 triệu đồng.

Rồi năm tiếp theo, tôi đổi việc, tìm công việc tốt hơn và lương ổn định hơn, tôi dư tiếp được gần 40 triệu đồng. Số tiền trong tài khoản chạm mức xấp xỉ 100 triệu đồng chính xác là khi tôi nhận tiền thưởng Tết vào năm làm việc thứ tư.

Ở những năm trước, cứ mỗi lần tài khoản tích góp lên được mức 70, 80 triệu đồng thì lại tuột xuống vì những nguyên nhân như: mua điện thoại, đổi laptop, đi du lịch…

>> Những người tuổi 30 tay trắng

Tôi mất đến 4 năm đầu tiên đi làm mới tích góp được 100 triệu đồng tiền mặt đầu tiên. Nếu tính tổng thu nhập, tiền đã chi tiêu thì tôi đã vượt qua con số này từ lâu. Và từ khi đạt được mốc 100 triệu đồng đầu tiên trong tài khoản, tôi nghĩ nhiều hơn về tài chính cá nhân và có suy nghĩ phải tìm cách gì đó để rút ngắn thời gian kiếm được 100 triệu thứ hai, thứ ba… Quả thật khi có trong tay một số vốn nho nhỏ, người ta sẽ tự động học hỏi cách kiếm tiền, cách tiết kiệm và cách đầu tư hiệu quả hơn.

Vì vậy, khi thấy một số than thở của các bạn trẻ mới ra trường đi làm và nói rằng không để dành, không tích góp được gì, theo tôi, ngoài việc bị cuốn vào bẫy tiêu dùng, chi tiêu không kế hoạch, thích mua sắm như nhiều người chỉ ra thì có một vấn đề cốt lõi là không có động lực để tiết kiệm và tích góp. Có lương tháng nào hết tháng ấy là hệ quả của việc khi nhìn vào tài khoản chỉ có chục triệu, thế là buông xuôi vì “đằng nào cũng xài hết”.

Tôi cho rằng vấn đề cốt lõi của việc quản lý tài chính cá nhân sao cho hiệu quả nằm ở việc đặt ra mục tiêu để đạt đến. Hãy đặt ra cái mốc cụ thể và buộc mình phải hoàn thiện. Ở nước ngoài, đó là 100 nghìn USD. Ở ta thì tôi nghĩ con số 100 triệu là phù hợp với nhiều bạn trẻ mới đi làm hơn. Khi để dành được 100 triệu đầu tiên, con người sẽ trở nên tự tin hơn và nó cũng là động lực để kiếm những 100 triệu tiếp theo.

Hà Văn

>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.

Nền tảng eBox của VnExpress triển khai Toạ đàm “Làm thế nào để có thu nhập thụ động” diễn ra trong 3 ngày 28 đến 30/10 với chia sẻ kinh nghiệm thực chiến từ các diễn giả. Chương trình đang bán vé ưu đãi từ 159.000 đồng tại đây.

Bình luận

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *