Nhầm lẫn nông dân ‘độ’ máy móc thành sáng chế

Người nông dân chỉ thay đổi, điều chỉnh các linh kiện máy móc để phù hợp với nhu cầu thực tế.

Về phát minh và sáng chế của các nông dân, một câu hỏi ví dụ: “Để phát minh ra máy điện tín chúng ta cần hàng nghìn nhà khoa học?”. Không. Chỉ cần vài người thôi, một người phát minh và vài người hoàn thiện. Điện tín là dựa vào dòng điện. Dòng điện chạy liên tục trên dây dẫn. Gõ điện tín là ngắt dòng điện theo một quy luật nhất định.

Ví dụ, một cái ngắt đơn lẻ là đại diện cho chữ a, hai cái ngắt liên tiếp đại diện cho chữ b. Đại loại như vậy. Ở đầu dây bên kia có máy đọc. Một cái ngắt, thì máy đọc in một cái dấu chấm vào giấy, hai cái ngắt thì hai dấu chấm. Không ngắt thì tạo thành khoảng trắng. Đối chiếu với bảng mã họ dịch ra nội dung bức điện. Lúc đầu là dịch tay, sau đó họ tạo ra máy đọc dịch trực tiếp trên giấy điện tín luôn.

>> ‘Sáng chế’ của nông dân – nỗi oan cho giáo sư, tiến sĩ Việt

Người nông dân có “sáng chế” ra máy móc nông cụ? Không. Dân trong nghề gọi là “độ” (nâng cấp) hoặc “chế” (hai linh kiện a và b không khớp nhau, cắt gọt kim loại sao cho chúng gắn vừa với nhau).

Ví dụ như độ xe. Các bác trung niên đều biết ngày xưa có xe máy 50cc “xoáy nòng” lên 70cc. Xoáy nòng là mở rộng ống xy lanh trong block máy sao cho vừa khít với sơ mi xy lanh 70cc. Sau đó đem nguyên bộ piston xy lanh của động cơ 70cc lắp qua. Nhìn qua thì tưởng là nâng cấp, thật ra là phá xe. Bởi vì động cơ 50cc của người ta thiết kế ra chỉ chịu được lực đẩy của piston 50cc.

Nhiều bác nông dân “sáng chế” chính là như vậy, đem linh kiện A tháo ra từ máy này lắp vào linh kiện B tháo ra từ máy kia… Lắp không vừa thì “chế”.

Để làm được điều này, họ phải học thuộc cấu tạo của rất nhiều loại máy móc khác nhau và nắm rất rõ linh kiện gì có chức năng gì. Đồng thời họ cũng là những thợ cơ khí có tay nghề tối thiểu cũng phải bậc 5. Cái đống lộn xộn mà họ tạo ra là “độc nhất vô nhị”, có làm ra cái thứ hai cũng không hoàn toàn giống với cái thứ nhất. Việc chế đồ này phụ thuộc vào việc họ đang có những linh kiện gì tháo ra từ hàng đống máy móc cũ. Độ, chế như vậy thợ cơ khí trung cấp làm được, không cần kỹ sư hay tiến sĩ.

Thế nhưng, muốn chế tạo hàng loạt cái máy ấy, máy nào cũng giống máy nào cần nhiều kỹ sư và tiến sỹ. Vậy, tại sao các kỹ sư, tiến sỹ ấy không sáng chế? Muốn sáng chế cần có mục đích. Có nhiều tiến sĩ, kỹ sư không làm ruộng, quanh năm, ngồi phòng lạnh thì làm không có mục đích để sáng chế.

Tình trạng như vậy nói lên sự đứt gãy của chuỗi nghiên cứu khoa học. Đúng bài bản thì nông dân mang cái máy mà ông ta “chế” ra đến một viện nghiên cứu khoa học nào đấy. Ở đó, người ta sẽ lên kích thước của từng loại linh kiện và chế tạo ra một cái máy y hệt.

Họ cho cái máy ấy chạy thử và linh kiện nào có tuổi thọ quá ngắn thì họ phải tìm loại vật liệu thích hợp để tuổi thọ của các linh kiện gần bằng nhau. Đây gọi là đồng bộ hóa. Từ đó họ lên quy trình bảo dưỡng bảo trì. Cuối cùng họ tạo ra dây chuyền sản xuất chế tạo linh kiện hàng loạt rồi lắp ra vô số cái máy giống nhau.

Vâng, khẩu AK47 của anh nông dân Mikhail Kalashnicov (chưa từng học qua một trường lớp cơ khí nào) chính là được chế tạo như vậy. Bạn đã hình dung ra được quá trình chưa?

>> Thời của những ‘tiến sĩ giấy’

Quan trọng của sáng chế là ý tưởng. Nếu không có ý tưởng sáng tạo thì không có phát minh, sáng chế. Làm thế nào để thương mại hóa sáng chế ? Người tạo ra ý tưởng đặt các nhà máy cơ khí chế tạo cho anh ta từng cái linh kiện một nhưng giấu không cho biết sơ đồ của cái máy. Có đủ linh kiện thì anh ta lắp thành cái máy hoàn chỉnh và đem cái máy ấy đến nơi cấp bằng sáng chế. Nơi cấp bằng sáng chế kiểm tra xong, cái máy có chức năng hoạt động giống như đã đăng ký thì cấp bằng sáng chế, đồng thời thông báo là anh Nguyễn Văn A đã sáng chế ra cái máy có chức năng gì đó.

Nhà sản xuất sẽ tìm đến anh A để đàm phán, hoặc là mua đứt bản quyền sáng chế, hoặc là anh được hưởng phần trăm trên từng cái máy được bán ra. Từ chiếc máy gốc này, nhà sản xuất sẽ liên tục cải tiến để nâng cao hiệu suất, tiết kiệm nhiên liệu, gia tăng độ bền, thuận tiện sử dụng, mẫu mã bắt mắt… để bán ra thị trường. Còn nhiều nông dân nhà ta có thể làm giàu từ sáng tạo của mình nhưng bất thành vì không được ai biết đến.

Lâm

>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.

Bình luận

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *