Sốt đất gây ra nhà trọ 15 m2

Giá đất xung quanh các khu công nghiệp bị đẩy lên cao nên việc xây dựng nhà ở, khu vui chơi giải trí cho công nhân bị thiếu hụt.

Vào khoảng hơn một tháng trước, lúc mà dịch Covid-19 tại TPHCM còn đang căng thẳng, tôi nói chuyện với một anh bảo vệ đang làm việc ‘ba tại chỗ’ tại khu chung cư tôi đang sinh sống.

Anh cho hay anh cùng những người lao động khác đã được bố trí ở lại chung cư làm việc hơn hai tháng nay, vợ của anh trước dịch làm công việc buôn bán hàng rong nhưng hiện giờ đang không có việc làm và kẹt lại tại phòng trọ ở quận Bình Tân cùng hai con nhỏ hơn hai tháng nay.

Cả gia đình 4 bốn miệng ăn chỉ trông chờ vào khoản tiền lương chỉ hơn 6 triệu của anh.

Anh cho tôi biết rằng, anh đã quyết định khi hết dịch và được phép về quê, anh sẽ cùng gia đình về quê sinh sống luôn, có rau ăn rau, có cá ăn cá. Hơn năm năm trước, anh và vợ dù ít học nhưng vẫn muốn lên Sài Gòn sinh sống làm việc với mong muốn cho hai đứa con được ăn học hành đàng hoàng nhưng qua hai năm dịch bệnh đã làm cho anh và vợ không còn sức để trụ lại thành phố này.

>> Ba nữ công nhân sống an phận

Đó có lẽ không chỉ là mong muốn của riêng gia đình anh mà còn là mong muốn hàng chục ngàn người khác. Bằng chứng là ngay khi dịch bệnh chỉ vừa hạ nhiệt, thành phố vừa có thông tin sẽ nới lỏng giãn cách, hàng ngàn người kéo nhau ra các cửa ngõ thành phố để về quê như chúng ta thấy trong những ngày qua.

Có lẽ họ cũng ý thức được những nguy cơ họ có thể đem về cho gia đình, cho quê hương của họ khi về quê trong thời điểm này nhưng hơn 120 ngày giãn cách vừa qua đã quá sức chịu đựng của họ. Dắt díu nhau về quê hương hàng trăm cây số trên những chiếc xe gắn máy chắc chắn không phải là hành động nông nổi, bồng bột của một người mà đó là cả toan tính của một gia đình và đặc biệt là những gia đình còn có con nhỏ. Nhìn cảnh họ vật vạ trên đường trong đêm mưa khiến cho nhiều người xót xa, vừa buồn vừa cảm thông thân phận của họ.

Tôi từng làm công nhân trong nhà máy tại khu công nghiệp Vĩnh Lộc quận Bình Tân gần hai năm trời khi mới bước chân vào Sài Gò,n nên tôi không lạ gì với đời sống của các anh chị em công nhân tại các khu công nghiệp.

Vì để có thu nhập khá hơn mức lương tối thiểu vùng và đỡ một bữa cơm nhà nên công nhân đa phần sẽ chọn làm việc đến 12 giờ thậm chí 14 giờ mỗi ngày trong các nhà xưởng nóng nực. Sau đó trở về các căn phòng trọ ẩm thấp ngột ngạt được người dân địa phương xây dựng xung quanh các khu công nghiệp, ngủ lấy sức tiếp tục cho một ngày lao động tiếp theo.

Một gian trọ 15 mét vuông có gác lửng có thể là nơi sinh hoạt của một gia đình hoặc một nhóm bốn năm người, thậm chí là sáu người. Đồng lương công nhân ít ỏi vẫn được gói gém gởi một ít về quê cho cha mẹ già còn lại là dành cho những sinh hoạt thường nhật và những cuộc vui cuối tuần của anh em công nhân trong khu trọ (thường là nhậu nhẹt rồi ca hát).

>> ‘Vòng đời công nhân’ trong nhà trọ 15m2

Đồng lương của họ thường được tiêu sạch trong tháng, không mấy người có dư để dành một khoản phòng thân khi có những biến cố không ngờ trước. Thậm chí có những người còn phải vay nợ vì lỡ mua đồ trả góp nhưng đến hạn mà không có tiền trả cho người bán.

Không có việc làm, không có thu nhập, giam mình hàng tháng trời trong gian trọ chật chội ẩm thấp ngột ngạt, cộng với nỗi sợ về bệnh dịch, có lẽ là nguyên nhân lớn nhất khiến họ rủ nhau lũ lượt kéo về quê.

Ở TP HCM và các tỉnh lân cận như Bình Dương, Đồng Nai, và Bà Rịa- Vũng Tàu ngày càng có nhiều các khu công nghiệp, khu chế xuất mọc lên thu hút những nhà đầu tư trong và ngoài nước đến xây dựng những nhà xưởng nhà máy tạo ra việc làm cho hàng triệu lao động trong và ngoại tỉnh. Nhưng vấn đề về an sinh cho hàng triệu người lao động này vẫn được ít chú trọng và thậm chí là phó mặc cho người dân địa phương. Có thể nói là khó mà có thể tìm thấy, hoặc là không có một khu dân cư nào được quy hoạch bài bản, gần các khu công nghiệp để dành riêng, cho thuê và bán giá ưu đãi cho đối tượng là người lao động là công nhân.

Các khu công nghiệp chẳng mấy chú trọng đến khu vui chơi giải trí cho công nhân nhân và con em của họ. Nhiều lao động phải gởi về quê cho ông bà săn sóc khi cả hai vợ chồng làm việc ở miền Đông.

Những khu công nghiệp khi vừa mới có thông tin quy hoạch là những nhà đầu cơ bất động sản đã có được thông tin, và họ nhanh tay thu gom hầu hết đất đai xung quanh khu vực đó dẫn đến giá đất bị đẩy lên cao hàng chục lần.

Điều này dẫn đến việc sở hữu một căn nhà để an cư lạc nghiệp trở thành giấc mơ xa xỉ cho phần lớn người lao động. Họ phải dùng đến một phần tư thậm chí một phần ba thu nhập còm cõi hàng tháng để trả tiền thuê một gian trọ chật hẹp, ẩm thấp không có một quy chuẩn cụ thể nào.

>> Lối thoát ‘vòng đời công nhân’ trong nhà trọ 15 m2

Và chính họ, người lao động cũng là người phải tiêu thụ những loại thực phẩm chất lượng thấp, giá rẻ tại các khu chợ tự phát xung quanh các khu công nghiệp. Vì thiếu chợ hoặc siêu thị giá tốt cho công nhân người lao động.

Phần lớn những công nhân trong các khu công nghiệp không có cơ hội để tham gia các hoạt động giải trí văn hóa nghệ thuật chất lượng, nên họ dễ bị đẩy vào các cuộc tập trung ăn nhậu và ca hát tại các khu trọ, vốn đã ẩm thấp bức bối nay lại thêm ồn ào.

Nhiều thanh niên trẻ còn bị sa đọa vào các trò cá độ bóng đá, cờ bạc dẫn đến nợ nần và tệ nạn xã hội. Có thể nói cuộc sống của người công nhân tại các khu công nghiệp chỉ quẩn quanh tại các khu nhà xưởng và khu trọ tồi tàn.

Để có được sự phát triển bền vững trong tương lai, tôi nghĩ các địa phương, các tỉnh có nhiều lao động nhập cư khác như Bình Dương, Đồng Nai cần phải có những chính sách an sinh phù hợp hơn để cải thiện đời sống của người lao động nhập cư, vì chính họ là những con người góp phần không nhỏ cho sự phát triển, cho sự phồn vinh thịnh vượng của vùng trọng điểm kinh tế phía nam và của cả đất nước.

Henry Nguyễn

>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.

Bình luận

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *